Triển khai chương trình phổ thông mới:

Phải giải bài toán thiếu giáo viên và quá tải trường lớp

ANTD.VN - Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai cuốn chiếu theo từng lớp, theo đó, từ năm học 2020-2021 sẽ áp dụng với lớp 1 trên toàn quốc. Năm học 2019-2020 được cho là thời điểm quan trọng trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai chương trình này.

Tăng cường trang thiết bị dạy học cho các nhà trường sẽ giúp các em học sinh có điều kiện tốt nhất để học tập - Ảnh: Lam Thanh

Lo lắng rơi vào giáo viên bộ môn 

Năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với học sinh lớp 1. Năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, 7 và 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, 8 và 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, 9 và 12. Như vậy, các trường học cả nước chỉ còn một năm học 2019-2020 để bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chương trình mới. 

“Các Phòng Giáo dục - Đào tạo phải phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc tham mưu UBND quận, huyện, thị xã thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học để bảo đảm quy mô trường lớp, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh. Ngoài ra, các đơn vị cần lưu ý tăng cường bổ sung trang thiết bị dạy học đối với lớp 1 để triển khai có chất lượng Chương trình Giáo dục phổ thông mới vào năm 2020-2021”.

Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng 

TS Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết, toàn quốc hiện có khoảng 400.000 giáo viên tiểu học, tỷ lệ giáo viên trên lớp bình quân cả nước đạt 1,42. Trong đó, số giáo viên chưa vào biên chế chiếm 15%, rơi vào nhóm dạy môn chuyên như Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc và Mỹ thuật. Điều này đặt ra thách thức cho công tác điều động giáo viên môn chuyên tham gia tập huấn chương trình phổ thông mới. Bởi tại một số huyện, việc điều động sẽ không bao gồm giáo viên chưa vào biên chế.

Bên cạnh đó, công tác tuyển chọn giáo viên cũng khá bức thiết khi nhiều nơi thiếu trầm trọng giáo viên các môn trước đây đang là tự chọn thì tới đây là bắt buộc như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật… Ngay tại Hà Nội, rà soát lại những hạn chế trong năm học 2018-2019, lãnh đạo Sở GD-ĐT chỉ ra tình trạng một số trường chưa có phòng tin học, thiếu giáo viên Tin học. Ngoài ra, công tác tập huấn cho giáo viên đảm bảo triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới cũng không đơn giản khi có một bộ phận giáo viên dưới chuẩn, giáo viên lớn tuổi khó đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Cần gấp rút khắc phục quá tải sĩ số lớp học

Tại Hà Nội, hiện có 764 trường tiểu học với gần 740.000 học sinh và 36.000 giáo viên. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt gần 95%. Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, năm học 2018-2019, công tác đầu tư cơ sở vật chất của các trường học được quan tâm triển khai; tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày tiếp tục tăng. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT Hà Nội thừa nhận một số đơn vị còn nhiều khó khăn, chậm tiến độ trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; một số trường còn thiếu phòng học, phòng chức năng; sĩ số học sinh/lớp ở một số nơi vượt quá quy định của Điều lệ trường tiểu học…

Sĩ số lớp học ở các thành phố lớn vẫn là thực trạng chưa giải quyết được và chắc chắn sẽ là trở ngại cho việc áp dụng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Được biết, năm học 2019-2020, sĩ số bình quân cả mước là 30 em/lớp. Tuy nhiên, một số địa phương, vùng trung tâm phát triển nóng, tăng dân số cơ học cao dẫn đến sĩ số học sinh cao như Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, TP.HCM… Áp lực sĩ số là có, tuy nhiên không phải cao đều mặt bằng chung mà chỉ tập trung ở một vài vùng cá biệt. Như vậy một số nơi vì áp lực tăng dân số cơ học mới gặp khó khăn này.

“Toàn quốc hiện có khoảng 400.000 giáo viên tiểu học, tỷ lệ giáo viên trên lớp bình quân cả nước đạt 1,42. Trong đó, số giáo viên chưa vào biên chế chiếm 15%, rơi vào nhóm dạy môn chuyên như Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc và Mỹ thuật. Điều này đặt ra thách thức cho công tác điều động giáo viên môn chuyên tham gia tập huấn chương trình phổ thông mới bởi tại một số huyện, việc điều động sẽ không bao gồm giáo viên chưa vào biên chế...”. 

Tiến sĩ Thái Văn Tài (Quyền Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục - Đào tạo)

Về lộ trình giải quyết, TS Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã tham mưu với Chính phủ có nhiều chính sách để phát triển giáo dục đối với những vùng này ngay từ bậc mầm non. Cụ thể, yêu cầu các tập đoàn kinh tế, khu công nghiệp phải chuẩn bị đầy đủ trường lớp để đáp ứng nhu cầu học tập của con em công nhân. Bộ cũng yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền việc phân tuyến tuyển sinh để khắc phục bước đầu áp lực sĩ số. Ngoài ra, chỉ đạo các địa phương tận dụng tối đa và dành các cơ sở vật chất hiện có để ưu tiên đủ lớp học cho học sinh. Thậm chí những trường trong diện này cần ưu tiên toàn bộ các phòng hành chính hoặc dồn lại để làm sao có phòng học cho học sinh.

Tại Hà Nội, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm học 2019-2020 được Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh là việc các phòng GD-ĐT tích cực tham mưu UBND quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp và tăng cường trang thiết bị dạy học cho các nhà trường, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới đối với học sinh lớp 1 vào năm học 2020-2021.