Phòng tránh 5 bệnh nghiêm trọng về mắt

ANTD.VN - Một số bệnh về mắt hay chấn thương mắt có thể để lại hậu quả lâu dài. Vì vậy khi mắc bệnh, cần điều trị dứt điểm và có biện pháp phòng ngừa. 

Tăng nhãn áp

Bệnh tăng nhãn áp là một bệnh về mắt có thể gây tổn hại thần kinh thị giác. Đây cũng là nguyên nhân thứ hai gây mù lòa trên thế giới, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Các dấu hiệu của bệnh tăng nhãn áp không rõ ràng và thường được phát hiện cho tới khi dây thần kinh thị giác bị tổn thương nghiêm trọng.

Điều trị: Việc điều trị phụ thuộc mức độ nghiêm trọng của bệnh. Uống hoặc nhỏ thuốc là cách phổ biến để điều trị bệnh tăng nhãn áp hoặc có thể phẫu thuật. Viện Hàn lâm Nhãn khoa Mỹ khuyến nghị, tất cả mọi người ở tuổi 40 trở lên nên đi khám mắt, ngay cả thị lực tốt. Nếu gia đình bạn có tiền sử mắc bệnh mắt, bạn cũng có nguy cơ bị tăng nhãn áp. 

Bệnh viêm kết mạc

Bệnh viêm kết mạc thường được biết đến với tên gọi đau mắt đỏ. Những triệu chứng của bệnh gồm ngứa, chảy nước mắt, rỉ mắt, mờ mắt nhẹ. Mặc dù đau mắt đỏ gây cảm giác vô cùng khó chịu, nó lại không gây đau đớn hoặc khiến bạn nhạy cảm với ánh sáng. 

Điều trị: Các dạng khác nhau của đau mắt đỏ như viêm kết mạc theo mùa (thường gây ra bởi phấn hoa) có thể được xử lý bằng rửa mắt, chườm lạnh, thuốc kháng histamin hoặc dùng thuốc nhỏ mắt steroid. Với viêm kết mạc do virus, dùng thuốc kháng sinh không có tác dụng trị bệnh. Đây là loại viêm kết mạc thường mất 7-10 ngày để chữa lành.

Viêm kết mạc do vi khuẩn cần dùng thuốc nhỏ mắt kháng sinh. Theo các chuyên gia y tế, nếu không điều trị viêm kết mạc nhiễm trùng có thể khiến tình trạng viêm nhiễm lây lan sang các phần khác của cơ thể, thậm chí cũng có thể dẫn tới mất thị lực (dù rất hiếm xảy ra).

Với bệnh đau mắt đỏ, cách phòng ngừa chủ yếu liên quan tới bệnh do nhiễm trùng (virus hoặc vi khuẩn gây ra) quan trọng nhất vẫn là rửa tay và không dùng chung đồ với người bị bệnh.

Thoái hóa điểm vàng

Thoái hóa điểm vàng (AMD) là nguyên nhân phổ biến nhất gây mù loà ở người trưởng thành. Có hai dạng AMD là dạng khô và dạng ướt (chiếm khoảng 10% ca mắc AMD). Viện Hàn lâm Nhãn khoa Mỹ cho biết, không có biện pháp điều trị cố định cho dạng ADM khô. Dạng ướt (xảy ra khi các mạch máu bất thường xuất hiện bên dưới điểm vàng, đôi khi gây rò rỉ hoặc chảy máu) có thể được điều trị nhưng không chữa khỏi. Một số nghiên cứu cũng cho thấy việc bổ sung vitamin và khoáng chất có thể làm bệnh tiến triển chậm.

Điều trị: Không có cách nào để ngăn chặn AMD, nhưng bạn có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh bằng cách kiểm soát huyết áp; ăn các loại thực phẩm lành mạnh cho mắt (trái cây họ cam quýt, các loại dầu thực vật, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, rau lá xanh đậm và cá); kiểm soát chất béo; bỏ thuốc lá và khám mắt định kỳ.

Bong võng mạc

Bệnh xảy ra khi võng mạc, phần mô nhạy sáng gửi thông điệp thị giác tới não, bị kéo chệch ra khỏi vị trí ban đầu. Một số nghiên cứu cho thấy, khoảng 1% dân số bị bong võng mạc tại một thời điểm nào đó trong đời. Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến mù lòa. 

Điều trị: Đây là một căn bệnh cần điều trị khẩn cấp. Nếu tình trạng bong rách xảy ra ở phạm vi nhỏ, có thể dùng tia laser hoặc liệu pháp đông lạnh để điều trị. Nếu tình trạng bong rách nghiêm trọng, có thể bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Cận thị là yếu tố nguy cơ chủ yếu gây bệnh bong võng mạc.

Đục thủy tinh thể

Bệnh xảy ra khi thủy tinh thể bị mờ đục. Triệu chứng bệnh thường biểu hiện dần dần. Hãy chú ý nếu bạn thấy mình bị mờ mắt, chói mắt hoặc quáng mắt. Bạn cũng có thể cảm thấy bị giảm độ nhạy tương phản hay thậm chí nhìn thấy hình đôi ở một bên mắt.

Điều trị: Bệnh đục thủy tinh thể được điều trị qua phẫu thuật thay thủy tinh thể, nếu không thị lực của bạn có thể suy yếu dần theo thời gian, khi đó, phẫu thuật sẽ trở nên khó khăn hơn.