Phòng bệnh cho trẻ mùa mưa

ANTD.VN - Mùa mưa bão nhiều cũng là thời điểm các mầm bệnh sinh sôi nảy nở. Thời tiết từ mùa nóng sang mùa mưa, độ ẩm trong không khí thay đổi tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn, vi nấm gây bệnh phát triển.

Vào mùa mưa tạo điều kiện thuận lợi cho virus và vi khuẩn phát triển là nguyên nhân chủ yếu gây nên viêm đường hô hấp trên

Mùa mưa bão khiến trẻ em dễ mắc các bệnh như: viêm đường hô hấp trên, bệnh tay chân miệng, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết...

Viêm đường hô hấp trên

Vào mùa mưa, không khí ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho virus và vi khuẩn phát triển là nguyên nhân chủ yếu gây nên viêm đường hô hấp trên. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần có giải pháp phòng bệnh cho trẻ bằng cách: vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý; giữ nhà cửa luôn thông thoáng, sạch sẽ; đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường; hạn chế cho trẻ ra ngoài đường khi trời mưa…

Bệnh tay chân miệng

Hiện vẫn chưa có vaccine đặc hiệu để phòng bệnh, cho nên cần thực hiện tốt các biện pháp để phòng bệnh. Thực hiện ăn chín uống sôi, thường xuyên rửa tay chân bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, trước khi ăn và sau khi đi tiêu. Không nên cho trẻ bị bệnh đến trường hay các nơi công cộng; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, che miệng, mũi khi ho hay hắt hơi… để tránh sự lây truyền của bệnh.

Các bệnh về da

Mùa mưa, trẻ thường gặp bệnh viêm da mủ, viêm nang lông, bệnh viêm kẽ. Với bệnh viêm da mủ, thường gặp ở trẻ em có điều kiện vệ sinh kém, ăn uống thiếu chất, sức đề kháng yếu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Để đối phó với bệnh này cần giữ vệ sinh sạch sẽ, tránh cho trẻ tiếp xúc với ẩm ướt kéo dài, lau khô da; khi có biểu hiện bệnh lý cần sát khuẩn da bằng dung dịch xanh methylen.

Bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do siêu vi Dengue gây ra; bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường rộ lên vào đầu mùa mưa và có thể trở thành dịch, diễn tiến nặng bất ngờ, gây tử vong cao nếu không điều trị kịp thời. Hiện nay vẫn chưa có thuốc phòng và đặc trị sốt xuất huyết nên việc phòng bệnh rất quan trọng. Cách phòng bệnh tốt nhất là thường xuyên diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy; loại bỏ nơi sinh sản của muỗi. Ngoài ra, đối với các bé, cần lưu ý việc phòng chống muỗi đốt cho trẻ, mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn kể cả ban ngày.

Cảm lạnh và cúm

Là bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ gặp phải ở mọi lứa tuổi và thường xảy ra nhất trong mùa mưa. Bệnh dễ gây thành dịch lớn do nhiễm virus cúm, bệnh lây lan trong không khí và qua tiếp xúc như hít phải virus bệnh trong không khí, tiếp xúc chung đồ vật với người bị bệnh… Biện pháp chủ yếu để phòng bệnh cúm là sử dụng vaccine cúm. Ngoài ra, chúng ta nên uống nhiều nước và bổ sung các  vitamin và khoáng chất để cơ thể luôn khỏe mạnh. 

Bệnh sốt rét

Bệnh sốt rét do muỗi Anophen cái gây ra. Muỗi mang mầm bệnh từ người nhiễm bệnh sang người khỏe mạnh. Để tránh muỗi đốt gây bệnh sốt rét, bạn cần chú ý tiêu diệt muỗi, bọ gậy, loăng quăng xung quanh nhà, nhất là ở những vũng nước đọng. Lưu ý khi ngủ, cần nằm màn để giảm nguy cơ tiếp xúc với muỗi. Tốt nhất bạn nên dự trữ một số thuốc hạ sốt tại nhà để phòng tránh sốt đột ngột trong đêm. Chủ động loại trừ nơi sinh sản và cư trú của muỗi như nước tù, cây cối rậm rạp.

Bệnh tiêu hóa

Mùa mưa bão môi trường nước bị nhiễm bẩn, vì vậy rất dễ mắc các bệnh về tiêu hóa. Nguyên nhân gây ra những bệnh về tiêu hóa là do sự mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường ruột. Để phòng chống bệnh về tiêu hóa, bạn cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, tránh xa nguồn bệnh, thực hiện tốt ăn chín uống sôi...