Quy định sinh viên bán dâm 4 lần bị buộc thôi học là trái luật, thiếu khả thi

ANTD.VN -Theo khung xử lý kỷ luật học sinh, sinh viên được Bộ GD&ĐT đặt ra kèm theo dự thảo Thông tư về quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên, sinh viên ngành đào tạo này hoạt động mại dâm đến lần thứ tư sẽ bị buộc thôi học.

 Cũng theo văn bản này, sinh viên nếu vi phạm lần đầu tiên trong cả khóa học, sinh viên sẽ bị khiển trách và lần thứ 2 sẽ cảnh cáo, lần thứ 3 đình chỉ có thời hạn. Sinh viên chứa chấp, môi giới mại dâm một lần sẽ bị buộc thôi học.

Quy định trên đã gây xôn xao dư luận. Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc xử lý, kỷ luật sinh viên hoạt động mại dâm nếu được thực hiện theo Dự thảo sẽ trái với các quy định hiện hành.

Theo Điều 21 của Hiến pháp năm 2013, “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình” thì việc công khai danh tính người bán dâm xâm phạm đến đời sống bí mật cá nhân, vi phạm quy định này. Điều 34 BLDS 2015 cũng nêu rõ “danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.

Pháp lệnh phòng, chống mại dâm 2003 nghiêm cấm các hành vi mua dâm, bán dâm

Bên cạnh đó, BLHS 2015 không xem hành vi mua dâm là tội phạm, mà chỉ xử lý hình sự đối với hành vi tổ chức, môi giới, chứa chấp mại dâm. Hành vi bán dâm chỉ bị xem là hành vi tội phạm nếu “người bán dâm biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác”.

Như vậy, việc công khai tên người mua, bán dâm là trái với quy định của luật. Về xử lý hành chính, các văn bản pháp luật hiện hành cũng không quy định công khai danh tính người bán dâm. Chưa nói đến việc xác định người bán dâm lần thứ bao nhiêu để áp dụng hình thức xử lý kỷ luật tương ứng là rất khó khả thi – Luật sư Lê Hồng Vân nhận định.

Điều 4 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm 2003 quy định, nghiêm cấm các hành vi: Mua dâm; bán dâm; chứa mại dâm; tổ chức hoạt động mại dâm; cưỡng bức bán dâm; môi giới mại dâm; bảo kê mại dâm; lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm; các hành vi khác liên quan hoạt động mại dâm theo quy định của pháp luật.

Do đó, việc quy định về hình thức xử lý đối với hành vi mại dâm phải dựa trên tinh thần của Pháp lệnh phòng chống mại dâm 2003. Điều 23 của pháp lệnh này nêu rõ: “Người bán dâm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh”

Về xử lý hành chính, theo Nghị định 178/2004/NĐ-CP của Chính phủ, người nào có hành vi bán dâm thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng. Phạt tiền từ 300.000-500.000 đồng trong trường hợp bán dâm cho nhiều người cùng một lúc. Phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng trong trường hợp bán dâm có tính chất đồi trụy.

Được biết, sau khi nhận được phản ứng trái chiều từ dư luận, khoảng 22h tối 29-10, Dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy, trong đó có quy định sinh viên cao đẳng, trung cấp sư phạm bán dâm 4 lần sẽ bị đuổi học đã được rút khỏi Website của Bộ GD&ĐT.