"Quá khẩu thành tàn"

ANTĐ - Đó là câu ngạn ngữ của ông cha ta cảnh báo con cháu từ hàng ngàn đời nay. Ý nói, trong hưởng thụ cũng như trong ăn uống nên biết mức độ giới hạn của mình. Vượt qua giới hạn đó để thỏa mãn nhu cầu bản năng thì sẽ gánh lấy những hậu quả tai hại về nhiều mặt. Câu nói này ngày càng đúng hơn trong tình trạng Việt Nam đang trở thành một quốc gia đứng đầu Đông Nam Á, đứng thứ ba châu Á về tiêu thụ bia rượu. Chúng ta cũng là 1 trong 25 quốc gia trên thế giới có độ tăng trưởng đáng kinh ngạc về sự phát triển người uống bia rượu mỗi năm.
"Quá khẩu thành tàn" ảnh 1

Trong thần thoại, truyện cổ tích của hầu hết các quốc gia trên thế giới đã có nhiều sự tích về bia rượu cùng những hệ lụy tai hại của nó. Thần thoại Hy Lạp nói về thần Dionysus tìm ra rượu khi vô tình dẫm vào những quả nho trong chậu.

Vì thưởng thức thứ đồ uống uống trời cho đó mà về sau Dionysus đã tìm đến những hoan lạc và mất hết lý trí. Hay như Thiên Bồng Nguyên Soái chỉ vì say rượu trong đêm hội Long Trì và trêu ghẹo Hằng Nga nên bị Ngọc Hoàng đầy xuống trần gian đầu thai thành lợn mang tên Trư Bát Giới ham nhục dục, ăn nhậu mà lười nhác. Rồi chuyện thi sĩ Lý Bạch uống rượu say bí tỉ đến độ quên hết trời đất, nhẩy xuống sông mà ôm trăng để rồi chết đuối. Ở ta thì có  chàng Trương Chi xấu xí, nghèo rớt mùng tơi phải dùng rượu đêm đêm để quên mối tình đơn phương với nàng Mỵ Nương con quan Tướng quốc. Hay gã Chí Phèo phải cần đến rượu say ngất ngư, mất trí mới dám chửi bậy, làm càn…

Hiện nay có lẽ ít quốc gia nào sự phát triển về người uống bia rượu lại mạnh như nước ta và tạo ra những hệ lụy to lớn cho xã hội nhiều như vậy. Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gần một thập kỷ qua, trong khi số người uống rượu bia toàn cầu đang chững lại thì ở Việt Nam (đất nước có thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 8/11 ASEAN) con số này tăng lên 200% - một kỷ lục không lấy gì làm tự hào. 

Những năm đầu thập niên 60 của thế kỉ trước, việc Nhà máy bia Hà Nội sản xuất trở lại và cho ra bia chai, bia hơi Hà Nội đã mang lại sự tự hào cho ngành công nghiệp ẩm thực Việt Nam. Những năm đó, dù bia hơi Hà Nội với lợi thế có nguồn nước rất phù hợp cho việc sản xuất bia chất lượng cao, nhưng cũng không có nhiều người hâm mộ. Nhà thơ Xuân Diệu dạo đó đã từng có bài thơ ca ngợi “cốc bia vàng như màu lúa” để quảng bá cho bia Hà Nội. Nhà thơ cũng không thể ngờ vài chục năm sau, người uống bia rượu ở Việt Nam lại phát triển nhanh như thế. Thống kê năm 2008 cho thấy, có tới gần 80% đàn ông thường xuyên sử dụng rượu bia, trong đó số người say lên đến 60,5%. Thống kê cũng cho ra con số 36,5% nữ thanh niên trong độ tuổi từ 14-25 thường xuyên sử dụng rượu bia và tỉ lệ say của giới này chiếm 22%. Những năm gần đây, số người uống rượu bia trong độ tuổi từ 14-17  tăng lên 47,5%; độ tuổi từ 18-21 tăng lên 67%. 

Bia rượu đã thành thức uống phổ thông đến mức nếu năm 2005 bình quân một người Việt Nam (từ 15 tuổi trở lên) tiêu thụ 3,8lít/người/năm thì đến năm 2010, số lượng này đã là 6,6lít/người/năm. Như vậy, với lượng bia rượu này, người Việt Nam đang đưa vào cơ thể mình hơn 37,7g cồn nguyên chất - thứ hóa chất gây ra đủ thứ tác hại cho sức khỏe. Cũng theo WHO, cồn là nguyên nhân hàng đầu gây ra tàn tật và tử vong cho con người. Nó cũng là nguồn gốc của hơn 30 bệnh khác như: tâm thần, rối loạn hành vi, tim mạch, tiểu đường, ung thư…

Bất chấp mọi sự nguy hiểm đối với chính sức khỏe của bản thân, người Việt Nam vẫn lao vào bia rượu như tìm đến một niềm vui, một sự cứu cánh, một phương tiện làm ăn. Bữa cơm hàng ngày cũng phải có rượu bia, vui bè bạn cũng bia rượu. Hội hè, ma chay, cưới xin càng không thể thể thiếu và nhất là trong làm ăn, bàn bạc công việc thì nó là “thứ khởi đầu” để thay thế cho câu nói cửa miệng của các cụ: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”.

