Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Trồng trọt

ANTD.VN -  Sáng nay 9-11, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Trồng trọt.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Trồng trọt

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Trồng trọt được xây dựng với bố cục gồm 7 chương với 85 Điều quy định về hoạt động trồng trọt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt.

Theo ông Phan Xuân Dũng, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật Trồng trọt. Trên cơ sở ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở Tổ và Hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Trồng trọt, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan, đơn vị hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH để chỉnh lý Dự thảo Luật.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật, ông Phan Xuân Dũng cho biết, đa số ĐBQH tán thành với phạm vi điều chỉnh của Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung: bảo đảm quá trình canh tác, quản lý chất lượng sản phẩm vào phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các nội dung mà các ĐBQH nêu đã được thể hiện trong các chương, điều của Dự thảo Luật theo chuỗi giá trị, từ sản xuất, quản lý giống và phân bón đến quá trình canh tác, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm cây trồng.

Về quản lý giống cây trồng, có ý kiến đề nghị quy định rõ về loài cây trồng chính và tiêu chí xác định loài cây trồng chính. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung giải thích khái niệm loài cây trồng chính tại khoản 5 Điều 2 của Dự thảo Luật. 

Có ý kiến đề nghị tăng thời hạn quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng lên 20 năm với cây ngắn ngày, 30 năm với cây dài ngày; ý kiến khác đề nghị không nên quy định thời hạn đối với quyết định công nhận giống cây trồng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, theo Pháp lệnh giống cây trồng hiện hành thì Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng là không có thời hạn. Vì vậy, thời gian qua có tình trạng nhiều giống đã bị thoái hóa, suy giảm chất lượng nhưng vẫn lưu hành, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm trồng trọt.

Do vậy, việc quy định thời hạn của Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng là 10 năm đối với cây hàng năm, 20 năm đối với giống cây trồng lâu năm như trong Dự thảo Luật là cần thiết.

Về quản lý phân bón, có ý kiến cho rằng, quy định “một tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký công nhận một tên phân bón cho mỗi công thức thành phần, hàm lượng dinh dưỡng phân bón” (khoản 4 Điều 36) là không cần thiết, đề nghị làm rõ mục đích của quy định này.

Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng, hiện tại thị trường phân bón Việt Nam rất đa dạng, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn còn phổ biến trên thị trường. Do vậy, việc quy định “một tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký công nhận một tên phân bón cho mỗi công thức thành phần, hàm lượng dinh dưỡng phân bón” là cần thiết để tránh hiện tượng cùng một công thức phân bón, cùng hàm lượng, chỉ tiêu nhưng lại được doanh nghiệp đăng ký dưới nhiều tên thương mại, gây cho người tiêu dùng hiểu lầm là có nhiều loại phân bón khác nhau.

Mặt khác, quy định này không hạn chế việc doanh nghiệp đứng tên nhiều loại sản phẩm phân bón khác nhau với các công thức, thành phần, hàm lượng dinh dưỡng khác nhau. Tuy nhiên, để tránh gây hiểu lầm là hạn chế sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Dự thảo Luật đã chỉnh sửa lại cách viết và thể hiện như tại khoản 4 Điều 36…

“Bên cạnh những vấn đề chính nêu trên, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý bố cục, kỹ thuật văn bản; chỉnh sửa tại nhiều điều khoản trong dự thảo Luật. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật mới gồm 7 Chương, 85 điều, tăng 3 điều so với Dự thảo trình Quốc hội (bỏ 10 điều, ghép 21 điều thành 8 điều, tách 2 điều thành 4 điều, bổ sung 24 điều mới)”, ông Phan Xuân Dũng cho biết..

Sau khi nghe báo cáo, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trồng trọt.