Phụ huynh yên tâm khi thay đổi vaccine bại liệt

ANTĐ - Từ tháng 6-2016, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia thực hiện chuyển đổi vaccine bại liệt uống 3 tuýp (1, 2 và 3) sang vaccine bại liệt uống 2 tuýp (1 và 3) trên cả nước. Nhiều phụ huynh thắc mắc việc thay đổi như vậy có ảnh hưởng gì đến hiệu quả bảo vệ của vaccine hay không? Tính an toàn ra sao? Lịch tiêm chủng có thay đổi không?...

Không thay đổi hiệu quả bảo vệ

Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt từ năm 2000, tuy nhiên trên thế giới vẫn còn một số nước chưa thanh toán được bệnh này, vì vậy chúng ta vẫn phải thực hiện mọi biện pháp để duy trì thành quả thanh toán bại biệt, đồng thời đề phòng các trường hợp bệnh bại liệt xâm nhập từ bên ngoài vào. Một trong những biện pháp hiệu quả nhất là duy trì được tỷ lệ uống/tiêm vaccine bại liệt thật cao trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR).

Ở Việt Nam hiện nay, trong tiêm chủng dịch vụ (trả tiền) có 2 loại vaccine phối hợp có thành phần bại liệt là vaccine phối hợp 5 trong 1 Pentaxim và vaccine 6 trong 1 Hexa Infanric. Tuy nhiên, nếu trẻ được uống vaccine bại liệt (vaccine sống giảm độc lực) thì hiệu quả phòng bệnh bền vững hơn so với vaccine bại liệt tiêm (vaccine bất hoạt).

Hàng năm, ở Việt Nam có trên 1,5 triệu trẻ được uống vaccine bại liệt trong chương trình TCMR. Mỗi trẻ được uống 3 liều miễn phí vào lúc 2, 3, 4 tháng tuổi tại các điểm tiêm chủng xã, phường trên toàn quốc. Vaccine bại liệt uống 3 tuýp (tuýp 1, 2, 3) đã được sử dụng an toàn ở Việt Nam từ 1985 cho đến nay. Tuy nhiên, tháng 9-2015, Tổ chức Y tế thế giới công bố, đã thanh toán bệnh bại liệt do tuýp 2 gây ra. Vì vậy, từ tháng 5-2016, toàn thế giới sẽ không sử dụng vaccine có thành phần bại liệt tuýp 2. Vì vậy, trẻ được uống vaccine 2 tuýp đủ liều, phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm đã bảo vệ được con mình phòng bệnh bại liệt.

Vaccine bại liệt 2 tuýp an toàn hơn

Vaccine bại liệt uống 2 tuýp sử dụng ở Việt Nam trong năm 2016 do Công ty Sarofi Pasteur sản xuất, đã được cấp giấy phép đăng ký tại Pháp từ năm 2011 đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới. Cho đến nay, vaccine này đã được sử dụng tại 39 quốc gia với trên 630 triệu liều. Tại Việt Nam, vaccine đã được Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho phép nhập khẩu để sử dụng trong chương trình TCMR và được Viện kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế cấp giấy phép xuất xưởng.

Lịch uống vaccine bại liệt 2 tuýp tương tự như vaccine bại liệt đã sử dụng trước đây. Trẻ cần uống đủ 2 liều vào lúc 2, 3, 4 tháng tuổi. Từ tháng 6-2016, trẻ em sẽ được uống các liều vaccine tiếp theo để đủ 3 liều cho trẻ dưới 1 tuổi mà không phải uống lại từ đầu. 

Về vấn đề nhiều phụ huynh lo lắng, đó là tính an toàn của vaccine bại liệt trong chương trình TCMR, TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết: Sử dụng vaccine bại liệt uống là an toàn, sau khi uống vaccine, phản ứng rất hiếm gặp có thể xảy ra là đau cơ, yếu cơ, liệt. Trong suốt 30 năm triển khai uống vaccine bại liệt ở Việt Nam, ngành y tế ghi nhận hầu hết không có phản ứng trầm trọng xảy ra sau khi uống.

Trên thế giới, có ghi nhận một vài trường hợp liệt sau uống vaccine. Nhưng tỷ lệ này rất hiếm gặp, với tần suất có thể xảy ra là 1 trường hợp trên 1,4-2,8 triệu liều vaccine sử dụng, chủ yếu là do virus bại liệt tuýp 2 gây ra. Trong thời gian tới, trẻ em được uống vaccine bại liệt tuýp 1 và tuýp 3, không có thành phần virus bại liệt tuýp 2, vì vậy sẽ giảm thiểu hơn nữa các phản ứng bất thường, không mong muốn.