Đại diện WHO tại Việt Nam từng có đánh giá: “Đồ uống có cồn ở Việt Nam khá phổ biến. 70% đàn ông uống bia rượu. Cứ 4 người thì có 1 người uống tới mức có hại tương đương với 6 vại bia”. Một kiến trúc sư 42 tuổi cho biết: “Tôi uống mỗi ngày. Hôm thì bia, hôm thì rượu mạnh. Tôi biết không tốt cho sức khỏe nhưng khó mà bỏ thói quen đó được. Nhiều khi tôi bắt buộc phải uống mới có thể hoàn thành công việc. Khó lòng từ chối khi bạn được mời một bữa nhậu. Chúng tôi bảo nhau “không rượu thì còn gì là tiệc”.

Với cách nghĩ đã thành nếp như vậy trong một cộng đồng lấy bia rượu làm chất xúc tác, cùng với giá bia ở nước ta vào hàng rẻ nhất thế giới (0,5USD/ cốc bia), với lượng người tiêu thụ ngày một phát triển thì ngành rượu bia của Việt Nam sẽ không bao giờ hết việc. Những năm gần đây ngành rượu bia luôn đáp ứng đủ cho sức tiêu thụ một năm hơn 3 tỷ lít bia cùng 68 triệu lít rượu. Riêng dịp Tết, Hà Nội đã “ngốn” tới 200 triệu lít bia, rượu - một con số… đáng sợ.

Bia rượu ở nước ta hiện nay đã thành một tệ nạn và đáng sợ hơn nó đã thành một thói xấu trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người, nhiều cộng đồng. Tệ nạn, thói xấu này không chỉ làm băng hoại trí lực, thể lực, chất lượng sống của mỗi cá nhân người Việt mà nó còn tạo ra những hệ lụy xấu khác. Thứ nhất là tai nạn giao thông (TNGT).

Trong một thập kỷ nay, chúng ta đã trở thành quốc gia đứng hàng đầu thế giới về TNGT. Trong số các vụ TNGT của năm 2014 có tới 40% số vụ cùng 20% số người chết có nguyên nhân liên quan đến bia rượu. Sơ kết tình hình TNGT những tháng đầu năm 2015 cũng cho ra con số đáng sợ: Bình quân mỗi ngày có 26 người chết vì TNGT, trong đó tỷ lệ dính đến bia rượu lên đến gần 50%. Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức Hà Nội - bà Nguyễn Thị Bích Hường đưa ra nhận xét đáng buồn: “Nạn nhân TNGT bị chấn thương sọ não và chết chiếm tới hơn 50%. Đa phần, họ đều là những người đang trong tuổi lao động và đều rất trẻ”. 

Nếu 1/5 số người tử vong do TNGT có liên quan đến bia rượu thì có đến 33,7% các vụ bạo lực gia đình, gần 40% các vụ đánh nhau, án mạng, hiếp dâm cũng xuất phát từ… bia rượu mà ra. Các nhà khoa học đã tính toán, cứ 0,05 mg cồn/lít khí thở đã làm giảm sút trí nhớ; 0,2mg cồn/lít khí thở sẽ khiến con người bị ức chế, giận dữ, loạng choạng, không kiểm soát được hành vi… Vậy mà những người ưa bia rượu ở nước ta, sau mỗi cuộc nhậu nhẹt thì chỉ số này đều lớn hơn thế rất nhiều. TNGT, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình chính từ đó mà ra. 

Một vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã cảnh báo: “Đóng góp của ngành rượu bia được 1 đồng cho ngân sách quốc gia thì mất từ 2-3 đồng giải quyết hậu quả do bia rượu gây ra”. Hàng năm các quốc gia mất đi từ 1,3 đến 12% GDP để giải quyết hậu quả gián tiếp các hành động gây ra do bia rượu. Con số này ở nước ta chắc còn cao hơn nhiều bởi sự ngăn cấm bia rượu của ta mới chỉ dừng ở mức độ… nửa vời.

Cấm bia rượu trong giờ hành chính - người ta càng uống ngoài giờ. Cấm quảng cáo bia rượu người ta vẫn quảng cáo. Đó là chưa kể lãnh đạo ở một tỉnh nghèo nọ còn ra sức cổ động cho việc uống bia của một hãng bia… thì làm sao nước ta có thể ngăn chặn việc uống bia rượu lan tràn ở mọi lúc, mọi nơi?