Phát hiện nguồn kháng sinh dồi dào trên... da cá

ANTD.VN - Các nhà khoa học cho biết, chất nhầy trên cơ thể cá có thể là chìa khóa mở ra hướng phát triển cho những loại kháng sinh mới. 

Chất nhầy trên cơ thể cá có thể là chìa khóa mở ra hướng phát triển cho những loại kháng sinh mới 

Nhóm các nhà khoa học Mỹ vừa công bố công trình nghiên cứu của họ và cho rằng, nền y học tương lai sẽ bước sang một trang mới khi rất nhiều loại kháng sinh có thể tìm thấy trong chất nhầy được bao phủ trên bề mặt ngoài của cá con.

Khám phá hợp chất từ cá con

Các nhà khoa  học Mỹ, đứng đầu là Tiến sĩ Sandra Loesgen, tại Đại học Oregon (Mỹ) cho biết, trên thực tế, các chất nhầy được bao phủ trên bề mặt của cá con có tác dụng bảo vệ những con cá này khỏi những vi khuẩn, nấm và các loại virus độc hại có thể gây bệnh. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu lại quan tâm đến việc đi tìm kiếm và thu thập những vi sinh vật xem môi trường này như nơi trú ẩn an toàn, nuôi dưỡng chúng (ký sinh trùng), đồng thời khám phá các loại hóa chất mà những loại vi khuẩn, nấm và virus này gây ra. 

“Chúng tôi tin rằng các giống vi sinh vật này tiết ra những chất hóa học bổ sung vào khả năng sát khuẩn của dịch nhầy, và những hợp chất hoạt tính sinh học mới có thể được phát hiện trong hệ gene vi sinh vật trên cơ thể loài cá”, Tiến sĩ Sandra Loesgen nói.

Hầu hết các loại kháng sinh hiện tại của chúng ta được bắt nguồn từ các chủng vi khuẩn sống trong lòng đất và chúng được sản sinh để tiêu diệt các loài vi khuẩn có tính cạnh tranh khác. Giờ đây chúng ta phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn kháng sinh mới để sử dụng cho mọi người, vì vậy việc tìm kiếm các loại thuốc mới trong các môi trường khác là rất đáng quan tâm và kịp thời. 

Tiến sĩ Mark Webber

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học đã lau sạch chất nhầy của 17 giống cá khác nhau mà họ đã đánh bắt được ở vùng biển phía Nam California (Mỹ). Sau đó, các nhà khoa học đã tìm thấy 47 chủng vi khuẩn trong chất nhầy của loài cá được nuôi dưỡng biệt lập và một hỗn hợp tương tự như kiểu “rượu trộn” các hóa chất mà chúng sản sinh ra. 

Tiếp theo, các nhà khoa học kiểm tra khả năng kháng khuẩn của các mẫu đã thu thập được và kết quả cho thấy, một số chủng vi sinh vật đã tiết ra hợp chất hóa học có khả năng loại bỏ giống tụ cầu khuẩn kháng methicillin Staphylococus hoặc tụ cầu vàng (MRSA) và một số lượng nhỏ hơn trong số mẫu thu thập được có khả năng kháng khuẩn E.coli; một số khác lại có khả năng kháng cự hiệu quả loài nấm men Candida albicans khó trị, thậm chí với các tế bào gây ung thư ruột kết.

Bước khởi đầu trong quá trình tìm kiếm các loại kháng sinh mới

“Hiện nay, chúng tôi mới chỉ phân tích chi tiết một giống khuẩn, còn rất nhiều việc đang cần chúng tôi nghiên cứu để hoàn thiện công trình của mình”, Tiến sĩ Loesgen nhấn mạnh. Trong khi đó, Tiến sĩ Mark Webber, một chuyên gia nghiên cứu về kháng sinh tại Viện Sinh học Quadam, cho biết, “điều quan trọng là chúng ta phải săn tìm kháng sinh ở những nơi bất ngờ nhất hiện nay”. 

Cũng theo Tiến sĩ Webber, hầu hết các loại kháng sinh hiện đang được sử dụng đều bắt nguồn từ các chủng vi khuẩn sống trong lòng đất, chúng được sản sinh ra để tiêu diệt các loại vi khuẩn khác có tính cạnh tranh với chúng. “Các loại kháng sinh mới được các nhà khoa học tại Đại học Oregon tìm thấy trong lớp nhầy của loài cá có khả năng chống lại một số mầm bệnh trong cơ thể chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta có thể cải tiến nó để tìm ra nhiều loại kháng sinh mới có thể được sử dụng trong tương lai chống lại các loại vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm nhất”, Tiến sĩ Webber nói.

Laura Piddock, Giáo sư vi sinh vật tại Đại học Birmingham cũng tỏ ra rất lạc quan trước công trình nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Đại học Oregen: “Việc phát hiện bất cứ chất kháng vi trùng từ môi trường tự nhiên cũng đều có ích trong việc tìm ra các loại kháng sinh mới, đặc biệt khi những chất này có hoạt tính chống lại những mầm bệnh ưu tiên mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang phân loại. Đây mới chỉ là một trong những bước khởi đầu trong quá trình tìm kiếm các loại kháng sinh mới an toàn cho nhân loại”.

Hiện tại, WHO đã lên tiếng cảnh báo nguồn dự trữ kháng sinh sắp cạn kiệt và việc tìm kiếm các loại kháng sinh mới là điều cấp bách, nếu không nhân loại sẽ quay trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh. Điều này tác động rất lớn đối với sự sinh tồn của loài người. 

Bên cạnh đó, WHO cho biết kể từ năm 2050, mỗi năm thế giới sẽ có khoảng 10 triệu người chết vì nguyên nhân nhiễm khuẩn kháng thuốc kháng sinh, gây thiệt hại cả về người và kinh tế lên tới con số hơn 100 tỷ USD.