- Chính thức mở đăng ký thi đánh giá năng lực xét tuyển đại học 2020
- Xét tuyển đại học bằng kết quả thi THPT quốc gia không còn chiếm thế thượng phong
- Tuyển sinh Đại học năm 2020: Tăng chỉ tiêu, mở thêm ngành
Dự thảo Quy chế tuyển sinh 2020 là quy chế tuyển sinh hợp nhất các loại hình đào tạo, gồm tuyển sinh đạo tạo chính quy, tuyển sinh đào tạo vừa làm vừa học, bằng thứ hai, chương trình tiên tiến, chất lượng cao, theo đặt hàng, liên thông. Quy chế này không áp dụng đối với việc tuyển sinh đi học nước ngoài, đào tạo từ xa.
So với quy chế 2019 có một số điểm mới đáng chú ý. Theo đó, năm 2020, theo Luật giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ không giao chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo sư phạm trình độ trung cấp nữa. Với trình độ CĐ chỉ giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non.
Điểm mới nữa trong dự thảo quy chế tuyển sinh 2020 là việc tích hợp các nội dung của công tác tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2... vào cùng một quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, trình độ CĐ, ngành giáo dục mầm non.
Bộ cũng đưa ra quy định cụ thể hơn về điều kiện tổ chức tuyển sinh riêng (thi các môn văn hóa, thi đánh giá năng lực...) nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào.
Quy chế tuyển sinh 2020 tăng cường chế tài đối với gian lận thi cử
Bộ tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành đào tạo giáo viên và một số ngành/loại hình tuyển sinh.
Bên cạnh đó, các quy định chế tài đối với các trường vi phạm, đối với cán bộ, công chức, người lao động và thí sinh vi phạm, đặc biệt là thí sinh gian lận, liên quan đến gian lận trong thi, tuyển sinh… sẽ chặt chẽ hơn để nâng cao tính tuân thủ pháp luật trong điều kiện thực hiện tự chủ ĐH.
Đáng chú ý là quy định mới về tổ hợp các môn thi. Theo dự thảo quy chế lần này Bộ quy định dù tuyển sinh theo phương thức nào thì trường đều phải thực hiện việc lựa chọn tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển theo các nguyên tắc sau:
Sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong 2 bài thi/môn thi toán hoặc ngữ văn để xét tuyển;
Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành (những tổ hợp chỉ thay đổi các ngoại ngữ khác nhau được coi là một tổ hợp)
Đối với các trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó, có ít nhất một bài thi toán, ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển.
Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định bài thi/môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho biết, các phương thức tuyển sinh ngày càng được các trường lựa chọn đa dạng hơn, tỉ lệ chỉ tiêu để xét tuyển từ điểm thi THPT quốc gia có giảm nhẹ qua các năm gần đây.
Bộ đang dự thảo những quy định có tính định hướng để đảm bảo chất lượng tuyển sinh trong điều kiện các trường tự chủ sẽ tiếp tục đổi mới sau năm 2020, để đảm bảo các trường có trách nhiệm giải trình về tính hợp lý, công bằng, không gây tốn kém hay làm xáo trộn xã hội.
Tuy nhiên, ở thời điểm này, nhiều trường vẫn dành phần lớn chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia, đó là sự lựa chọn của các trường tự chủ. Điều đó cũng phản ánh kết quả của kỳ thi này khách quan, có tính phân loại và được các trường ĐH tin cậy sử dụng theo tinh thần tự chủ; có thể làm cho áp lực của kỳ thi THPT quốc gia tăng hơn so với chỉ để xét tốt nghiệp THPT nhưng ở mặt khác, các thí sinh cũng không phải tham dự thêm kỳ thi tuyển sinh của các trường ĐH, nhất là trong điều kiện thí sinh được đăng ký xét tuyển nhiều nguyện vọng.
Để giảm áp lực, phương án thi THPT quốc gia cũng đã dự tính từ năm 2021 sẽ dần tổ chức thi ngày càng nhiều đợt trong năm, thí sinh có thể thi nhiều lần để lấy kết quả cao nhất... chứ không nhất thiết phải yêu cầu các trường ĐH tách công tác tuyển sinh khỏi kết quả học tập, kết quả thi của bậc phổ thông.