Phố cũ miên man

ANTĐ - Đã gọi là phố, thường phải có vỉa hè có trồng cây, nếu không thì ra là hẻm, là ngõ. Vậy mà trong lòng Hà Nội lại có một con phố, rất nhỏ thôi, không vỉa hè không cây cối, dài chừng trăm mét với độ mươi nóc nhà, mái ngói cũ kỹ, lô xô…

Nằm lọt thỏm, nối liền hai con đường lớn là Trần Hưng Đạo và Hàm Long, phố rất ít người biết đến nếu chỉ nhắc tới cái tên Nguyễn Chế Nghĩa của nó. Thường cứ phải lấy tên một trong hai con phố lớn ở hai đầu làm mốc chỉ. Và ôm trọn trong lòng nó là cả một di sản kiến trúc biệt thự cũ, mang đậm dấu ấn những thập niên đầu thế kỷ 20. 

Vào những năm nào đó rất xa, ở đây chỉ có những ngôi nhà kín cổng cao tường, nơi ở của những ông chủ Tây và một vài gia đình thuộc giới thượng lưu bản xứ.

Những ngôi biệt thự cũ trên phố Nguyễn Chế Nghĩa

Bây giờ, qua bao biến đổi của thời cuộc, thời gian và sự lấn lướt của con người, nó không chỉ mang một khuôn mặt đầy vẻ xộc xệch, già nua và khắc khổ mà còn bị mổ xẻ, chia cắt từ bên trong. Nhưng có lẽ cũng không nên chỉ cảm nhận cái vẻ đẹp trong sự nguyên dạng, để rồi tâm trạng bị rơi vào hụt hẫng, nuối tiếc. Cũng chả nên coi nó như một thứ “di sản đang chết dần”, mà nên nhìn và cảm nhận nó như một vật thể có số phận, có đời sống, có “quá trình lịch sử” đầy diễn tiến.

Bên dưới những mái ngói sẫm màu rêu phủ là những mảng tường vôi bong vỡ, là cái cổng sắt chỉ còn một cánh hoen gỉ, uể oải tựa vào trụ gạch cũ kỹ, già nua. Trên  mấy ban công nhà, lộn xộn những hũ, chậu, lằng nhằng những giàn cây, tạm bợ, cẩu thả nhưng đầy ngẫu hứng. Nhưng ở đó cứ lấp lánh một cái thần, một nét duyên, cái mà ta chỉ có thể cảm nhận bằng tấm lòng chứ không phải theo các tiêu chí chuẩn mực của mỹ học.

Kiến trúc ở đây khiến ta liên tưởng đến giai điệu mượt mà, êm ả của những bản nhạc trữ tình vào thập niên 1930, với sự hòa âm tuyệt hảo của tỷ lệ, đường nét, hình khối. Rồi nhìn những gì còn lại, có cái gì đó man mác... khiến ta không khỏi chạnh lòng. Cho dù đã có một quán nước chè, hay một hàng bún mọc trổ cửa chui ra từ một bức tường rào nhưng cũng chưa tức mắt bằng vài khuôn mặt nhà cửa mới như những nốt nhạc bị phô, lạc điệu. Nó lừng lững, nó sạch sẽ, nó tinh tươm đến nỗi trông bơ vơ, vô cảm thế nào…

Trong lòng mỗi ngôi biệt thự, sự sinh sôi, lớn lên, phình ra, sự quá tải của từng gia đình đã phá vỡ nhiều cấu trúc vốn có. Giống như một nắm sỏi được rắc xuống tự nhiên, “xóm nhà gạch” ra đời.

Mạch giao thông công cộng không còn dừng ở cổng nữa mà chạy tiếp, ngoằn ngoèo, len lỏi vào mãi tận bên trong từng căn hộ. Những “xóm phố trong nhà” được hình thành với đầy đủ đường đi, hàng rào, cổng ngõ… chung và riêng.

Mỗi sớm, mỗi trưa bà đội thúng bánh mì, chị gánh hàng hoa, anh lông gà, lông vịt… tự do len lỏi vào tận bên trong cái xóm nhà gạch ấy để rao mời, thản nhiên như thể đang đi trên con đường làng quê mình vậy. Cái cánh cổng xiêu vẹo kia như chỉ còn là ước lệ, là dấu vết một thời. 

Càng đi sâu vào “lòng phố”, không gian càng biến hóa. Nó cứ bị chia nhỏ, nhỏ dần cho tới lúc cánh cửa sổ hai nhà đối diện có thể chạm vào nhau được. Những người hàng xóm có thể thì thầm với nhau qua từng ô cửa.

Sống ở đây luôn có cảm giác như trong một không gian cô đọng, một tiếng động nhỏ dù ở xa nhưng nghe lại rất gần. Ta có thể phân biệt được từng tiếng mở khóa lách cách của mỗi người, hay nghe thấy tiếng một chiếc thìa rơi xuống sàn bên nhà hàng xóm. Mỗi sớm thức dậy cứ muốn nấn ná mãi trên giường để nghe tiếng thùng nước va nhau, tiếng lào xào nói chuyện vọng lên từ cái máy nước công cộng. 

Lại nhớ lúc chiến tranh bom đạn, cả khu phố rung lên, cửa kính rơi loảng xoảng. Phố như không người, chỉ thấy đó đây trên những sân thượng lố nhố mấy cái đầu mũ sắt và những nòng súng tóe lửa.

Thời đó, chỉ lác đác vài gia đình trụ lại, phố cũng đã mở lòng đón thêm những gia đình từ các khu trọng điểm bị đánh phá sơ tán đến. Mọi người trong phố đều biết tên nhau, biết nghề nghiệp, tính cách của nhau, gọi nhau ơi ới, vay mì, vay gạo.

Trong từng xóm nhỏ đã hình thành một “nếp sống đô thị” riêng, dân tứ phương đổ về, mang theo các sắc màu văn hóa, có lúc thật ấm áp, chân tình, nhưng nhiều khi rất lạnh lùng, đầy ác cảm.

Có gì đó thật hiền lành, mà cũng hung dữ. Những vẻ “thuần khiết” xưa kia, chất tiểu tư sản hay dân nghèo thành thị không còn nữa. Thay vào đó là những cách ứng xử vừa trí thức vừa dân dã, nửa tỉnh, nửa quê… trong quan hệ với nhau và trong thái độ cư xử đối với chính cái “di sản” mà họ đang cư ngụ. Nó phản ánh rõ cá tính, nếp nghĩ và nền tảng văn hóa của mỗi cư dân.

Tuy có những lúc người ta than phiền về một điều gì đó đang tan vỡ, nhưng xem ra, cái tiếng rao ời ơi, cái ngạt ngào hương cốm từ những gánh hàng phảng phất trong lòng ngõ xóm ấy lại như một sự cứu vãn, một niềm an ủi còn lại.

Chưa hẳn là mọi cảm xúc tươi sáng đã bị bóp chết, trước sự bực mình khi đá phải một thau nước giữa lối đi, hay vì sự chật chội, tranh giành chiếm lấn từng tấc đất, từng mét hàng rào, hoặc vì sự dèm pha, dòm ngó lẫn nhau.

Như một bức tranh đầy màu sắc, cái “cấu trúc xóm nhà gạch” ấy cứ tồn tại, cứ sống hiển nhiên, với một không khí “rộn rã làng quê”, xóm trên nhà dưới đầy sinh động. Nói như kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính: “Nó không thể khiến ta thờ ơ, nó gợi, nó cuốn ta vào cuộc nói chuyện tay đôi”.