Phòng ngừa bệnh lý, béo phì từ bữa ăn bán trú của học sinh tiểu học

ANTĐ - Khảo sát của Viện Dinh dưỡng quốc gia về học sinh Hà Nội cho thấy sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ thừa cân béo phì với mức 7,9% năm 2003 lên 40,7% năm 2011. Điều này khiến các nhà quản lý hết sức lo ngại về chất lượng bữa ăn trong gia đình và trường học.

Mắc tiểu đường, tim mạch do béo phì

Ngày 6-5, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Nguyễn Thị Lâm nhấn mạnh tình trạng đáng báo động của học sinh Hà Nội và các thành phố lớn về thừa cân béo phì.

“Tại Hà Nội 2003, chúng tôi khảo sát tỷ lệ học sinh tiểu học thừa cân béo phì chỉ chiếm 8%, đến năm 2011 đã là 40,7%. Ở thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ này còn cao hơn với mức tăng từ 8,4% năm 2003 lên 43% năm 2011. Hậu quả trên là một trong những nguyên nhân khiến 35% trẻ từ 6-10 tuổi mắc rối loạn mỡ máu (theo điều tra trên 500 trẻ vào năm 2011”. PGS.BS Nguyễn Thị Lâm lo lắng:  “Có cháu mới 10 tuổi đã bị tiểu đường type 2. Tình trạng thừa cân béo phì ở học sinh tiềm ẩn nguy cơ bị tiểu đường, tim mạch, thậm chí là cả ung thư”.

Nhận thức rõ thực trạng này, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có hơn 700 trường tiểu học với gần 600.000 học sinh, toàn ngành là hơn 1,7 triệu học sinh, giáo viên.  Hiện có hơn 392 trường tiểu học có lớp bán trú, trong đó có 209 trường có tổ chức bếp ăn trong trường và gần 200 trường còn lại đặt suất ăn từ các doanh nghiệp chế biến thực phẩm.

“Ở bậc tiểu học, do việc tổ chức bếp ăn không phải nhiệm vụ bắt buộc của nhà trường mà chỉ thực hiện nhằm phục vụ nhu cầu của phụ huynh học sinh nên chưa có điều kiện đầu tư, triển khai bài bản như ở bậc mầm non. Chính vì vậy, tôi cho rằng đã đến lúc đặt ra vấn đề kiểm soát bữa ăn bán trú để có những bữa ăn không chỉ đủ chất mà còn phải an toàn, khoa học” – ông Nguyễn Hiệp Thống cho biết.

Xây dựng 40 thực đơn học đường tiêu chuẩn

Thực tế, việc trẻ em, đặc biệt là trẻ em thành thị bị thừa cân béo phì là do chế độ ăn uống thừa năng lượng nhưng thiếu vi chất, khoáng chất có lợi cho sức khoẻ. Điều này một phần là do bữa ăn bán trú một số trường chưa cân đối dinh dưỡng. PGS.BS Nguyễn Thị Lâm cho biết, Nhà nước đã phê duyệt chương trình Nâng cao tầm vóc Việt.

Nghiên cứu cũng cho thấy, thanh niên Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển chiều cao tương đương như thanh niên Hàn Quốc, Nhật Bản, trong khi hiện thanh niên Việt Nam đang thấp hơn họ trung bình 10cm. Tuy nhiên, khó khăn ở đây là các hoạt động dinh dưỡng học đường để triển khai được thì cần xã hội hóa kinh phí. Điều này đã được Viện Dinh dưỡng quốc gia phối hợp thực hiện với Công ty Ajinomoto Việt Nam thành lập dự án Bữa ăn học đường cho học sinh tiểu học và đã thành công bước đầu ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hải Phòng. Dự án này cũng được thí điểm khởi động tại Hà Nội từ 2015-2016.

Nhận xét về thực trạng tổ chức bữa ăn bán trú trong trường học, đại diện Ban điều phối dự án Bữa ăn học đường chia sẻ, hiện hầu hết các trường tiểu học tham gia dự án phải đảm trách thêm công việc phục vụ bữa ăn bán trú trên cơ sở phải tự tìm hiểu để thực hiện chứ không được đào tạo chuyên sâu. Thực đơn được xây dựng dựa theo kinh nghiệm và còn bị chi phối bởi nhu cầu đa dạng của học sinh nhiều độ tuổi và chi phí giới hạn hàng tháng. Để khắc phục vấn đề này, Dự án bữa ăn học đường sẽ chuẩn hóa thực đơn và cung cấp những thực đơn cân bằng về dinh dưỡng đồng thời đảm bảo ngon miệng với dự kiến ban đầu là 40 thực đơn sử dụng trong 8 tuần, không bị trùng lặp món ăn. 

Bên cạnh đó, PGS.BS Nguyễn Thị Lâm cho biết, phần lớn học sinh không biết về lợi ích của các thực phẩm mà các em ăn hàng ngày. Các em chỉ thích những món ăn yêu thích, không ăn đa dạng thực phẩm… “Điều này chúng tôi hy vọng sẽ được cải thiện khi triển khai chương trình “Ba phút thay đổi nhận thức” thực hiện vào mỗi bữa ăn nhằm đưa ra thông tin về thực phẩm trong thực đơn hôm đó, giúp các em hiểu được tác dụng cũng như hứng thú thưởng thức bữa ăn” – PGS.BS Nguyễn Thị Lâm chia sẻ. 

Sẽ có phần mềm xây dựng thực đơn chuẩn dinh dưỡng
Chia sẻ với phóng viên báo ANTĐ, ông Nguyễn Hiệp Thống cho biết: Ngay trong cuộc họp phụ huynh cuối năm học này, tôi yêu cầu các trường thí điểm Bữa ăn học đường cung cấp đầy đủ thông tin tới các bậc phụ huynh để mọi người cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của những bữa ăn cân bằng dinh dưỡng không chỉ trong trường học mà cả trong gia đình hàng ngày.

Tôi cũng được biết, Dự án Bữa ăn học đường đang phối hợp với Công ty FPT để hình hành phần mềm hỗ trợ tính thoán thực đơn chuẩn về dinh dưỡng phù hợp với chi phí kinh tế, thực phẩm, thói quen ẩm thực vùng miền để cung cấp miễn phí cho trường học và phụ huynh. Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn nhiều cho việc đảm bảo cân bằng dinh dưỡng cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em.

Vinh Hương