Phập phù chất lượng sữa "xách tay""

ANTĐ - Ngay trong những ngày đầu năm mới, Đường dây nóng Báo ANTĐ liên tục nhận được những cuộc gọi của bạn đọc bày tỏ băn khoăn, lo lắng về nguồn gốc, chất lượng sữa bột “xách tay” tràn lan trên thị trường trước thông tin một loại sữa  đã khiến một em bé lâm bệnh khá nặng…

Sữa “xách tay” không hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt vẫn được bày bán khá nhiều

Vừa uống vừa run

“Nhìn con ủ rũ kiệt sức nằm trong viện mẹ không thể cầm lòng được. Mẹ sẽ không bao giờ quên tiếng khóc ngằn ngặt của con, đôi mắt sưng húp, bàn chân băng bó, những vết chọc lấy máu và truyền thâm đen trên tay chân con và cái Tết khổ sở gia đình mình phải trải qua. Không hiểu cái thứ sữa dê nhập khẩu có giá gốc... 80.000đ/lon mà mẹ phải mua với giá cao gấp 5 lần có chất độc gì mà hại con đến vậy” – những dòng tâm sự  trên của một bà mẹ trẻ có con bị bệnh đang điều trị tại bệnh viện vì sử dụng sữa “xách tay” đã gây xôn xao dư luận những ngày qua. 

Qua một số con phố ở Hà Nội chuyên bán sữa trẻ em như phố Hàng Buồm, phố Sơn Tây, đường Nguyễn Sơn… chúng tôi thấy, bên cạnh các mặt hàng sữa nhập khẩu qua các công ty được Bộ Y tế kiểm soát chất lượng với nhãn mác, hướng dẫn sử dụng, nhà phân phối nhập khẩu rõ ràng thì còn có không ít loại sữa “xách tay” không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tại một cửa hàng bán sữa trên phố Hàng Buồm, khi chúng tôi hỏi mua sữa “xách tay” cho trẻ em, chủ cửa hàng lấy ra một hộp sữa trên đó ghi toàn tiếng… Nhật, không dán tem và đáy hộp hơi… méo. Chúng tôi thắc mắc thì chủ cửa hàng khẳng định: “Hàng ngoại chính hãng, chất lượng khỏi bàn.  Do “xách tay” nên hàng bị va đập nên bị méo chút ít, nếu không mua nhanh chỉ đến chiều là hết”.

Giá sữa “xách tay” thường rẻ hơn hàng công ty (do hầu hết là hàng nhập lậu) nên được nhiều người tiêu dùng chọn lựa. Mặt hàng này luôn được quảng cáo là “sản phẩm chính hãng, sản xuất tại nước ngoài, được vận chuyển về nước theo đường hàng không” nên đã thu hút được sự quan tâm của không ít người tiêu dùng. Chị Lê Phương Thanh (ở khu đô thị mới Trung Hoà - Nhân Chính, quận Cầu Giấy) có con trai 5 tháng tuổi cho biết: “Do là con đầu cháu sớm, tôi lại ít sữa nên cho con uống sữa ngoài từ lúc 2 tháng tuổi. Qua một người bạn, tôi đã mua sữa “xách tay” ở một địa chỉ quen biết, giá lại rẻ. Chưa biết chất lượng đến đâu nhưng cứ được sản xuất ở nước ngoài là tôi yên tâm”. 

Hầu hết việc mua sữa “xách tay” đều qua truyền miệng. Vì hám lợi, nhiều chủ kinh doanh đã trà trộn bán những loại sữa nhập lậu (trong đó có một lượng đáng kể là hàng sắp hết hạn sử dụng) cùng hàng chính hãng. Thậm chí, nhiều hộp sữa trước khi tung ra thị trường còn được thay đổi nhãn mác và… in hạn sử dụng mới. Một điểm dễ nhận thấy là nếu như sữa phân phối chính hãng có đầy đủ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, tem nhập khẩu, nhãn mác rõ ràng thì trên các sản phẩm của sữa “xách tay” thường chỉ được in bằng tiếng nước ngoài.

Người tiêu dùng như bị hoa mắt trước hàng trăm loại sữa trên thị trường

Hại đơn, hại kép

Luật sư Phạm Công - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hầu hết các đối tượng buôn lậu đều tìm cách xé lẻ, chia nhỏ hàng để bán cho người tiêu dùng nên cơ quan chức năng rất khó kiểm tra, bắt giữ, xử lý. Hơn nữa, sự cả tin của người tiêu dùng cũng khiến hoạt động buôn bán mặt hàng này ngày càng phức tạp, khó kiểm soát. Mặt khác, việc tiêu thụ sữa “xách tay” tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Không như sữa nhập khẩu chính thức, sữa “xách tay” không có đơn vị nào chịu trách nhiệm tại Việt Nam nên khi gặp rủi ro, người bán hay người mua đều không biết tìm đến đâu để được bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, các đơn vị sản xuất và nhà phân phối sữa chính hãng cũng bị ảnh hưởng uy tín, thương hiệu khi có trường hợp sữa “xách tay” kém phẩm chất đội lốt hàng của mình. 

Trước tình trạng sữa “xách tay” có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người tiêu dùng và uy tín của nhà sản xuất, bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu – Bệnh viện E  khuyến cáo, trước khi cho trẻ sử dụng bất kỳ loại sữa nào, các bậc cha mẹ phải đọc kỹ hướng dẫn ghi trên vỏ hộp. Việc cho trẻ uống sữa không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng có thể ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa, gây còi cọc chậm lớn, thậm chí có thể khiến trẻ bị ngộ độc, tử vong. Hơn nữa, có không ít loại sữa được sản xuất cho các thị trường khác không phù hợp với Việt Nam do sự khác biệt về gen, môi trường sống và thể trạng cơ thể. Để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, người tiêu dùng nên mua sữa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, với sữa ngoại thì phải có đầy đủ thông tin của nhà cung cấp kẻo vừa vô tình tiếp tay cho hành vi buôn lậu lại vừa mất tiền rước họa vào thân. 

Thị trường sữa nội hiện nay có rất nhiều các sản phẩm được sản xuất trong nước có chất lượng khá tốt, giá thành thấp, người tiêu dùng nên hưởng ứng phong trào “người Việt dùng hàng Việt”. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất sữa cũng cần cung cấp thông tin về sản phẩm một cách công khai, minh bạch để người tiêu dùng có thể lựa chọn và phân biệt sản phẩm chính hãng, đảm bảo chất lượng. Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em, các cơ quan chức năng cần có  ngay các biện pháp siết chặt việc quản lý mặt hàng sữa “xách tay” trong thời gian sớm nhất, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Thời gian gần đây, có một số trường hợp người tiêu dùng tại Việt Nam đã phát hiện sản phẩm sữa Ensure nước “xách tay” bị chua và sủi bọt. Trước đó, tại Mỹ và Liban đã có trẻ em bị tử vong và viêm màng não do uống phải một loại sữa bị vi khuẩn xâm nhập. Ngay lập tức sản phẩm sữa này đã bị thu hồi tại hơn 3.000 siêu thị trên toàn thế giới. Tháng 8-2012 vừa qua, 6 loại sữa xuất xứ từ nước ngoài dành cho trẻ em đã bị thu hồi tại Hồng Kông do hàm lượng i-ốt thấp. Trong khi đó hàng “xách tay” của một số nhãn hàng này đã được bày bán tại Việt Nam.