Phòng bệnh hô hấp cho trẻ trong thời tiết nồm ẩm

ANTĐ - Tháng 3, tháng 4 dương lịch năm nào cũng vậy là thời điểm bước vào giai đoạn nồm nên các bệnh viện đều trở nên quá tải về các bệnh hô hấp, đặc biệt là bệnh nhi. 

Nguyên nhân là do độ ẩm cao, nhiệt độ tương đối thấp tạo điều kiện cho vi sinh vật, nấm, các vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh và phát tán trong không khí. Đáng nói, nấm mốc không chỉ thể hiện ra ở những vết rêu mốc trên tường, sân nhà... nó có thể lơ lửng trong không khí mà mắt thường không nhìn thấy được, bám vào quần áo, sách vở, chăn chiếu... Rất nhiều trẻ bị bệnh về đường hô hấp, viêm phổi, hen phế quản, hen suyễn, viêm mũi dị ứng. Thời điểm hiện tại, hai bệnh do virus gây ra đang đe dọa trẻ em là thủy đậu và bệnh sởi. 

Vì thế, với những vật dụng mà trẻ hay tiếp xúc cần giặt giũ thường xuyên, phơi phóng khô ráo. Trong phòng ngủ cần dùng máy hút ẩm, quần áo khi mặc nên sấy hoặc là khô nhằm loại bỏ những dị nguyên có thể gây cơn hen phế quản. Trong phòng cũng không nên sử dụng thảm trải sàn. Đặc biệt cần chú ý tới những tủ sách lâu năm trong gia đình. Đã có rất nhiều trường hợp lên cơn hen cấp tính phải nhập viện sau khi cho trẻ chơi, đọc những quyển sách đó khiến trẻ hít phải bụi, mốc từ sách và lên cơn hen.

Để phòng bệnh cho trẻ trong thời điểm này, cần cách ly, hạn chế tiếp xúc với người sốt phát ban, viêm đường hô hấp, tăng cường sức đề kháng cơ thể bằng ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất; khi chăm sóc trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hằng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường, đặc biệt là những người tiếp xúc gần bệnh nhân. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân, đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng...

Ngoài ra, cha mẹ nên tiêm chủng đầy đủ cho bé. Tránh yếu tố nguy cơ gây bệnh như khói thuốc, than tổ ong, bụi, lông vật nuôi trong nhà (chó, mèo)... Trẻ bị ốm không nên đưa tới lớp để tránh lây lan cho những đứa trẻ khác.