PGS Văn Như Cương nói về người thanh niên quỳ gối xin việc: "Đừng ăn vạ xã hội"

ANTĐ - “Anh phải tự xoay xở, tự lo cho bản thân mình, chứ đừng “ăn vạ” và đổ lỗi cho xã hội” - PGS.TS Văn Như Cương thẳng thắn bày tỏ quan điểm khi thấy hình ảnh người thanh niên 23 tuổi quỳ gối ngoài đường, đeo bảng để xin việc.

 PGS Văn Như Cương nói về người thanh niên quỳ gối xin việc: "Đừng ăn vạ xã hội" ảnh 1

             PGS Văn Như Cương không ủng hộ cách xin việc của nam thanh niên quỳ gối                  (Ảnh: Kim Ngân)

- PV: Một thanh niên 23 tuổi, quỳ gối trước cổng Đài Truyền hình Việt Nam, đeo bảng ghi dòng chữ: “Tôi ở xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Xin làm ơn hãy cho tôi có việc làm là nhân viên bán hàng. Mong nhà tuyển dụng giúp đỡ tôi”, đã khiến dư luận có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Người ủng hộ cho rằng, anh ta cực chẳng đã mới chọn cách như vậy. Không ít người lại lên án đó là việc làm đáng xấu hổ. Còn quan điểm của PGS thì sao?

- PGS.TS Văn Như Cương: Cách xin việc đó chỉ đạt được mục đích là gây chú ý dư luận chứ không mang lại hiệu quả, thậm chí còn tồi tệ hơn theo cách xin việc thông thường: tìm kiếm nhà tuyển dụng, nộp đơn, trải qua vòng kiểm tra, đánh giá, thử việc… Muốn có một công việc, ai cũng phải trải qua các bước đó. Tôi thấy ngạc nhiên, buồn cười vì điều không bình thường ấy. Tôi hoàn toàn không ủng hộ và cho rằng anh chàng này thiếu hiểu biết.

- Nếu ông là người tuyển dụng, ông có sẵn sàng nhận anh này về làm không?

- Tôi sẽ chỉ nhận người này làm lao động chân tay thuê theo giờ, chứ không phải làm công ăn lương tháng. Tất nhiên là tôi phải xem xét sức khỏe, khả năng của anh ta.

 

- Liệu có nên cứ thất nghiệp là ra đứng đường đeo biển xin việc không, thưa PGS?

- Nếu đói, bạn có thể ngửa tay xin tiền người đi đường để có vài chục nghìn, mua cơm ăn cho no bụng. Nhưng nếu ra đường quỳ gối xin việc thì chắc chắn là không được. Trước có trường hợp tương tự, một thanh niên Bắc Ninh đeo biển mong muốn kiếm việc làm để có tiền mua sữa cho con ở gầm một cầu vượt giao thông có mật độ đông người qua lại. Chúng ta cần phải lên án hành động đó, đừng để thành phong trào cứ khó khăn là ra đường cầu xin sự nhân từ của người khác. Tôi thấy chẳng hay ho gì cả. Cậu thanh niên 23 tuổi này không có việc làm, nhưng hàng nghìn cử nhân tốt nghiệp đại học cũng thất nghiệp kia kìa. 

- Vậy theo ông họ thiếu điều gì? Tri thức, kỹ năng hay tiền? Lời khuyên của ông dành cho chàng trai đó là gì?

- Có lẽ, đối với người thanh niên này, “hóng việc” là đơn giản, nhàn hạ.  Thực tế, muốn kiếm được cái ăn thì phải vất vả và trải qua nhiều khó khăn. Tôi đang thắc mắc, dù không có bằng cấp nhưng anh này có thể kiếm cơm trên mảnh đất, khoảnh vườn của mình. Có nhiều người làm giàu trên mảnh ruộng bằng cách cần mẫn, kiên trì và cải tiến đấy thôi. 

Còn nếu anh lười thì đừng mong muốn người khác tìm việc cho. Hãy làm công việc cơ bản, lao động chân tay như bốc vác, bơm vá xe đạp, bảo vệ, phục vụ bàn… Người bố già vẫn bơm vá xe để nuôi con ăn học; người mẹ gánh rau ra chợ sớm để cho con sữa cơ mà… Huống chi, anh chàng ấy là người trẻ, to khỏe như thế. Anh phải tự xoay xở, tự lo cho bản thân mình, chứ đừng “ăn vạ” và đổ lỗi cho xã hội.

