Phụ huynh lo lắng, học sinh căng mình học thêm

ANTD.VN - Lo lắng trước hàng loạt đổi mới trong cách thức tuyển sinh đầu cấp của Hà Nội, nhiều người lo ngại gia tăng sức ép với con em họ với tình trạng học thêm ồ ạt.

Đối mặt với kỳ thi vào lớp 10 THPT năm nay, hơn 100.000 học sinh Thủ đô phải căng mình ôn luyện để hy vọng có kết quả cao nhất trong kỳ thi này dù chỉ thi 2 môn Văn và Toán vì chỉ có 85.000 học sinh được tiếp tục theo học hệ THPT. Chính vì vậy, việc học sinh sẽ phải thi 6 môn vào năm 2019 khiến dư luận lo lắng áp lực thi cử sẽ càng nặng hơn với tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.

Phụ huynh lo lắng, học sinh căng mình học thêm ảnh 1Học sinh Hà Nội đang trong guồng quay học thêm căng thẳng để đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi vào lớp 10 THPT năm nay

Cả tuần học thêm Văn với Toán

Với tiêu chí ít nhất cũng phải đạt 7 Văn, 8 Toán mới có khả năng đủ điểm đỗ vào lớp 10 trường THPT công lập, đa số học sinh lớp 9 hiện nay của Hà Nội bắt buộc phải vào guồng quay học thêm căng thẳng. “Em học thêm 3 buổi Văn và 2 buổi Toán, chưa kể có gia sư kèm thêm ở nhà. Mục tiêu của em là đỗ vào hệ phổ thông trường THPT Chu Văn An (Tây Hồ) nên điểm 2 môn này phải đạt mức cao nhất có thể” - Phạm Minh Hiệp, học sinh trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Đống Đa) cho biết. 

Ông Phạm Thế Nhân, phụ huynh của em Phạm Minh Hiệp chi biết, con mình thường xuyên phải học bài đến 11, 12 giờ đêm và lịch học thêm gần như kín cả tuần, buộc phải cắt giảm tiếng Anh để tập trung cho 2 môn Văn và Toán trong kỳ thi vào lớp 10 sắp tới. “Tôi rất lo vì cháu thứ 2 năm nay học lớp 7, nếu theo đúng phương án thi mới vừa được công bố, cháu sẽ phải thi 6 môn. Mới chỉ thi Văn, Toán mà cháu lớn đã vất vả như vậy thì cháu bé không biết phải bố trí lịch học căng đến mức nào để đối mặt với từng đấy môn thi?”. 

Không chỉ phụ huynh lo lắng mà ngay cả giáo viên một số trường THCS cũng bày tỏ lo ngại vì lâu nay học sinh không chú ý học các môn Lý, Hóa, Địa... Nhất là học sinh lớp 9 thường chỉ học qua loa các môn này để tập trung vào 2 môn Văn, Toán. Nay theo quy định mới, đến tháng 3 hàng năm Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) mới công bố 3 môn thi còn lại bên cạnh Văn, Toán, tiếng Anh thì học sinh và giáo viên đều sẽ rất căng thẳng, lo lắng.

“Bao lâu nay việc học và thi đã theo nếp, cách dạy cũng chưa có gì đổi mới. Vậy mà sang năm 2019, Sở  GD-ĐT đã áp dụng cách thi mới với bài thi tổ hợp 4 môn thì liệu thầy trò có kịp làm quen với cách thi này không? Liệu có thiệt thòi cho học sinh lớp 8 năm nay không khi không có nhiều thời gian chuẩn bị?” - chị Nguyễn Xuân Anh, phụ huynh học sinh trường THCS Thăng Long (Ba Đình) thắc mắc.

Trước băn khoăn về việc có quá vội vàng triển khai hình thức thi mới hay không, ông Phạm Quốc Toản, Phó trưởng Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định, khi đưa ra phương án này, chắc chắn Sở sẽ có lộ trình chi tiết thực hiện ra sao và công bố đề thi minh họa lúc nào. Theo đó, dự kiến khoảng tháng 9 hàng năm, bắt đầu vào năm học mới, Sở sẽ công bố đề thi minh họa để thầy cô và phụ huynh, học sinh nắm được nội dung, cách thức thi mới, tránh bị động, lo lắng không cần thiết.

Cách thức thi sẽ quyết định có dạy thêm, học thêm ồ ạt hay không

Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định để đưa ra đề án thi lần này thì trách nhiệm của Sở phải đặt lên cao nhất vì đây là vấn đề liên quan đến rất nhiều phụ huynh, học sinh. “Phương án thi cũ đã bộc lộ nhiều hạn chế, không còn phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Theo đó, học sinh Hà Nội cần học đều, nắm chắc các môn. Do vậy việc tổ chức bài thi tổ hợp như kỳ thi THPT quốc gia đang áp dụng là phù hợp. Chúng tôi không chọn tổ hợp KHXH và KHTN riêng mà tổ chức đan xen trong bài thi tổ hợp vì các trường THCS vẫn đang học theo yêu cầu toàn diện để có sự khách quan nhất” - ông Chử Xuân Dũng cho biết. 

