Phẫu thuật thẩm mỹ chui: Khi đi "lộng lẫy" khi về… "mất tiêu"

ANTD.VN - Ngày này, công nghệ làm đẹp phát triển đa dạng giúp chị em phụ nữ tự tin hơn, đẹp hơn. Thế nhưng, cũng chỉ vì “ham” làm đẹp, nhiều chị em đã rước họa vào mình chỉ vì đi phẫu thuật thẩm mỹ “chui”. Mặc dù, đã rất nhiều lần được cảnh báo nhưng nhiều chị em vẫn đến làm đẹp tại những cơ sở này như một địa chỉ uy tín, tin tưởng, giao nhan sắc của mình cho các bác sĩ còn chưa có chứng chỉ… hay thậm chí là chưa tốt nghiệp cấp 1. Và câu chuyện siết chặt quản lý những cơ sở thẩm mỹ “chui”, những cơ sở làm đẹp hành nghề vượt quá vi phạm cho phép vẫn là câu chuyện “dài kỳ” đối với ngành y tế.

Clip: Phẫu thuật thẩm mỹ - Con dao hai lưỡi (Nguồn VTC1)

Có nhu cầu làm đẹp, chị em phụ nữ không khó để có thể tìm ra những quảng cáo đầy hấp dẫn về giá cả, cũng hiệu quả sau khi sử dụng dịch vụ thẩm mỹ như: nhấn mí mắt, nâng ngực, làm má lúm đồng tiền…của rất nhiều cơ sở làm đẹp. Tuy nhiên, sau những ca phẫu thuật đó di chứng để lại từ những trang quảng cáo hấp dẫn ấy thì không ai có thể lường trước được.

Không giấy phép hoạt động vẫn “vô tư” làm “chui”

Khi thanh tra Sở Y tế TP.HCM và Phòng Y tế Q.10 tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ tại số 147 - 149 đường 3 Tháng 2, P.11, Q.10 (TP.HCM). Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này chưa có giấy phép hoạt động nhưng có dấu hiệu hoạt động tư vấn nâng mũi, cơ mắt, ngực... Đoàn thanh tra đã niêm phong ổ điện tại phòng tiểu phẫu, giao địa phương giám sát hoạt động.

Hàng loạt cơ sở làm đẹp chưa có giấy phép hoạt động vẫn vô tư hoạt động chui

Như Thanh niên phản ánh, bác sĩ Dương Anh Tuấn - người đứng tên giấy phép hoạt động của cơ sở trên xin rút tên, không phụ trách nữa. Tuy nhiên, ngày 30-5-2017, Phòng Y tế Q.10 phối hợp UBND quận, công an, Trạm y tế P.11 kiểm tra lần 2, phát hiện cơ sở có bác sĩ phẫu thuật không phép hoạt động. Sở Y tế đã phạt cơ sở 60 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 9 tháng.

Mặc dù, các cơ sở thẩm mỹ chui, không giấy phép hoạt động bị phạt nhưng có lẽ làm “chui” chuyên nghiệp và rất cảnh giác là cơ sở thẩm mỹ không tên của bà Lê Thị Thúy Nga tại địa chỉ 694/5 Nguyễn Kiệm, P.4, quận Phú Nhuận. Thanh tra Sở Y tế đã phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an TP.HCM, Công an P.4, Phòng Y tế quận Phú Nhuận bất ngờ kiểm tra cơ sở của bà Nga khi có một khách hàng vừa vào bên trong cơ sở.

Cơ sở thẩm mỹ không tên của bà Nga khi bị lực lượng chức năng kiểm tra

Tại buổi kiểm tra, cơ sở này không có biển hiệu, không cung cấp được giấy phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ. Trên lầu 1, bà Thúy Nga đang tư vấn cho một bệnh nhân về sửa, nâng mũi với số tiền 15 triệu đồng và sẽ thực hiện thủ thuật tại phòng tư vấn. Thanh tra Sở Y tế đã yêu cầu cơ sở ngưng hoạt động và mời chủ nhà là ông Lương Thanh Ngạc (chồng bà Nga) lên làm việc.

Mập mờ “vỏ - ruột” trong cách tư vấn , quảng cáo

Như Báo Lao Động phản ánh: tại cơ sở 2 của Thẩm mỹ viện P.T (2xx Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy), nhân viên tư vấn giới thiệu dịch vụ làm đẹp nào cũng có, từ tiêm botox thon gọn hàm, nâng mũi cho đến thẩm mỹ gọt mặt, tiêm hạ gò má, tiêm tan mỡ tạo khuôn mặt trái xoan, tạo hình khuôn mặt V-line, độn cằm.

Thậm chí có cả những hình thức dịch vụ đại phẫu như phẫu thuật nâng ngực Yline, tạo hình thành bụng, nâng mông nội soi, hút mỡ bụng… Đối với riêng hình thức nâng ngực nội soi, nhân viên cung cấp giá dịch vụ là 45 triệu đồng, rẻ hơn so với mặt bằng chung tại các cơ sở thẩm mỹ khác.

Đặc biệt Thẩm mỹ viện P.T cam kết loại hình này đã được cấp phép của sở Y tế, đảm bảo uy tín, an toàn. Hơn nữa thẩm mỹ viện đã phẫu thuật rất nhiều trường hợp thành công và chưa từng có sự cố.

