Phân tích rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp phòng cháy chữa cháy hữu hiệu

ANTD.VN - Với xu thế phát triển đô thị hiện nay, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật thiếu đồng bộ là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Chưa kể đến việc, ý thức người dân còn chưa chú trọng đến nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại gia đình, cơ sở, khu dân cư mình sinh sống.

Muốn hạn chế tối đa cháy và thiệt hại do các vụ cháy gây ra, nhiệm vụ cấp thiết là phải nâng cao ý thức người dân, tự chủ động phòng cháy. Muốn phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp trong công tác PCCC, việc quan trọng nhất là phải trang bị kỹ năng, kiến thức, phương tiện đến từng khu dân cư, cơ quan, cơ sở kinh doanh...

Phân tích rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp phòng cháy chữa cháy hữu hiệu ảnh 1Khu vực nhà xưởng xảy cháy làm 8 người tử vong tại quận Nam Từ Liêm

Nguyên nhân cháy do đâu?

“Nếu người dân, cơ quan doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh… đều có ý thức tuân thủ quy định về an toàn PCCC, luôn chủ động phòng cháy bằng cách tự trang bị kiến thức, kỹ năng, phương tiện thì sẽ giảm được thiệt hại do cháy gây ra” - Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng CAQ Cầu Giấy cho biết.

Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, hậu quả từ hỏa hoạn là khó đong đếm, nhưng có thể phòng ngừa được nếu tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn PCCC. Vụ cháy xảy ra tại quận Nam Từ Liêm gây tử vong 8 người vào ngày 16-4, có thể lường được nếu chủ nhà xưởng tuân thủ quy định về kiểm tra, bảo dưỡng máy móc, đường điện, lửa trần. Đặc biệt, nếu lắp đặt đầy đủ các hệ thống cảnh báo, thiết bị báo khói, báo cháy… thì khi không may xảy ra vụ cháy sẽ phát hiện sớm và hạn chế được mức độ thiệt hại. Chủ quan, xem nhẹ công tác PCCC và thiếu tuân thu quy định về an toàn PCCC thì sẽ để lại hậu quả lớn.

Cán bộ, nhân viên UBND quận Long Biên tham gia diễn tập PCCC, CNCH

Theo báo cáo của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố xảy ra 278 vụ cháy, trong đó có 5 vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng, 3 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 80 vụ cháy trung bình, 187 vụ cháy nhỏ, 1 vụ cháy rừng. Các vụ cháy làm 14 người chết, 21 người bị thương. Thiệt hại về tài sản đã được thống kê ước tính khoảng 40,5 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2018 giảm 130 vụ, nhưng tăng 10 người chết, 13 người bị thương; thiệt hại về tài sản giảm khoảng 200 tỷ đồng.

Cùng với đó, có 327 vụ chập điện trên cột, 486 sự cố cháy bãi rác, bãi phế liệu, chập điện trong nhà, chuông báo cháy… thiệt hại không đáng kể.

Lực lượng Cảnh sát PCCC đã phân tích cụ thể, nguyên nhân và loại hình cơ sở xảy ra cháy để đưa ra các biện pháp phù hợp, hiệu quả trong công tác phòng ngừa. Trong số những vụ cháy thì khu nhà dân chiếm 135 vụ, trong đó khu tập thể, nhà tập thể 5 vụ; chung cư, nhà cao tầng 8 vụ; nhà kho, xưởng sản xuất 34 vụ, nhà hàng, quán ăn, café 16 vụ. Qua khám nghiệm hiện trường, xác định nguyên nhân xảy cháy chủ yếu là do chập điện chiếm phần lớn với khoảng trên 170 vụ, còn lại là sơ xuất khi sử dụng lửa 17 vụ.

Theo chỉ huy lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, qua các vụ cháy cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn, song chủ yếu vẫn là lỗi do ý thức chủ quan của con người. “Nếu mỗi người dân nâng cao ý thức về tự phòng ngừa hỏa hoạn, mới có thể hạn chế được cháy, nổ xảy ra. Chỉ bởi một hành động hút thuốc gạt tàn lửa không đúng quy định, hoặc là quần áo xong quên không rút phích cắm điện, hay nấu nướng thiếu để ý cũng có thể thiêu cháy cả nhà. Việc tuân thủ quy định của người dân, chủ cơ sở, ban quản trị khu dân cư mới là cốt lõi và tránh được hiểm họa cháy lớn” - Đại tá Nguyễn Trường Sơn cảnh báo.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Long Biên tuyên truyền, tập huấn PCCC cho cán bộ, nhân viên UBND quận Long Biên

Huy động sức mạnh tổng hợp

Cụ thể hóa Kế hoạch số 359/KH-CAHN-PC07, ngày 9/11/2018 về tăng cường công tác PCCC và CNCH năm 2018, các đơn vị quận, huyện đã chủ động tăng cường kiểm tra, rà soát, đồng thời chỉ ra các vướng mắc, cách tháo gỡ và xử lý nghiêm đối với cơ sở vi phạm an toàn PCCC.

