Ô nhiễm không khí ở TP.HCM "vượt" Hà Nội

ANTD.VN - Trong khi chất lượng không khí tại Hà Nội được cải thiện vào những ngày đầu tuần thì tại TP.HCM lại đang có xu hướng ngược lại. 

Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội thông tin, trong 24h qua, chỉ số chất lượng không khí ngày tại 10 trạm quan trắc tại Hà Nội cho thấy, chất lượng không khí trong ngày tại các trạm quan trắc tự động trên địa bàn thành phố Hà Nội đa phần ở mức “trung bình”.

Với điều kiện chất lượng không khí như hôm qua và hôm nay, 7/1/2020, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội khuyến cáo, những người nhạy cảm (người già, trẻ em, người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch…) có thể chịu những tác động nhất định.

Do đó, khi tham gia giao thông mọi người cần tuân thủ triệt để luật giao thông để hạn chế ùn tắc đường; Các khu vực ngoại thành, người dân cần hạn chế đốt rác và phụ phẩm nông nghiệp.

Chất lượng không khí tại Hà Nội đã được cải thiện đáng kể những ngày đầu tuần

Trong khi chất lượng không khí tại Hà Nội được cải thiện vào những ngày đầu tuần thì tại TP.HCM chất lượng không khí lại đang suy giảm. Từ hôm qua đến hôm nay, TP.HCM mù sương. Trên ứng dụng Air Visual ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (chỉ số AQI) ở TP.HCM ở mức xấu (mức màu đỏ - không tốt cho sức khỏe con người).

Chỉ số AQI trung bình tại TP.HCM vào lúc 7h sáng qua, 6/1 là 177, gần đạt tới ngưỡng màu tím - nguy hại cho sức khỏe. Đa số các trạm đo đều hiển thị mức chỉ số chất lượng không khí màu đỏ, chỉ một số điểm hiển thị màu cam - không tốt với đối tượng nhạy cảm. Cá biệt, khu vực ấp Xuân Thới Đông 2 (Hóc Môn), chỉ số chất lượng không khí cực xấu, AQI = 231, chạm ngưỡng màu tím.

Trong khi đó, cũng vào thời điểm trên tại Hà Nội, 7/10 trạm ở mức trung bình, chỉ có 3/10 trạm có kết quả kém. Tuy vậy, chỉ số cao nhất cũng chỉ là 111 tại trạm Hàng  Đậu và Minh Khai. Trong đó, khu vực Hàng Đậu thường xuyên có mật độ giao thông đông đúc, còn khu vực Minh Khai đang xây dựng dự án đường vành đai 2 trên cao và  dưới thấp.

Với kết quả đo lường này, TP.HCM đã vượt Hà Nội trên bảng xếp hạng những thành phố ô nhiễm nhất toàn cầu (theo Air Visual), đứng vị trí thứ 7.

Trong nửa cuối năm 2019, người dân TP.HCM phải đối mặt với nhiều đợt không khí ô nhiễm nghiêm trọng. Theo kết quả khảo sát, đo đạc các nguồn phát thải do Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí thực hiện, ô nhiễm không khí tại TP.HCM đến từ 3 nguồn chính: Nguồn giao thông chiếm khoảng 50%, nguồn diện (hoạt động từ các hộ gia đình, nhà hàng, quán ăn, nông nghiệp, công trình xây dựng...) chiếm khoảng 30%, còn lại là nguồn điểm (hoạt động công nghiệp, bệnh viện, khách sạn).