Ốp điện thoại iPhone và Xiaomi chứa chất gây ung thư

ANTD.VN - Hiệp hội Người tiêu dùng Thâm Quyến, Trung Quốc (SCC) mới đây đã tiến hành kiểm tra và phát hiện ốp điện thoại từ một số hãng phổ biến có chứa chất gây ung thư, đe dọa sức khỏe người dùng. 

Ốp điện thoại iPhone và Xiaomi chứa chất gây ung thư ảnh 1Giới trẻ Trung Quốc có xu hướng sử dụng các mẫu ốp lưng bắt mắt mà không để ý đến nguy cơ độc hại

Nguy cơ nhiễm bệnh từ ốp điện thoại

Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Tiêu dùng thành phố Thâm Quyến (SICQ) thuộc Hiệp hội Người tiêu dùng Thâm Quyến đã tiến hành thử nghiệm trên 30 mẫu ốp lưng từ 28 thương hiệu điện thoại phổ biến dựa trên các tiêu chuẩn an toàn của châu Âu. Trong số 30 chiếc ốp lưng được kiểm tra, 7 chiếc dùng cho sản phẩm của 5 hãng điện thoại lớn là Apple, Xiaomi, Yuening, Tiya và Q-Guo đã không đáp ứng các tiêu chí đề ra. Những chiếc ốp điện thoại này chứa hàm lượng hóa chất độc hại vượt quá giới hạn cho phép. 

CGTN (Mạng Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc) đưa tin những chiếc ốp iPhone được thử nghiệm có chứa tỷ lệ hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs) cao hơn 47 lần so với mức cho phép. Đây là loại hóa chất độc hại có khả năng gây ra một số bệnh nguy hiểm như ung thư da, phổi, bàng quang, gan và ung thư dạ dày. Trong khi đó, các vỏ điện thoại của hãng Xiaomi lại chứa chất phụ gia làm dẻo cao hơn 17% so với tiêu chuẩn, có thể dẫn đến dị tật thai nhi và làm giảm khả năng sinh sản. Đặc biệt, các mẫu ốp lưng điện thoại đính kim cương giả và bột lấp lánh vốn được giới trẻ ưa chuộng có lượng chì cao gấp 1.550 lần mức độ cho phép.

Điều đáng lo ngại là ốp điện thoại của cả Apple và Xiaomi đều được bán trực tiếp trên các trang bán hàng trực tuyến chính thức của hai hãng này. 

Phản hồi chính thức về vụ việc

Sau khi kết quả điều tra được công bố, Xiaomi đã lên tiếng phản đối, cho rằng tiêu chuẩn an toàn mà Hiệp hội Người tiêu dùng Thâm Quyến sử dụng là không phù hợp, bởi đó là tiêu chuẩn thử nghiệm tập trung vào các sản phẩm cho trẻ em. 

Hãng công nghệ lớn nhất nhì Trung Quốc nói thêm rằng họ sử dụng các tiêu chuẩn chuyên biệt với ốp điện thoại và áp dụng những nguyên tắc khắt khe trong khâu sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Công ty này khẳng định: “Ốp Xiaomi tuyệt đối an toàn với người sử dụng”.

Tuy nhiên, Hiệp hội Người tiêu dùng Thâm Quyến quyết định vẫn sử dụng tiêu chuẩn an toàn này vì họ cho rằng trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, thường cắn những chiếc vỏ điện thoại mà người lớn ở xung quanh chúng sử dụng, nên sản phẩm này đòi hỏi phải đáp ứng tiêu chí an toàn cao hơn.

Đây không phải lần đầu tiên những chiếc ốp lưng điện thoại iPhone bị phát hiện chứa các hóa chất độc hại. Trước đó, một số mẫu ốp kim tuyến nước của iPhone cũng được cho là chứa chất lỏng gây kích ứng da và bỏng hóa chất. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Apple vẫn chưa có bất kỳ phản hồi chính thức nào về vụ việc. 

Theo Hiệp hội Người tiêu dùng Thâm Quyến, khoảng 75% trong số 1,42 tỷ người dùng điện thoại di động Trung Quốc sử dụng và có xu hướng thay đổi ốp lưng thường xuyên. Trong số đó, người sử dụng iPhone, Huawei và Samsung có tỷ lệ mua ốp cao nhất. Gần 70% số ốp điện thoại di động bán ở Trung Quốc được sản xuất tại Thâm Quyến. Hầu hết người tiêu dùng chọn mua các hộp điện thoại di động trực tuyến, với gần 90% trong số họ mua các loại ốp có giá dưới 50NDT (khoảng 180.000VNĐ).