Theo đó, lực lượng Cảnh sát PCCC - CNCH đã phối hợp với các đơn vị tổ chức kiểm tra liên ngành 396 lượt cơ sở; kiểm tra an toàn về PCCC 23.394 lượt cơ sở, lập 23.394 biên bản xử lý vi phạm, đạt 107% so với chỉ tiêu đăng ký (21.822 cơ sở/ 6 tháng); phát hiện và kiến nghị cơ sở khắc phục 37.634 tồn tại, thiếu sót; ra quyết định xử phạt 2.285 trường hợp với số tiền phạt trên 9,5 tỷ đồng; ban hành 4.289 công văn kiến nghị, yêu cầu cơ sở khắc phục; ra quyết định tạm đình chỉ 13 trường hợp và đình chỉ 8 trường hợp.

Mặt khác, lực lượng PCCC - CNCH tập trung vào các cơ sở trọng điểm, nhất là tại các khu nhà chung cư, nhà cao tầng, cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar, cơ sở sản xuất, kho chứa tập trung nhiều hàng hóa dễ cháy, nổ, khu dân cư... Tổ chức rà soát, lập danh sách các nhà chung cư không đảm bảo, vi phạm quy định về PCCC, không mua bảo hiểm cháy, nổ... Công an các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra an toàn PCCC tại 73 trụ sở các cơ quan TƯ Đảng, Chính phủ, trụ sở cơ quan Bộ, trụ sở Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, trụ sở quận ủy, huyện ủy, thị ủy, HĐND, UBND các quận, huyện thị xã; 85 trụ sở làm việc, doanh trại, kho tàng, bến bãi của các đơn vị thuộc CATP; phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô trong việc kiểm tra an toàn PCCC tại các cơ sở quốc phòng phục vụ mục đích quân sự.

Người dân thực hành dập lửa bằng bình chữa cháy xách tay

Thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 31/10/2018 của Thành ủy về nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác PCCC - CNCH trên địa bàn thành phố, Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH mở đợt cao điểm tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực PCCC đối với các cơ sở trong khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và cơ sở sản xuất, kho hàng hóa trong khu dân cư trên địa bàn thành phố, đồng thời yêu cầu lực lượng Cảnh sát PCCC tăng cường công tác PCCC và CNCH tại khu dân cư. Qua đó nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp vào công tác PCCC.

Xác định rõ vai trò quan trọng của công tác PCCC, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP đã phát huy sức mạnh tổng hợp từ người dân để thực hiện có hiệu quả phương châm 4 tại chỗ trong công tác PCCC. Theo đó, lực lượng Cảnh sát PCCC đã triển khai nhiều kế hoạch tuyên truyền nâng cao ý thức, trang bị kỹ năng PCCC cho người dân.  

6 tháng đầu năm 2019, lực lượng Công an các quận, huyện đã tổ chức tập huấn 1.455 lớp tuyên truyền về PCCC với 102.313 người tham dự, đồng thời ký cam kết về đảm bảo an toàn PCCC cho 13.402 cơ sở và 98.374 hộ gia đình. Qua đó nâng cao kỹ năng, chủ động phòng ngừa, huy động sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân tham gia công tác PCCC,  kịp thời xử lý khi có tình huống, sự cố hỏa hoạn xảy ra.

Cùng với công tác kiểm tra, xử lý, tuyên truyền tập huấn, CATP Hà Nội luôn duy trì, thực hiện nghiêm túc công tác PCCC trong đầu tư xây dựng đối với các dự án, công trình; quy trình cấp giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm dễ gây cháy - nổ; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực PCCC; quy trình cấp giấy chứng nhận kiểm định phương tiện; công tác thẩm định, phê duyệt phương án chữa cháy, CNCH…