Riêng về hiện tượng dạy thêm học thêm cũng được Sở tính đến. Theo ông Chử Xuân Dũng, áp lực dạy thêm bắt nguồn từ dạng đề thi, cách thức thi. Bằng chứng rõ nhất là tuyển sinh ĐH thay đổi, tổ chức ra đề khách quan thì việc luyện thi cũng chấm dứt. Cũng theo ông Chử Xuân Dũng, Sở GD-ĐT Hà Nội đang tính đến giảm tải cho học sinh bằng định hướng ra đề thi minh họa, phù hợp với yêu cầu chuyên cần, chăm chỉ nắm bắt kiến thức trên lớp, không phải luyện thêm, không phải đánh đố.

Chia sẻ quan điểm về phương án thi của Hà Nội, TS. Trần Phương, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng cho rằng, đây là cách thức thi rất văn minh. Ở các tổ hợp, có hai môn chủ lực là Toán và Văn còn 2 môn kia vẫn nhẹ nhàng để các em không học tủ, học lệch. Cách đánh giá bằng cách thức trắc nghiệm khách quan của các môn thi còn lại trong tổ hợp hoàn toàn không gây nặng nề cho các em khi làm bài thi. Vì vậy, phụ huynh, học sinh không phải quá lo lắng, hoang mang trước khi có đề thi minh họa. 

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Hà Nội): Đề thi tổ hợp sẽ tránh tình trạng dạy thêm, học thêm

Phụ huynh lo lắng, học sinh căng mình học thêm ảnh 2

“Chúng ta vẫn cần chấp nhận quan niệm việc thi hiện nay là cần thiết để buộc các em phải học. Đến khi nào chúng ta phát triển đến mức không phải thi mà chỉ cần căn cứ vào bài kiểm tra đánh giá của từng trường như trên thế giới đã thực hiện thì lại khác.

Trước đây, chúng ta giảm áp lực cho học sinh nên chỉ tập trung vào Văn, Toán. Hiện tại Sở GD-ĐT Hà Nội mạnh dạn tổ chức thêm các tổ hợp thi là cách thức rất tốt. Với phương án mới này, việc lo lắng dạy thêm, học thêm tràn lan là điều dễ hiểu, cần đặt ra để tránh rơi vào tình trạng này. Chúng ta chống dạy thêm, học thêm là một quá trình. Đề thi tổ hợp sẽ khó học thêm bởi đề thi có nhiều câu hỏi tư duy. Đổi mới cách thi sẽ đổi mới cách dạy, đề thi có các câu hỏi tư duy, các em sẽ không thể học thêm bởi lúc đó không ai bày cho các em cách tư duy ra sao. Tôi nghĩ đề thi làm sao buộc học sinh phải học thật nhiều, phải tư duy thật nhiều và gắn với thực tiễn. Điều đó sẽ khiến các em không thể học thêm”.

Bà Lê Kim Anh (Hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội): Không còn chuyện ưu ái cho điểm tổng kết cao

Phụ huynh lo lắng, học sinh căng mình học thêm ảnh 3

“Với phương thức thi mới, các thầy cô bậc THCS sẽ phải dạy đều tất cả các môn để đảm bảo cho học sinh làm tốt bài thi tổ hợp. Sẽ không còn có chuyện môn chính, môn phụ, môn không thi thì ưu ái cho điểm tổng kết cao. Tôi cho rằng phụ huynh, học sinh không cần quá lo lắng vì chỉ cần đảm bảo chuẩn kiến thức cơ bản thì sẽ làm được bài thi tổ hợp. Phương án thi này cũng hạn chế tình trạng học lệch, chỉ tập trung vào hai môn Văn và Toán. Ngoài ra, tôi cho rằng môn ngoại ngữ có tầm quan trọng không kém gì các môn Văn, Toán, bởi vậy việc đưa ngoại ngữ vào bài thi tổ hợp là rất cần thiết để thúc đẩy việc học ngoại ngữ trong nhà trường. Bên cạnh đó, việc xen kẽ giữa các môn KHTN và KHXH trong bài thi tổ hợp cũng rất đáng ủng hộ vì tạo công bằng cho học sinh. Tôi cho rằng với yêu cầu phát triển toàn diện thì phương án thi mới rất phù hợp với giái đoạn hiện nay. 

Riêng về vấn đề tuyển sinh đầu vào lớp 6 với các trường đặc thù tuyển sinh không theo khu vực tuyển sinh và có lượng thí sinh đăng ký tuyển sinh vượt nhiều lần chỉ tiêu, tôi cho rằng việc tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực là hợp lý so với việc xét hồ sơ, học bạ. Phụ huynh cũng không cần quá lo lắng, tìm lớp học thêm trước đợt kiểm tra sắp tới. Chúng tôi sẽ trình phương án kiểm tra đánh giá năng lực sớm nhất có thể để UBND quận phê duyệt trên tiêu chí bám sát yêu cầu về phạm vi, mức độ chuẩn kiến thức trong chương trình phổ thông”.