PGS.TS Chu Cẩm Thơ: Cần học Toán thống kê, xác suất từ bé chứ không phải đợi đến đại học

ANTD.VN - “Hiện nay, chúng ta cần chú trọng ứng dụng toán học trong thực tế thay vì chỉ thiên về dạy và học lý thuyết phức tạp” – PGS.TS Chu Cẩm Thơ nhấn mạnh trong việc cần thiết đưa toán thống kê, xác suất vào chương trình toán từ lớp 2.

Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, người sáng lập ra Toán tư duy POMath, nếu dạy và học đúng kiến thức toán học phổ thông thì không có gì quá phức tạp. Tuy nhiên, lâu nay rất nhiều người kêu toán khó, sợ toán vì khi đi học “va” phải những bài học được tạo ra bởi sự khai thác quá sâu các “mẹo”, đòi hỏi người học những kỹ năng biến đổi sơ cấp, mà lại áp đặt tất cả người học phải theo.

Đây cũng là lý do mà nhiều người lập tức phản ứng, lo ngại người về việc dạy toán thống kê, xác suất từ lớp 2 bởi sự thiếu tự tin hoặc thiếu trải nghiệm về những bài học như vậy. 

Giải thích về việc đưa toán thống kê, xác suất và chương trình phổ thông mới từ lớp 2, TS Chu Cẩm Thơ thông tin: "Dạy xác suất thống kê từ lớp 2 không phải tôi dạy kiến thức về xác suất thống kê, mà chúng tôi chỉ giúp các em tiếp cận với điều này thông qua các cơ hội để các em làm quen với kỹ năng như: liệt kê, phân loại, sắp xếp, hoặc đọc một biểu đồ tranh, hoặc được trải nghiệm và trang bị những kiến thức cơ bản để hiểu cái này chắc chắn xảy ra, cái kia có cơ hội xảy ra nhiều hơn; cái kia không thể xảy ra".

Học sinh sẽ hứng thú hơn với những bài toán được lấy từ thực tế

TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, việc học các dạng đơn giản trong toán thống kê, xác suất giúp học sinh phổ thông sớm có kỹ năng về tổng hợp, phân loại, sắp xếp là điều cần thiết thay vì trước đây phải đợi đến khi lên các bậc học cao hơn như THPT, ĐH mới học đến nội dung này.

Trước thông tin giáo viên cũng kêu khó khi biết sẽ phải dạy toán thống kê, xác suất, TS Chu Cẩm Thơ cho rằng trẻ em lớp 2 học được thì chắc chắn giáo viên có thể làm được. Chỉ có điều, giáo viên phải bỏ “nỗi sợ”, mạnh dạn thay đổi, cung cấp thêm cho học sinh những ví dụ sinh động của cuộc sống để các em được trải nghiệm một cách dễ dàng và gần gũi. Khi đó, học sinh sẽ rất thích nội dung này trong môn toán.

Đánh giá này đã được TS Chu Cẩm Thơ rút ra từ thực tế trong quá trình đưa toán tư duy POMath vào hệ thống hơn 30 trường mẫu giáo, tiểu học và THCS tại Hà Nội và 9 trung tâm dạy học trong gần 10 năm qua.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, việc học toán nói chung cần để trẻ thu thập, tự tạo lập kiến thức một cách tự nhiên, thông qua các tình huống thực tế. Học sinh trải nghiệm các tình huống, mô hình toán học, trò chơi trí tuệ, hoạt động ứng dụng giúp hình thành phản xạ và năng lực tư duy với toán học.

Học qua trải nghiệm giúp học sinh không những có năng lực thực hiện mà còn có những trải nghiệm về cảm xúc, ý chí, và nhiều trạng thái tâm lý tích cực.  

Đây là chương trình phát triển tư duy cho người học thông qua môn toán khiến trẻ em nhận rõ môn toán được ứng dụng thực tế như thế nào thay vì chỉ học lý thuyết hay luyện tập các kỹ năng giải toán một cách thụ động. Được biết, chương trinhg toán POMath đã có hơn 12.000 lượt học sinh tham gia với gần 45.000 tiết học.