Phương tiện công cộng phải… đi trước

ANTD.VN - 90% người dân Hà Nội đồng ý dừng sử dụng xe máy để giảm ùn tắc giao thông, đây là  kết quả khảo sát do được Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải đưa ra. 

Những con số này ngay lập tức làm dấy lên tranh luận đa chiều chưa có hồi kết. Hàng loạt câu hỏi được nêu ra như: 90% người dân Hà Nội là ai? Khảo sát này tiến hành khi nào sao tôi không được biết? Cấm xe máy thì đi lại bằng gì khi phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu? Đồng ý điều chỉnh giờ học giờ làm cụ thể là điều chỉnh như thế nào?

Với số lượng 16.000 phiếu khảo sát được phát ra và hơn 15.000 phiếu thu về thì có thể khẳng định rằng số người không được biết đến cuộc khảo sát này là rất lớn và những thắc mắc nói trên cũng là điều dễ hiểu. Bởi hiện tại, Hà Nội là thành phố đông dân thứ hai trên cả nước với hơn 7,5 triệu người, chưa kể hơn 3 triệu người không đăng ký.

Việc cấm xe máy  tác động trực tiếp tới quyền lợi cá nhân của những người sở hữu phương tiện này do đây là phương tiện đi lại thiết yếu, thậm chí là “cần câu cơm” của không ít gia đình nên chuyện phản ứng cũng là điều tất khó tránh khỏi. Dù số lượng phiếu khảo sát phát ra tương đối lớn so với một cuộc điều tra xã hội học thông thường nhưng vẫn khó  chấp nhận được, chứ chưa muốn khẳng định rằng không thể thỏa mãn số đông. 

Bên cạnh đó, nhiều người còn  quên đi một vế trong khảo sát đó là người dân chỉ đồng thuận chỉ khi giao thông công cộng đáp ứng 50% nhu cầu. Hiện nay, nhiều người đã chọn xe buýt làm phương tiện đi lại thường xuyên do có lộ trình thích hợp, nhanh và thuận tiện. Ngoài ra nhiều người cũng bày tỏ ý định lựa chọn phương tiện công cộng khi các điểm dừng cách nơi ở, nơi làm việc không quá xa, không phải chịu cảnh nhồi nhét vào giờ cao điểm. 

Hiện năng lực phục vụ của hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội mới đạt mức hơn 12% và khi giao thông công cộng đáp ứng được con số 50% thì việc đi lại bằng các phương tiện công cộng chắc chắn sẽ thuận tiện hơn rất nhiều. Theo đánh giá của các chuyên gia, giao thông công cộng là giải pháp cơ bản giải quyết ùn tắc, phù hợp với điều kiện dân số đông, hạ tầng chật chội như Hà Nội.

Đến năm 2020, Hà Nội cố gắng đưa thị phần vận tải công cộng từ 12% như hiện nay lên 35% và 50% đến năm 2030. Các thành phố lớn của Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM đang đứng trước những thách thức lớn về giao thông đô thị như ùn tắc, tai nạn, ô nhiễm môi trường… Để giải quyết tình trạng này, một trong những giải pháp quan trọng là thu hút người dân đi lại bằng phương tiện công cộng và tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân.

Sử dụng phương tiện công cộng có nhiều ưu điểm như tiết kiệm chi phí đi lại, hạn chế căng thẳng khi điều khiển phương tiện, hạn chế tác động của thời tiết bên ngoài, độ an toàn cao… - đây là điều mà mỗi người đang sử dụng phương tiện cá nhân đều có thể nhận thức được. Mặt khác, lựa chọn phương tiện công cộng cũng giúp giảm ùn tắc, giảm thiểu lượng nhiên liệu tiêu thụ, qua đó giảm ô nhiễm môi trường. 

Có thể khẳng định rằng, việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ tác động không nhỏ tới cuộc sống của đông đảo người dân thành phố, nhưng như thế không có nghĩa là cứ mãi mãi phát triển xe máy. Vấn đề quan trọng là phải phát triển được một hệ thống giao thông công cộng đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, khi đó nói đến việc dừng sử dụng xe máy cũng sẽ dễ dàng được chấp nhận hơn.