Phải nghiêm trị hành vi độc ác

ANTD.VN - Vụ “thuốc chữa ung thư” làm từ than tre bán tràn lan ở khắp các tỉnh, thành phố gây xôn xao dư luận còn chưa kịp lắng xuống, người tiêu dùng lại sốc nặng trước thông tin phát hiện cơ sở sản xuất "cà phê" nghi có trộn lẫn bột nghiền từ lõi pin Con Ó tại xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông.

Điều đáng sợ là chủ cơ sở khai đã bán ra thị trường (chủ yếu là tới các thành phố lớn) khoảng 3 tấn “cà phê” phế phẩm nghi trộn lẫn với bột lõi pin vô cùng độc hại này, chỉ trong 3 tháng đầu năm. Đó là chưa kể cơ sở này còn tồn hàng chục tấn “cà phê” tương tự trong kho.

Với quy mô sản xuất như vậy trong nhiều năm qua, không rõ bao nhiêu tấn “cà phê” độc hại đã từ cơ sở này chuyển tới các hàng quán, gia đình ở các thành phố và chảy vào bụng cả triệu người tiêu dùng? Rõ ràng, cơ sở này đã có hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm nhằm thu lợi bất chính lớn và gây tổn hại sức khỏe của người khác trên diện rộng trong thời gian dài. 

Một thực tế đau lòng trong những vụ việc như thế này là chính người Việt đã và đang đầu độc người Việt, từng ngày và tất cả chỉ vì tiền. Hết lần này tới lần khác, không chỉ là cảnh báo, các cơ quan quản lý, giám sát đều thừa nhận, vi phạm an toàn thực phẩm đã đến giới hạn đỏ, với quá nhiều vụ nghiêm trọng.

Bệnh tật đủ loại, trong đó có ung thư, như một hệ lụy tất yếu, tăng tỷ lệ thuận với những vụ “vượt đèn đỏ” như vậy. Sức khỏe của cộng đồng suy mòn; chất lượng giống nòi cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những hệ lụy đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế - xã hội do nạn sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm bẩn là không thể đo đếm và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Một khi tình trạng được đánh giá là đã vượt “giới hạn đỏ”, chúng ta cần những giải pháp khẩn cấp, đặc biệt và cả lâu dài để ngăn chặn, đưa nó trở về giới hạn an toàn. Một số địa phương trọng điểm đã lập cơ quan chuyên trách - Ban quản lý an toàn thực phẩm; thí điểm thanh tra an toàn thực phẩm tại quận huyện, xã phường…

Trong năm 2017, cả nước đã kiểm tra 625.060 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm (19,8%); xử phạt hành chính 35.759 cơ sở 61 tỷ đồng. Những con số có thể nói là ấn tượng nhưng dường như chưa làm chùn bước các đối tượng vi phạm.

Chế tài xử lý hình sự các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, gây nguy hại cho cộng đồng đã có thay đổi lớn với Bộ luật Hình sự sửa đổi (có hiệu lực thi hành từ 1-1-2018). Cơ quan hữu quan cho biết, với nhiều vụ vi phạm an toàn thực phẩm vừa qua, nếu căn cứ theo Bộ luật Hình sự sửa đổi thì đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm để khởi tố.

Dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng, tội vi phạm về an toàn thực phẩm rất khó chứng minh hậu quả, vì quả thật, thực phẩm bẩn ăn vào 5 - 10 năm sau mới sinh bệnh, mới ung thư. Thế nhưng, dù khó mấy cũng phải làm, phải xử lý thật nghiêm những vụ án điểm để răn đe những kẻ sẵn sàng vì lợi nhuận mà đầu độc đồng loại, đồng bào.