Quy định của pháp luật về hành vi cố ý gây thương tích

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Bố tôi vay tiền của người ta nhưng người này về sau cứ đến nhà bắt tôi phải trả nợ. Trong lúc lời qua tiếng lại, tôi bị chị ta tấn công nên đã lấy chiếc cốc thủy tinh ném lại nhưng lại trúng vào cháu bé (con trai chị ta), dẫn đến thương tích 3%. Hiện, tôi sắp bị đưa ra xét xử về tội “Cố ý gây thương tích”. Theo luật sư, việc làm đó của tôi có đáng bị như vậy không? Nguyễn Thanh Tuân (Hà Nội)

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh; địa chỉ: ố 197 phố Đặng Tiến Đông, Hà Nội)

Luật sư trả lời: 

Do bạn không nêu tường tận nguyên nhân cháu bé bị thương tích nên tôi tạm chia thành hai tình huống như sau:

- Trường hợp thứ nhất, là cháu bé con người phụ nữ đứng sát cạnh người phụ nữ lúc bạn ném cốc thủy tinh nên chiếc cốc trúng phải cháu bé. Trong tình huống này, bạn phải chịu trách nhiệm về hành vi cố ý gây thương tích đối với cháu bé dù mục đích của bạn là gây thiệt hại về sức khỏe cho mẹ cháu chứ không phải cho cháu. Khi ném người phụ nữ, bạn buộc phải hiểu rằng chiếc cốc hoàn toàn có thể trúng vào cháu bé nhưng bạn vẫn cố tình ném. Bạn đã có ý thức bỏ mặc hậu quả có thể xảy ra và thực tế hậu quả đã xảy ra. Thương tích của cháu bé chỉ là 3%, dưới 11% theo cấu thành về tỷ lệ tổn thương cơ thể tối thiểu, nhưng chiếc cốc được xác định là hung khí nguy hiểm. Do vậy cơ quan tố tụng xử lý hình sự bạn về tội “Cố ý gây thương tích” là có căn cứ.

- Trường hợp thứ hai, là cháu bé đứng cách xa người phụ nữ, không ở vị trí sát cạnh người phụ nữ. Khi ném bạn đã nhắm vào người phụ nữ. Tuy nhiên, do người này né tránh hoặc vung tay vung chân khiến chiếc cốc trúng vào cháu bé. Rơi vào tình huống này, theo quan điểm của tôi, hành vi của bạn không cấu thành tội “Cố ý gây thương tích”. Bởi lẽ mục đích của bạn không phải là gây thương tích cho cháu bé. Nếu không có sự tác động của người phụ nữ thì chiếc cốc không văng vào cháu bé gây thương tích cho cháu. Hành vi của bạn có dấu hiệu của tội “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”. Nhưng do cháu bé chỉ bị thương tích 3%, trong khi điều luật quy định: “Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%...”. Vậy nên hành vi này của bạn sẽ không bị xử lý hình sự.

Dù thế nào đi chăng nữa và dù có thể bị kết án hay không thì trước khi Tòa án mở phiên tòa để xét xử bạn, bạn cũng nên có động thái thăm hỏi, động viên, bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho cháu bé. Điều đó vừa thể hiện thái độ cầu thị của bạn, vừa giúp bạn có thêm tình tiết giảm nhẹ quan trọng khi Hội đồng xét xử xác định bạn phạm tội “Cố ý gây thương tích” và ban hành bản án kết tội bạn.