Phòng bệnh đường hô hấp, đột quỵ do trời rét

ANTĐ - Mấy ngày gần đây, thời tiết chuyển rét khiến trẻ em, người già mắc các bệnh lý đường hô hấp, tim mạch có xu hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao trong tổng số bệnh nhân đến khám tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội. 
Phòng bệnh đường hô hấp, đột quỵ do trời rét ảnh 1

Giữ ấm cơ thể để tránh các bệnh có thể mắc phải khi trời rét

Gia tăng bệnh nhi nhập viện

Trong mấy ngày qua, tại Khoa Nhi tổng hợp - Bệnh viện Xanh Pôn, số bệnh nhi bị các bệnh lý do thời tiết nhập viện gia tăng và chiếm tỷ lệ lớn trong số các bệnh nhi vào khám, điều trị. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp - Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, nếu như 2 tuần trước bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện chiếm tỷ lệ lớn thì khoảng 1 tuần nay, nhất là từ khi trời chuyển rét, trong khi bệnh nhân sốt xuất huyết có xu hướng giảm nhanh thì số bệnh nhi mắc các bệnh lý như hen, viêm phế quản, bệnh đường hô hấp trên lại gia tăng.

Hiện toàn khoa đang điều trị cho khoảng 50 bệnh nhi mắc các bệnh lý này, đáng chú ý đối tượng mắc hầu hết là nhóm trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bác sĩ Nguyễn Văn Thường nhấn mạnh, thông thường khi thời tiết thay đổi, sau khoảng 4-5 ngày rét liên tục thì số bệnh nhi mắc bệnh đường hô hấp đến viện bắt đầu gia tăng.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Phó trưởng Khoa Miễn dịch dị ứng - Bệnh viện Nhi Trung ương, thông thường vào mùa đông hay khi thời tiết chuyển mùa thì số bệnh nhi đến khám tại các bệnh viện từ trung ương đến địa phương đều tăng. Nguyên nhân vì thời tiết lạnh nên thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát triển, đặc biệt là virus, vi khuẩn. Cùng với đó, nhiều yếu tố khác về môi trường làm cho virus, vi khuẩn biến chủng, biến đổi theo và gây ra đề kháng với môi trường, khiến cho cơ thể dễ mắc bệnh hơn, bệnh nặng hơn. 

 Bên cạnh những dịch bệnh vốn lưu hành trong mùa đông ở nước ta như cúm, viêm đường hô hấp, viêm mũi dị ứng hay sốt xuất huyết, thì những năm gần đây đã xuất hiện một số virus gây bệnh truyền nhiễm mới. Để phòng bệnh, điều quan trọng là cần giữ ấm cho trẻ. Nên tránh chỗ đông người, tập cho trẻ thói quen vệ sinh mũi họng, vệ sinh tay hàng ngày. Trẻ phải được uống đủ nước, chế độ ăn đủ chất. Mặt khác, trẻ phải được tiêm chủng đầy đủ.

Bệnh tim mạch dễ biến chuyển nặng

Trong khi ở trẻ em, bệnh lý thường gặp nhất do thời tiết giá rét là các bệnh về đường hô hấp thì ở người cao tuổi, mối lo thường trực là các bệnh lý tim mạch, đột quỵ. ThS.BS Nguyễn Quốc Thái, Phòng Cấp cứu Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ở người cao tuổi, mùa đông là mùa dễ mắc các bệnh thấp khớp, hô hấp, hay tim mạch. Lý do vì thời tiết lạnh làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, từ đó làm tăng nguy cơ tổn thương tim mạch.

Do vậy, người già cũng giống như trẻ nhỏ cần phải giữ ấm cơ thể, đặc biệt với người có tiền sử mắc bệnh tim mạch thì trong mùa đông nên ngủ sớm và dậy muộn. Những thực phẩm có nhiều muối như dưa muối, thịt đông... không phù hợp với người bệnh tim mạch và tăng huyết áp. Cần kiểm soát chế độ ăn, đặc biệt là cần ăn nhạt.

Trước đó, tại buổi hội thảo truyền thống về phòng chống các bệnh do trời rét diễn ra đầu tháng 12 này, TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cũng đã cảnh báo, khi trời chuyển rét, không ít trường hợp người cao tuổi sau khi đi tập thể dục bất ngờ bị đột quỵ, xuất huyết não, không thể cấp cứu kịp.

Do vậy, ngoài việc phải giữ ấm cơ thể, đảm bảo điều kiện dinh dưỡng thì người dân, nhất là người cao tuổi cần điều chỉnh thói quen dậy sớm, ra ngoài trời tập thể dục quá sớm trong mùa đông. TS Trương Đình Bắc khuyến cáo, sau khi thức giấc, người cao tuổi không nên đột ngột ngồi dậy, ra khỏi giường ngay mà cần xoa bóp, làm ấm cơ thể từ từđể tránh nguy cơ đột quỵ do nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột.