Paracetamol - những điều không phải ai cũng biết

ANTĐ - Paracetamol đã được đưa vào sử dụng khoảng hơn một thế kỷ nay và là thành phần của nhiều loại thuốc không cần kê đơn. Chúng ta sử dụng nó  khi bị nhức đầu, hạ sốt và giảm đau nhưng nhiều người vẫn mù mờ về dược phẩm quan trọng này.

Paracetamol - những điều không phải ai cũng  biết ảnh 1

Tác dụng nhanh và đắt tiền - không tốt hơn

Một số nhãn thuốc paracetamol bán trên thị trường được quảng cáo là giảm đau nhanh hơn nhưng có rất ít bằng chứng về mặt y học  chứng minh điều này. Hiệu quả của bất kỳ thuốc nào cũng cần có một thời gian tối thiểu, và thời gian đó trung bình khoảng 3 phút. Ngoài hiểu lầm về thuốc có tác dụng nhanh, chúng ta dường như tin vào một điều: Cứ nhãn hiệu đắt tiền là thuốc có hiệu quả tốt hơn. Thực chất, những dòng thuốc có thương hiệu bán chạy hơn so với một số thuốc rẻ hơn đều chứa các thành phần hoạt chất giống nhau. Cùng một liều lượng, các thành phần hoạt chất sẽ có tác dụng như nhau. Cũng là thành phần ấy nhưng tên thuốc khác nhau là do thành phần tá dược khác nhau, mà tá dược là những “chất độn” hoặc nguyên liệu giúp kéo dài tuổi thọ của thuốc.

Paracetamol không giảm đau cụ thể

Có người nghĩ rằng đau ở lưng, cổ hay khớp xương thì mỗi bộ phận cần điều trị bằng loại thuốc giảm đau riêng. Những người tiếp thị sản phẩm có thể quảng cáo điều này nhưng không phải, với paracetamol - thuốc làm giảm đau khắp cơ thể, tấn công bất cứ loại cảm giác đau đớn nào mà  chúng ta gặp phải. 

Không phải là thuốc chữa mọi kiểu đau

Nếu bạn bị đau răng, đau đầu hay bị đau do vết thương nhỏ, paracetamol sẽ có tác dụng rất rõ. Nhưng đối với bong gân hay gãy xương, ibuprofen (một loại thuốc giảm đau không cần kê đơn) có thể là một lựa chọn tốt hơn. Có thể chỉ ra một trường hợp khác, nếu đau bụng hành kinh thì dùng ibuprofen hoặc một loại thuốc chống viêm nào đó sẽ hiệu quả hơn      paracetamol. Vì tác dụng chống viêm của paracetamol rất ít nên nếu đau lưng hoặc viêm khớp, uống paracetamol để giảm đau sẽ không hiệu quả.

Nguy hiểm cho trẻ em khi dùng quá liều

Đôi khi người bán hàng kết hợp paracetamol với những loại thuốc khác nếu bạn hỏi mua thuốc làm giảm các triệu chứng của cảm lạnh và cúm. Vì vậy, chúng ta có thể vô tình uống quá liều paracetamol nếu không xem kỹ thành phần thuốc.

Paracetamol là một loại thuốc rất an toàn nếu uống đúng liều lượng, nhưng nếu uống quá liều, nó có thể nguy hiểm hơn so với nhiều loại thuốc giảm đau không cần kê đơn khác. Tác hại của việc vượt quá liều lượng tối đa hàng ngày là gan bị tổn thương, nhưng thường sau khoảng 2-3 ngày uống thuốc mới có biểu hiện ra ngoài. Dấu hiệu của paracetamol quá liều bao gồm buồn ngủ, hôn mê, co giật, đau bụng, buồn nôn và ói mửa. Vì thế, nếu phát hiệu uống paracetamol quá liều, tìm cách điều trị ngay lập tức, ngay cả khi người bệnh có vẻ khá tốt.

Đáng chú ý, dùng  paracetamol quá liều là nguyên nhân hàng đầu gây suy gan ở trẻ em tại Australia và New Zealand. Hậu quả này thường là chỉ do một lần duy nhất dùng quá liều     paracetamol hoặc một thời gian dài dùng lượng thuốc hơi cao so với mức cho phép. Dù người lớn hay trẻ con, bất kể trọng lượng nào, liều dùng tối đa là 4 gram (hoặc 4.000 mg) paracetamol một ngày.

Không nên tùy tiện điều trị sốt

Paracetamol là thuốc giảm sốt rất hiệu quả nhưng các chuyên gia y tế khuyến cáo, không nhất thiết lúc nào cũng phải giảm sốt. Trong thực tế, có một số bằng chứng cho thấy thuốc giảm đau hạ sốt thực sự cản trở sự phục hồi của cơ thể khi bị nhiễm trùng, nguyên nhân thông thường của các cơn sốt. Vì vậy, các chuyên gia khuyên rằng, đặc biệt là với trẻ em, chỉ nên dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ trên 38,5 độ (đo qua nách) và người bệnh thấy khó chịu vì nhức đầu hoặc cảm thấy bứt rứt, khổ sở. Lưu ý, không nên dùng paracetamol cho trẻ dưới 3 tháng tuổi hoặc ibuprofen cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.