Không đăng ký kinh doanh nhưng nhiều thẩm mỹ viện vẫn quảng cáo nhiều loại hình thẩm mỹ

Mâu thuẫn được đặt ra khi lời nói trực tiếp và quảng cáo “bất nhất”, trên trang web chính thức của thẩm mỹ viện này không hề quảng cáo loại dịch vụ nâng ngực hay hút mỡ. Qua tìm hiểu, các trường hợp đại phẫu sẽ thực hiện ở Bệnh viện đa khoa HN với hình thức liên kết. Bác sĩ sẽ là nhân sự của thẩm mỹ viện và đưa bệnh nhân đến tự phẫu thuật.

Chiêu thức này không những làm đau đầu cơ quan quản lý mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tính mạng bệnh nhân vì không ai kiểm soát trình độ chuyên môn của bác sĩ lẫn quy trình thực hiện có đảm bảo an toàn cho bệnh nhân hay không?

Tương tự, tại một cơ sở của Thẩm mỹ viện P.X, nhân viên tư vấn cũng hứa hẹn kết quả phẫu thuật và “bảo hành trọn đời” túi ngực khi nâng ngực trọn gói với giá 65 triệu đồng. Tại đây, viện thẩm mỹ cũng cam kết loại hình này đã được cấp phép và hoạt động hợp pháp, uy tín, chất lượng. Đáng nói, việc thực hiện cho bệnh nhân các dịch vụ đại phẫu của hai thẩm mỹ viện trên đều giống nhau, theo liên kết với Bệnh viện H.N. Quy định rõ ràng nhưng trên thực tế tình trạng làm ăn “bát nháo”, các cơ sở “xé rào”, “vượt rào” thẩm quyền vẫn đang diễn ra.

Tử vong vì phẫu thuật thẩm mỹ “chui”

Theo TS.BS. Bùi Minh Trạng, Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo, phẫu thuật thẩm mỹ không phép đang gây hậu quả rất nghiêm trọng, thậm chí có thể gây chết người. Điển hình như Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành kiểm tra và xác minh vụ việc người nước ngoài tử vong tại phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ.

Sáng 20-7-2017, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phối hợp với Phòng Quản lý Dịch vụ y tế và Phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế TP.HCM đến làm việc với Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Việt Thành tại địa chỉ 565 Sư Vạn Hạnh (nối dài), phường 13, quận 10 đã ghi nhận vụ việc:

Lúc 11 giờ ngày 19-7-2017, ông Edward Hartley (53 tuổi) đến Phòng khám Việt Thành với lý do muốn cắt da dư vùng hông lưng sau khi sụt cân khoảng 18kg. Ông Nguyễn Việt Thành (BS Thành) khám và chỉ định phẫu thuật cắt da dư. Lúc 16h00 cùng ngày, bệnh nhân trở lại phòng khám để thực hiện phẫu thuật. Sau khi tiêm thuốc tê khoảng 10-15 phút, ông Edward Hartley có dấu hiệu trụy mạch qua monitoring theo dõi.

BS Thành tiến hành hồi sức tim phổi (đặt nội khí quản bóp bóng, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, đặt đường truyền dùng thuốc...) song song với việc gọi BV Cấp cứu Trưng Vương đến hồi sức. Bệnh viện Trưng Vương đến sau 20 phút và tiếp tục hồi sức tim phổi nhưng không hiệu quả. Bệnh nhân Edward Hartley đã tử vong và phòng khám đã báo cơ quan chức năng đến làm việc.

Lực lượng chức năng làm việc tại Thẩm mỹ viện Việt Thành nơi ông Edward Hartley tiến hành cắt da dư và tử vong

Mặt khác, Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Việt Thành được Sở Y tế cấp phép hoạt động số 00338/SYT-GPHĐ ngày 16-5-2016 do BS Nguyễn Việt Thành là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật và phạm vi hoạt động chuyên môn theo Quyết định 701/QĐ-SYT ngày 16-5-2016.

Qua quá trình kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế nhận thấy phòng khám thực hiện phẫu thuật cắt da thừa vùng bụng nằm ngoài danh mục kỹ thuật được Sở Y tế phê duyệt, phòng khám không đảm bảo an toàn cho công tác khám chữa bệnh.

Trường hợp thứ hai là một thai phụ 22 tuổi ở Cà Mau tử vong sau khi làm phẫu thuật nâng ngực. Ca phẫu thuật được BS. Lê Tấn Hùng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt TP.HCM thực hiện tại Bệnh viện Vạn Hạnh (TP.HCM). BS Hùng có dấu hiệu vượt chuyên môn cho phép vì theo giấy phép hành nghề, BS Hùng không được thực hiện kỹ thuật phẫu thuật nâng ngực.

Theo quy định của Bộ Y tế, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ bắt buộc phải là bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, có thời gian khám, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng với chuyên khoa đó.

Về mặt kỹ thuật, phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế cấp phép chỉ được làm các tiểu phẫu như tạo lúm đồng tiền, xóa xăm cung lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa da vùng mặt, vùng cổ; tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai; và không được làm các phẫu thuật tạo hình lớn như nâng ngực, nâng vú, thu nhỏ quầng vú, thu gọn thành bụng, mông, đùi, lấy mỡ cơ thể. Những phẫu thuật thẩm mỹ có gây mê đều bắt buộc phải làm ở bệnh viện. Ngay tại bệnh viện, phẫu thuật thẩm mỹ cũng chỉ được làm những kỹ thuật trong danh mục được Sở Y tế thẩm định, cho phép.