Phòng tránh lây nhiễm HIV từ bơm kim tiêm dính máu

ANTĐ - Mỗi năm, BV Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận hàng chục bệnh nhân xét nghiệm và điều trị dự phòng HIV do gặp tai nạn ngoài ý muốn, chủ yếu là do giẫm phải hoặc bị côn đồ tấn công bằng bơm kim tiêm dính máu nghi nhiễm HIV. 

Để xác định tình trạng lây nhiễm HIV cần đến bệnh viện làm xét nghiệm máu

Chớ nặn bóp vết thương

Theo các bác sĩ BV Nhiệt đới Trung ương, qua thăm khám trực tiếp cho thấy, kiến thức xử lý, sơ cứu ban đầu của người dân khi bị tấn công hoặc giẫm phải bơm kim tiêm nghi chứa virus HIV rất hạn chế. Đa số trường hợp có tâm lý hoảng loạn nên phản ứng đầu tiên của họ là cố nặn, bóp máu từ vết đâm, vết thương với mong muốn dồn được máu “độc” chứa virus HIV ra ngoài cơ thể. Tuy nhiên, cách làm này lại gây tác dụng ngược vì sẽ làm lan rộng vùng bị tổn thương, kích thích mạch máu xung quanh vùng da tổn thương hoạt động, làm đẩy nhanh quá trình virus xâm nhập. 

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Virus- Ký sinh trùng (BV Nhiệt đới trung ương) cho biết, khi giẫm phải hoặc bị tấn công bằng bơm kim tiêm, việc đầu tiên người dân cần làm là kiểm tra dụng cụ gây chấn thương và đánh giá mức độ thương tích. Nếu đó là bơm kim tiêm sạch hoặc bơm kim tiêm dính máu nhưng vết máu đã khô, lâu ngày thì có thể yên tâm vì không còn khả năng lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, nếu thấy vết máu còn tươi mới thì khả năng bị lây nhiễm hoàn toàn có thể xảy ra. Ở trường hợp này, người bị nạn cần phải sơ cứu bằng cách: để máu ở vết thương chảy một cách tự nhiên, sau đó xối nước sạch vào chỗ vết thương khoảng 5 phút rồi rửa sạch vết thương bằng xà phòng. Chú ý dùng xà phòng bánh, pha loãng với nước để có nồng độ xà phòng là 20% hoặc dùng mắt thường quan sát khi nào nước xà phòng có màu trắng đục như nước vo gạo.

Thời gian “vàng” - trong 24 giờ đầu

Tiếp đến, người bị nạn phải mang luôn vỏ bơm kim tiêm gây tổn thương vào BV để làm xét nghiệm. Các bác sĩ sẽ làm test nhanh để xác định xem máu dính trong bơm kim tiêm có bị nhiễm HIV hay không, đồng thời cũng lấy máu của nạn nhân để xét nghiệm. Nếu tất cả các kết quả xét nghiệm máu này đều dương tính với HIV thì có thể khẳng định bệnh nhân đã bị nhiễm HIV từ trước đó chứ không phải mới phơi nhiễm do bị tấn công hoặc giẫm phải bơm kim tiêm dính máu, lý do bởi từ lúc virus HIV xâm nhập đến khi có kết quả xét nghiệm dương tính phải mất tối thiểu 3 tháng. Lúc này, người gặp nạn phải tiến hành điều trị ngay theo phác đồ điều trị HIV. Ở trường hợp còn lại, kết quả xét nghiệm máu của người gặp nạn âm tính với HIV nhưng kết quả xét nghiệm mẫu máu dính trong bơm kim tiêm gây ra vết tổn thương cho họ lại dương tính với HIV thì lập tức người gặp nạn phải được điều trị dự phòng lây nhiễm bằng thuốc kháng virus. 

Thuốc kháng virus có tác dụng phòng chống lây nhiễm HIV 100% trong 24 giờ đầu kể từ khi bị phơi nhiễm (tính từ lúc bị tấn công hoặc giẫm phải bơm kim tiêm). Tỷ lệ này sẽ giảm dần trong khoảng thời gian sau đó, nghĩa là được điều trị dự phòng càng muộn thì hiệu quả càng thấp. Còn sau 72 giờ kể từ lúc bị phơi nhiễm HIV, thuốc kháng virus hầu như không có tác dụng. Mặt khác, dù được điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus thì người gặp nạn cũng phải chú ý theo dõi tái khám sau 3 tháng, 6 tháng để được khẳng định có bị lây nhiễm HIV hay không.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm cho biết thêm, bên cạnh việc xét nghiệm mẫu máu dính trong bơm kim tiêm có bị nhiễm HIV hay không thì cũng phải hết sức chú ý đến việc xét nghiệm virus viêm gan B, viêm gan C, để có hướng xử lý. “Khi giẫm phải hoặc bị tấn công bằng bơm kim tiêm dính máu, nếu khả năng bị lây nhiễm HIV là 1 thì nguy cơ bị lây nhiễm virus viêm gan B cao gấp 10 lần, virus viêm gan C gấp 100 lần. Do vậy, có những trường hợp chưa chết vì bị lây nhiễm HIV đã chết vì các bệnh do viêm gan B, C gây ra” – bác sĩ Lâm nhấn mạnh.