 PGS Văn Như Cương nói về người thanh niên quỳ gối xin việc: "Đừng ăn vạ xã hội" ảnh 2

Hình ảnh nam thanh niên vừa quỳ gối vừa cầm bảng xin việc

- Thực tế là nhiều người trẻ thiếu kỹ năng, vậy ngay trên ghế nhà trường, chúng ta cần chú trọng giáo dục điều gì, đặc biệt lứa tuổi trung học phổ thông, thưa PGS?

- Ở nước ta, nhiều trẻ em từ 15-16 tuổi đã phải lao động: bán vé số, bán báo, đánh giày, bưng bê trong nhà hàng, lên nương, ra đồng làm rẫy… Vấn đề lớn của giáo dục là làm sao tất cả trẻ đều được học hết bậc THPT, chứ không phải lao động kiếm tiền khi chưa đủ sức khỏe, hiểu biết.

Trẻ cần được giáo dục những kỹ năng cần thiết để khi ra xã hội, chúng thích nghi được. Một học sinh cấp 2, cấp 3 không biết cầm chổi quét nhà, không tự giặt được quần áo, thậm chí không tự phục vụ bản thân là kém tự lập đấy… Các bậc cha mẹ hãy dạy con biết lao động, tôn trọng công sức của người lao động. Tôi thấy, nhiều gia đình nuông chiều và không biết cách giáo dục con tham gia lao động. Dạy trẻ lao động là điều cơ bản nhất, không có lao động thì không có sáng tạo. Tôi rất lo lắng vấn đề này, hãy để cho con em chúng ta có ý thức và kỹ năng lao động ngay từ nhỏ. 

Nhà trường không chỉ giáo dục tri thức, nhân cách mà còn phải giáo dục trẻ ý thức lao động. Ngày xưa, học sinh phải trực nhật, trồng cây, lao động công ích đường làng, ngõ xóm, tham gia gặt lúa cho người nông dân… Nhưng chương trình giáo dục hiện nay thì không hề có, trẻ chẳng lao động gì cả. 

Ở trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, vào dịp cuối năm, chúng tôi cùng học sinh tham gia gói bánh chưng để trao tặng cho những người khó khăn, trẻ em nghèo. Hãy cho trẻ lao động từ khi còn nhỏ, bởi nếu không đào tạo con người lao động thì chúng ta sẽ không có việc làm.

Thầy giáo Lại Tiến Minh (giảng viên ĐH Kiến trúc, hà nội): “Có thể do trình độ nhận thức hay vấn đề tâm lý”

“Tôi không ủng hộ hành động của bạn trẻ này. Trong xã hội ngày nay có rất nhiều cơ hội tìm việc làm nhất là ở các thành phố lớn. Những công việc không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng như bán hàng thì không hề khó tìm. Hành động của bạn trẻ này tuy không đáng xấu hổ, không phạm pháp, hay trái lương tâm nhưng điều đó thể hiện sự kém cỏi, không có năng lực hoặc không tự tin vào chính mình.

Việc quỳ gối xin việc có thể xuất phát từ nhiều lý do: trình độ nhận thức hay vấn đề tâm lý. Có thể bạn này đang có một sang chấn tâm lý hoặc khủng hoảng dẫn đến sự bế tắc, bất lực nên mới cầu xin mọi người. Tuy nhiên, nếu nhận thức và kỹ năng kém cỏi, với sức dài vai rộng, chắc chắn bạn không khó để có được một công việc như bốc vác, bán hàng, bảo vệ…

Nếu là nhà tuyển dụng, tôi sẽ cân nhắc để bạn có một cơ hội thử thách. Nếu bạn có tính trung thực, chịu khó, tôi sẽ sắp xếp một công việc như vận chuyển hàng, sau đó nếu làm tốt, bạn có thể trở thành người bán hàng. 

Vì vậy, tôi có lời khuyên cho các bạn trẻ: Kỹ năng thực sự rất quan trọng và bạn có thể học hỏi, rèn luyện được. Nhưng tính chịu khó, ý chí phấn đấu và sự trung thực mới giúp bạn vượt qua khó khăn và nhận được đánh giá cao của nhà tuyển dụng”.