Phòng ngừa xâm hại tình dục trong trường học, những điều không thể bỏ qua

ANTD.VN - Nạn xâm hại tình dục tại trường học, một môi trường vốn được xem là an toàn, nay đã trở thành vấn đề nhức nhối với toàn xã hội thời gian qua. Để ngăn chặn tình trạng này tái diễn, nhà trường lẫn gia đình cần trang bị cho các em kỹ năng cần thiết để nhận biết nguy cơ và tự bảo vệ mình.

Sau sụ việc thầy hiệu trưởng bị tố xâm hại hàng chục nam sinh tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn (Phú Thọ), vấn đề phòng chống nạn xâm hại tình dục ở trong trường học lại trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Để ngăn ngừa tình trạng này, cần có sự phối hợp hiệu quả của nhà trường và gia đình trong việc phổ biến kiến thức, quan tâm và bảo vệ các em.

Clip: Hiệu trưởng bị tố lạm dụng tình dục hàng chục nam sinh tại trường THCS Thanh Sơn

Nguồn: VTC9

Nhận thức được nguy cơ

TS Tâm lý học Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục thuộc Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) nhận xét “trước đây nhiều người còn không nghĩ rằng học sinh nam cũng bị lạm dụng tình dục đồng giới, giờ mới vỡ lẽ ra là nó có thật”. Phụ huynh không nên có nhận thức sai lầm này, tránh dẫn tới đến tâm lý chủ quan và không hỗ trợ con trong việc phòng tránh. 

Phụ huynh cần quan tâm đúng mức để bảo vệ con trẻ khỏi bị xâm hại tình dục

Giáo dục giới tính từ sớm

Học sinh hiện nay phát triển rất sớm, cộng thêm những ảnh hưởng từ phim ảnh, sách báo… nên việc tổ chức giáo dục giới tính, giáo dục các kỹ năng tự vệ, bảo vệ bản thân vô cùng quan trọng. Việc trang bị kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho các em học sinh được triển khai càng sớm càng tốt, nhưng quan trọng phải sát với thực tế thì mới hiệu quả. Các em học sinh cần biết cách phân biệt các hành động có nguy cơ xâm hại tình dục, cũng như có kỹ năng bảo vệ bản thân trong những tình huống cấp thiết…

Ông Trần Thành Nam nhấn mạnh trong một tình huống nhìn thấy bản thân hoặc bạn mình bị xâm hại, trẻ phải có đủ đầy kiến thức về quyền hoặc có lòng tự trọng lớn thì mới có thể mạnh dạn lên tiếng. Còn khi các em không được giáo dục bài bản về quyền, luật pháp, kiến thức thế nào là xâm phạm hoặc thiếu lòng tự trọng (bởi luôn nghĩ mình sẽ không được tin tưởng bằng người khác) thì sẽ không dám nói lên, bởi cho rằng nói ra cũng không thay đổi được sự việc mà còn chịu trách nhiệm này khác.

Ngay từ trong gia đình và cấp tiểu học, con trẻ được giáo dục để có một lòng tự trọng cao hơn, biết được rằng trong những tình huống nào cần phải đấu tranh nói ra những cái xấu.

Giáo dục giới tính cần thực hiện từ sớm để trẻ em có thể tự bảo vệ bản thân

Tuyên truyền hiệu quả trong nhà trường

Những thông tin để tuyên truyền về quyền lợi của trẻ cần trở thành nội dung được tuyên truyền thường xuyên trong nhà trường. Tuy nhiên, nếu chỉ như buổi thuyết trình từ trên xuống dưới thì trẻ sẽ không hiểu hết được và không thể chia sẻ. Quan trọng hơn là những buổi tuyên truyền do các thầy cô trong nhà trường thự hiện thì trẻ dễ gặp tâm lý thụ động, không lắng nghe. 

Việc triển khai các lớp giáo dục giới tính và kỹ năng phòng chống xâm hại là vô cùng cần thiết và phải được tổ chức thường xuyên chứ không nên làm theo phong trào. Đặc biệt, những môi trường có nhiều nguy cơ trẻ bị xâm hại hơn như cấp tiểu học, thì nội dung phòng chống xâm hại tình dục phải được đưa vào chương trình chính khóa hoặc sinh hoạt ngoại khóa.

Cần cho trẻ biết có thể tìm đến ai

Chị Mai Thị Bưởi, Quản lý chương trình trẻ em Trung tâm CASGA nhấn mạnh nhà trường cần phải có quy chế rằng khi học sinh gặp phải những tình huống không an toàn thì có thể tìm đến ai. Trẻ không biết tìm đến ai và kẻ xâm hại thì thường có nhiều cách để khống chế. Vì vậy, khi rơi vào tình huống đó, đa phần các em cảm thấy sợ hãi, không dám kể với ai.

Do đó, phải có những đường dây nóng của trẻ em được phổ biến trong trường. Cần thiết cho trẻ ý thức và nhớ được những số điện thoại liên hệ khi xảy ra vấn đề, và yên tâm rằng nếu báo sẽ không bị trù dập. Ngay cả giáo viên cũng cần biết điều này.

Trẻ cần được phổ biến tìm đến ai khi nguy cấp

Chất lượng giáo viên và đội ngũ tư vấn

Theo chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai, chất lượng đội ngũ chuyên viên cũng như tính bảo mật của nội dung tư vấn đóng vai trò then chốt trong quá trình hoạt động của các phòng tư vấn tâm lý học đường. Chỉ khi nào được lắng nghe và cảm thấy an toàn thực sự, các em học sinh mới chịu mở lòng để nhờ người lớn hỗ trợ phương án giải quyết những vướng mắc thầm kín.

Ngoài ra, công tác tuyển người cho những vị trí ở những vùng có nguy cơ đặc biệt, nhạy cảm như trong các trường nội trú… cần tính cả yếu tố tâm lý.Tr ẻ ở các trường nội trú thường rụt rè. Cần thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường và dạy kỹ năng sống để học sinh có thể nói về các câu chuyện của mình với thầy cô. Để khuyến khích trẻ nói ra, thì khi tiếp nhận phản ánh, nhà trường cần phải vào cuộc. Nếu có sai phạm, cần xử lý nghiêm để làm bài học cho các trường hợp khác.

Đội ngũ tư vấn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ em mở lòng tâm sự