Phụ nữ Ấn Độ lo mất "nghề đẻ thuê"

ANTD.VN - Tại một nhà nghỉ dành cho hàng chục thai phụ, góa phụ Sharmila Mackwan đang phân vân về quyết định mang thai hộ của cô, khi chính phủ Ấn Độ đang siết chặt “ngành công nghiệp cho thuê tử cung” giá trị hàng triệu USD của nước này. Đây không phải là nỗi lo của riêng mình Mackwan, mà là của nhiều phụ nữ nghèo khác, bởi đẻ thuê là phương cách duy nhất giúp họ thoát đói khổ.

Ấn Độ được coi là “trung tâm đẻ thuê” của thế giới

Dịch vụ tốt, giá cả hấp dẫn

Mackwan phải bỏ lại các con nhỏ ở trại trẻ mồ côi trong 9 tháng mang thai đôi, vì hợp đồng đẻ thuê quy định cô không được ra khỏi căn phòng, nơi có 60 thai phụ khác, gần bệnh viện mà cô sẽ sinh nở ở bang miền Tây Gujarat. Mackwan biết rằng, 400.000 rupee (6.000 USD) kiếm được sau khi đẻ cặp song sinh sẽ thay đổi cuộc sống gia đình cô.

Mackwan rất lo lắng vì đây là lần đầu cô mang thai đôi và mới ở tháng thứ tư của thai kỳ. Cô là một trong số khoảng 2.000 phụ nữ Ấn Độ khác có hoàn cảnh khó khăn kiếm tiền nhờ việc mang thai thuê. 

Hoạt động đẻ thuê tại Ấn Độ được hợp pháp hóa từ năm 2002 và nước này trở thành quốc gia đứng đầu thế giới trong ngành công nghiệp thu về hàng triệu USD này. Mỗi năm, hàng trăm cặp đôi nước ngoài đổ xô tới Ấn Độ tìm kiếm dịch vụ đẻ thuê an toàn và giá rẻ.

Khoảng 2.000 phòng khám ở Ấn Độ tính giá 20.000-30.000 USD cho dịch vụ đẻ thuê. Đây là mức giá quá rẻ so với ở Mỹ và một số quốc gia phương Tây khác, trong khi Ấn Độ lại cung cấp được công nghệ hiện đại, bác sĩ có tay nghề và nguồn phụ nữ đẻ thuê ổn định.

Cấm đẻ thuê - nhiều ý kiến trái chiều 

Tuy nhiên, Ấn Độ bắt đầu thắt chặt các quy định liên quan tới ngành công nghiệp “thuê tử cung” vào năm 2012. Tháng 8 vừa qua, chính phủ nước này đã thông qua dự luật hạn chế đối với dịch vụ đẻ thuê.

Theo đó, các cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh có thể tìm họ hàng gần để nhờ đẻ hộ, cặp vợ chồng người nước ngoài, cặp đôi đồng tính và người đơn thân không được sử dụng dịch vụ này tại Ấn Độ. Dự luật này cần được Quốc hội Ấn Độ thông qua và dự kiến được trình lên Quốc hội vào cuối năm nay. 

Dự luật đã làm dấy lên làn sóng phản đối và tranh luận tại Ấn Độ. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj cho rằng, dịch vụ đẻ thuê đã bị lạm dụng và dự luật mới là nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ.

“Rất nhiều cặp đôi tự nhận là hiếm muộn đã lợi dụng tử cung của phụ nữ nghèo. Đó là vấn đề rất đáng lo ngại, bởi có nhiều trường hợp bé gái hoặc trẻ khuyết tật bẩm sinh đã bị bỏ rơi ngay khi vừa chào đời” - bà Sushma Swaraj cho biết.

Với quan điểm ủng hộ dự luật, Sutapa B. Neogi - một giáo sư thuộc Viện Y tế cộng đồng Ấn Độ cho biết, phụ nữ đẻ thuê bị cấy nhiều phôi để tăng khả năng mang thai. Tuy nhiên, việc nạo hút cũng diễn ra thường xuyên nếu người thuê chỉ muốn một bào thai. Mỗi lần phá thai gây nguy hại về sức khỏe và tổn thương tâm lý cho người mẹ. 

Mặc dù vậy, tại một bệnh viện tư ở thị trấn Anand, bang Gujarat – nơi nổi tiếng là “thủ phủ đẻ thuê” của Ấn Độ, chuyên gia Nayana Patel cảnh báo về những nguy hiểm phát sinh từ dự luật hạn chế đẻ thuê. “Những thứ mà chính phủ muốn cấm hoàn toàn có thể diễn ra ngấm ngầm. Mọi người sẽ tìm cách khác và phương thức khác, như vậy mọi việc sẽ tồi tệ hơn” - chuyên gia Patel cho biết.

Thậm chí, theo người này, việc cấm đẻ thuê có thể ngăn cản phụ nữ nghèo có một “cơ hội cả đời” để cải thiện cuộc sống của họ. Cùng suy nghĩ này, Mackwan - góa phụ 31 tuổi đang mong dùng khoản tiền đẻ thuê để cho 2 con trai 9 và 12 tuổi đi học và xây một ngôi nhà nhỏ, nói rằng: “Không nên cấm việc đẻ thuê, nếu không thì tôi chẳng bao giờ tiết kiệm được nhiều tiền như vậy, dù lao động cật lực cả cuộc đời”.