Pháp luật cho phép nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Anh trai tôi mới kết hôn với một phụ nữ đã có một đời chồng và có con riêng. Nay anh tôi muốn nhận con riêng của vợ làm con nuôi. Điều này có phù hợp với các quy định hiện hành không thưa luật sư, thủ tục ra sao? Lê Thanh Hoài (Nghệ An)

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:

Pháp luật cho phép nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi ảnh 1Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch công ty Luật SBLAW)

Theo Luật Nuôi con nuôi, nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận nuôi và con nuôi. Trong đó, mối quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi được tạo nên sau khi hai bên thực hiện thủ tục đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền.

Điều 39 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, cá nhân có quyền được nhận con nuôi và được làm con nuôi. Pháp luật bảo vệ quyền nhận con nuôi và quyền làm con nuôi của cá nhân.

Trong đó, thứ tự ưu tiên được lựa chọn gia đình nhận trẻ em làm con nuôi như sau: Cha dượng, mẹ kế; Cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi; Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước; Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam; Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài.

Nếu có nhiều người cùng hàng ưu tiên đều xin nhận một người làm con nuôi thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét đến điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tốt nhất để chọn ra người nhận nuôi.

Pháp luật cho phép nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi ảnh 2Cha mẹ nuôi và con nuôi đáp ứng được các điều kiện thì được phép nhận nuôi con nuôi (Ảnh minh họa)

Do đó, khi cha mẹ nuôi và con nuôi đáp ứng được các điều kiện thì được phép nhận nuôi con nuôi. Theo đó, người nhận nuôi phải đáp ứng 5 điều kiện: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở để bảo đảm cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi tốt nhất; Có tư cách đạo đức tốt; Không thuộc các trường hợp bị cấm nhận con nuôi.

Để được mẹ kế, cha dượng nhận nuôi thì người con nuôi phải dưới 18 tuổi. Lúc này, mẹ kế hoặc cha dượng phải chuẩn bị các giấy tờ:  Đơn xin nhận con nuôi; Bản sao hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế; Phiếu lý lịch tư pháp; Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân… Theo Điều 6 Nghị định 114/2016/NĐ-CP, nếu mẹ kế hoặc cha dượng nhận con riêng của chồng hoặc vợ làm con nuôi trong nước thì được miễn lệ phí đăng ký. Còn nếu đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài thì được giảm 50%.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn. ANTĐ