Quy định của pháp luật về việc nhận cháu ruột làm con nuôi

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Tôi là người Việt Nam lấy chồng người Hàn Quốc. Hiện nay, vợ chồng tôi sinh sống tại Hàn Quốc. Tôi có mong muốn được nhận cháu ruột của mình làm con nuôi. Xin hỏi, quy định về việc nhận cháu ruột làm con nuôi như thế nào? Nguyễn Thị Mây (Hưng Yên)

Quy định của pháp luật về việc nhận cháu ruột làm con nuôi ảnh 1Luật sư Đặng Văn Sơn (Văn phòng Luật sư Đặng Sơn và Cộng sự)

Luật sư trả lời: Câu hỏi của bạn chưa đầy đủ thông tin về độ tuổi của cháu bạn và của vợ chồng bạn nhưng chúng tôi vẫn nêu ra các quy định pháp luật để bạn tham khảo.

Cụ thể, Điều 8, Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định về độ tuổi của người được nhận làm con nuôi như sau: “Trẻ em dưới 16 tuổi. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp: Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi; Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi”. Tương tự, Điều 28, Luật Nuôi con nuôi năm 2010 cũng quy định về các trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, bao gồm: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước cùng là thành viên của điều ước quốc tế về nuôi con nuôi với Việt Nam nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi. Và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài được nhận con nuôi đích danh trong các trường hợp: Là cha dượng, mẹ kế của người được nhận làm con nuôi; Là cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi; Có con nuôi là anh, chị, em ruột của trẻ em được nhận làm con nuôi...

Quy định của pháp luật về việc nhận cháu ruột làm con nuôi ảnh 2Nhận cháu ruột làm con nuôi không bị áp dụng quy định về tuổi tác (Ảnh minh họa)

Theo khoản 1, Điều 29, Luật Nuôi con nuôi năm 2010 thì người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi phải có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật nơi người đó thường trú và quy định tại Điều 14, Luật Nuôi con nuôi. Đó là phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi và có tư cách đạo đức tốt. Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định về khoảng cách tuổi tác và các điều kiện về kinh tế, sức khỏe, chỗ ở.

Nếu đáp ứng các điều kiện nêu trên và đáp ứng các điều kiện theo pháp luật của nước sở tại thì vợ chồng bạn có thể nhận cháu ruột làm con nuôi. Việc đăng ký nhận nuôi con nuôi do UBND cấp tỉnh nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi quyết định việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; Sở Tư pháp cấp tỉnh đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.