Phát hiện sớm sốt xuất huyết để tránh biến chứng suy nội tạng nguy hiểm

ANTD.VN - Với những biểu hiện bệnh giống nhau, sốt xuất huyết thường bị nhầm là sốt phát ban. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới suy nội tạng, thậm chí là tử vong do không được điều trị đúng hướng ngay từ đầu.

Phát hiện sớm sốt xuất huyết để tránh biến chứng suy nội tạng nguy hiểm ảnh 1

Trẻ em: Đối tượng dễ mắc sốt xuất huyết

Bắt đầu từ tháng 9, các tỉnh miền Nam đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Độ ẩm trong không khí tăng cao là điều kiện lý tưởng để các loại muỗi sinh sôi, phát triển. Sốt xuất huyết - căn bệnh lây lan chủ yếu từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt cũng gia tăng trong thời điểm này.

Trước đây, sốt xuất huyết được tổ chức Y tế Thế giới coi là bệnh của trẻ em bởi 90% số ca mắc bệnh là trẻ dưới 15 tuổi. Thế nhưng, số liệu những năm gần đây cho thấy, tỷ lệ người lớn bị sốt xuất huyết cũng không hề nhỏ.

Tại sao trẻ nhỏ lại dễ mắc sốt xuất huyết hơn người lớn? Theo lý giải của các chuyên gia, do trẻ nhỏ hiếu động, thường chui vào chỗ tối chơi nên dễ làm “mồi” cho muỗi. Mặt khác, trẻ thường có thân nhiệt cao, cộng với đùa nghịch ra mồ hôi nhiều nên cũng dễ thu hút muỗi. Bản thân trẻ lại chưa có ý thức phòng vệ nên dễ bị muỗi đốt. Một nguyên nhân quan trọng khác nữa, đó là sức đề kháng của trẻ còn yếu, vì thế, dễ phát bệnh và dễ để lại biến chứng hơn.

Tại Việt Nam, mỗi năm bệnh viện trên cả nước tiếp nhận hàng chục ca suy gan, não, hô hấp, thận… cũng vì sốt xuất huyết. Riêng 8 tháng đầu năm nay đã có 13 trường hợp tử vong.

Dễ nhầm với sốt phát ban

Thực chất, sốt xuất huyết nếu phát hiện sớm và được điều trị đúng cách ngay ở giai đoạn đầu thì hoàn toàn có thể điều trị khỏi bệnh, tuy nhiên, triệu chứng của bệnh không đặc thù, dễ nhầm lẫn, dẫn tới tình trạng điều trị sai hướng. Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, Bệnh viện Nhi Trung ương: “Sốt xuất huyết có biểu hiện khá giống sốt phát ban nên nhiều người thường bị nhầm, coi nhẹ bệnh”. Cụ thể, theo bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, sốt phát ban và sốt xuất huyết đều có biểu hiện đặc thù là sốt cao và xuất huyết ngoài da. Ngoài ra, cả hai loại sốt này còn gây ho, sổ mũi, mắt đỏ, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn và nôn. 

Hiện tại, sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh nên cách tốt nhất vẫn là tránh để muỗi đốt bằng cách dọn dẹp nơi ở sạch sẽ, gọn gàng. Đặc biệt, nếu thấy biểu hiện của bệnh ở giai đoạn đầu, cần cảnh giác và  đến bệnh viện ngay nếu thấy có dấu hiệu bất thường.

Thế nhưng, sốt xuất huyết thường sốt cao, liên tục, dù dùng thuốc hạ sốt cũng khó giảm nhiệt độ. Trong khi đó, sốt phát ban thì chỉ sốt từng cơn và có đáp ứng tốt với thuốc hạ sốt. Sốt xuất huyết cũng kèm theo chảy máu chân răng, tay chân lạnh, còn sốt phát ban lại có biểu hiện sưng hạch ở vùng đầu, mặt, cổ có thể sờ thấy và cảm thấy đau.

Dù có khá nhiều điểm khác nhau, thế nhưng, theo bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, với những người bình thường, không có chuyên môn rất khó để nhận biết khi chỉ dựa vào các triệu chứng trên. Tuy nhiên, cách dễ dàng nhất để phân biệt đó là dùng tay căng phần da có chấm đỏ.

Nếu chấm đỏ này mất đi và xuất hiện lại sau khi buông tay thì đó là sốt phát ban. Trường hợp ngược lại, những ban đỏ vẫn xuất hiện thì đó chắc chắn là sốt xuất huyết. Với những người ít kinh nghiệm, cách tốt nhất là sau 2 ngày bị sốt, nhiệt độ không giảm lại kèm theo các biểu hiện li bì, mệt mỏi, buồn nôn, đi ngoài ra máu… thì cần đến bệnh viện sớm để thực hiện các xét nghiệm, phòng ngừa biến chứng.

Với sốt phát ban, sau khoảng 3-5 ngày, sốt sẽ hết, các ban đỏ cũng sẽ lặn và bệnh khỏi. Thế nhưng, sốt xuất huyết lại khác. Dù sốt cũng hết sau khoảng 3 ngày, nhưng đây mới là giai đoạn cảnh báo bệnh xuất hiện biến chứng. Giai đoạn này, người bệnh có thể bị sốc với các triệu chứng như: tiểu ít hoặc không tiểu, lạnh đầu các chi, da lạnh ẩm, đau phần gan, phù nề mí mắt, huyết áp thấp, thậm chí là không đo được huyết áp… 

Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, cho dù sốt xuất huyết hay sốt phát ban thì người bệnh cũng vô cùng mệt mỏi. Thế nên, để tăng cường sức đề kháng, người bệnh ngoài được nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất (tuyệt đối không kiêng khem), còn phải tăng cường uống nước cam, chanh. Việc bù nước bằng dung dịch oresol hay hidrid… cũng không được bỏ qua, nhất là khi có dấu hiệu của tiêu chảy.