- Phát hiện hàng loạt sai phạm tại công ty đa cấp Người lái xe mặt trời Việt Nam, phạt 370 triệu đồng
- Ham kinh doanh qua mạng, nữ cán bộ y tế lừa đảo tiền tỷ
- Nhiều nước đóng cửa biên giới, hội buôn "hàng xách tay" như "ngồi trên đống lửa"

PGS.TS Trần Văn Ơn chia sẻ với báo chí
Bức xúc trước việc bị một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình ảnh và các công trình nghiên cứu khoa học của mình để đưa lên nhiều trang mạng xã hội/website bán hàng liên quan đến thực phẩm chức năng hay sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, PGS.TS Trần Văn Ơn vừa có những trải lòng để mong báo chí giúp ông cảnh báo đến người tiêu dùng.
“Tôi chỉ là một nhà nghiên cứu về thực vật, không phải bác sĩ, nhưng gần đây tuần nào cũng có vài người gọi điện hỏi về thuốc chữa bệnh tiểu đường. Có lần đi dự hội thảo khoa học, một người đến gặp tôi và góp ý “Thầy phải xem lại đi chứ sao có thể nói chữa khỏi hẳn được bệnh tiểu đường”. Tôi ớ người ra không hiểu vì sao, vì mình chưa bao giờ phát ngôn về việc chữa được bệnh tiểu đường” – PGS Trần Văn Ơn mở đầu.
Sau khi biết nguồn cơn xuất phát từ các dòng quảng cáo tràn ngập trên mạng xã hội, một số trang web bán thực phẩm chức năng, PGS.TS Trần Văn Ơn kiểm tra lại thì phát hiện thấy có hàng chục fanpage, website đăng thông tin, hình ảnh, rồi nhiều clip các bài phát biểu của ông đã bị cắt ghép thay đổi hoàn toàn nội dung, thậm chí nhiều địa chỉ facebook dùng đúng tên và ảnh đại diện của ông.
Vị giảng viên Đại học Dược Hà Nội khẳng định, ông không bán trực tiếp bất kỳ sản phẩm thực phẩm chức năng hay tư vấn gì liên quan đến điều trị bệnh tiểu đường mà chỉ là nhà nghiên cứu về thực vật và có công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố về tác dụng dược lý của cây Dây thìa canh đối với bệnh tiểu đường.
“Năm 2006, tôi là trưởng nhóm nghiên cứu của Đại học Dược Hà Nội triển khai đề tài khoa học cấp Bộ về: “Sàng lọc dược liệu và bài thuốc chữa bệnh đái tháo đường”, năm 2014 có tham gia vào đề tài khoa học cấp Bộ khác là công trình: “Nghiên cứu tác dụng hạ đường huyết và tạo ra chế phẩm DKBetics từ cây Dây thìa canh lá to”.
Qua đó đã chứng minh công dụng của cây Dây thìa canh lá to trong việc hỗ trợ điều trị đối với người bệnh tiểu đường. Thế nhưng trên các trang mạng mạo danh lại quảng cáo là tôi nói bệnh tiểu đường chữa khỏi được. Điều này vô cùng phản khoa học” – PGS.TS Trần Văn Ơn nói.

PGS.TS Trần Văn ơn dẫn chứng một fanpage giả mạo danh tính của ông
Đáng chú ý, hầu hết trang web, fanpage sử dụng hình ảnh, công trình nghiên cứu khoa học về cây thìa canh của PGS Trần Văn Ơn kể trên để quảng cáo bán thực phẩm chức năng, nhất là những sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường mà không được sự đồng ý của tác giả hay cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
“Là nhà khoa học, tôi không chỉ bức xức về việc bị lợi dụng uy tín mà sợ nhất là các cá nhân, tổ chức lợi dụng đó để bán những sản phẩm không được kiểm soát về chất lượng, thậm chí không đảm bảo an toàn…. Nếu sử dụng những sản phẩm này thì biến chứng sẽ khôn lường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh” – PGS.TS Trần Văn Ơn nói.
Được biết, liên quan đến công trình nghiên cứu Dây thìa canh lá to có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh đái tháo đường, năm 2019, PGS.TS Trần Văn Ơn đã chuyển giao đề tài và vùng trồng nguyên liệu cây Dây thìa canh lá to cho Công ty CP Dược khoa (DKPharma) sản xuất chế phẩm hạ đường huyết.
Cuối cùng, PGS.TS Trần Văn Ơn tái khẳng định, ông chỉ có một tài khoản facebook duy nhất mang tên “Thầy Trần Văn Ơn”. Còn lại các tài khoản facebook khác như “PGS Trần Văn Ơn”; “GS.TSKH Trần Văn Ơn”… đều là giả mạo. Vì thế, ông mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý những trang mạng/web giả mạo trên và cảnh báo tới người tiêu dùng để không bị lừa đảo.