Ở một nơi ấm áp tình người

ANTD.VN - Đối với mỗi người Việt, Tết là dịp tạm gác mọi công việc, để tận hưởng không khí sum họp gia đình, là thời khắc thiêng liêng, để thắp nén tâm hương tri ân tổ tiên. Thế nhưng, đối với những người “áo sọc” thì đó lại là một ước mơ xa vời. Bởi lẽ họ đang phải trả giá cho những lầm lỡ của mình. 

Mỗi một cái Tết trôi qua, quãng thời gian ở tù lại được rút ngắn xuống. Vào thời khắc Giao thừa thiêng liêng, lời nguyện cầu duy nhất của họ - những phạm nhân đó chính là ước mong đến ngày hoàn lương...

Trong cái giá lạnh của những ngày cuối năm, các cán bộ của Trại tạm giam số 2 - Công an thành phố Hà Nội tất bật chuẩn bị cho những can, phạm nhân đón Tết Nguyên đán. Những ngày này, họ càng phải vất vả bởi trong thời điểm sắp bước sang một năm mới rất dễ xảy ra bất ổn với phạm nhân. “Tết về, phạm nhân thường day dứt, nhớ nhà, chỉ cần một câu nói bâng quơ cũng dễ phát sinh mâu thuẫn. Vì thế, những ngày 30, mùng Một Tết, cán bộ quản giáo phải trực đảm bảo 100% quân số”, Thượng tá Phạm Văn Hân, Giám thị Trại tạm giam số 2 - CATP Hà Nội cho biết. 

Nhớ lại những ngày cận Tết, Thượng tá Phạm Văn Hân chia sẻ, các CBCS trong đơn vị đều phải tạm gác lại niềm vui, hạnh phúc bên gia đình, dành nhiều thời gian để quản lý, giáo dục, chăm lo cho đời sống của phạm nhân trong trại. Nói đến đây, giọng của Thượng tá Phạm Văn Hân trầm xuống: “Tính đến hôm nay, tôi được 30 năm đón Tết trong trại giam”. 

Ở một nơi ấm áp tình người ảnh 1Các CBCS đều phải tạm gác lại niềm vui, hạnh phúc bên gia đình, dành thời gian để quản lý, giáo dục phạm nhân trong trại

Nhiều xúc cảm sau tấm song sắt

Ghé vào dãy nhà các phòng giam, mỗi người một việc, tất cả phạm nhân đều tất bật cùng các cán bộ hoàn thành nốt những phần việc của mình để chạy đua với thời gian. Khi chúng tôi có mặt tại hội trường thì đội văn nghệ của Trại cũng đang tất bật chuẩn bị cho chương trình “Chào Xuân 2019” dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 26 Tết. 

Vừa tập xong tiết mục của mình, phạm nhân Vũ Quang chia sẻ: “Cảm xúc của tôi đang rất vui bởi được phục vụ cho phân trại, cũng như anh em phạm nhân, đem lời ca tiếng hát là món ăn tinh thần không thể thiếu để đón một mùa xuân Kỷ Hợi. Tuy tôi có chút buồn vì không được về nhưng sẽ là động lực để phấn đấu cải tạo tốt”.

Cùng tâm trạng, phạm nhân Nguyễn Đăng Tiến vừa dán pano vừa cười nói vui vẻ: “Còn ít ngày nữa là đến Tết, phạm nhân trong phân trại rất náo nức đón Tết. Chúng tôi chuẩn bị pano, áp phích, còn được giám thị trang bị cành đào, cây quất và các loại hoa. Chỉ có một cái khác là không được gần gũi người thân và gia đình. Còn mọi điều kiện cơ sở vật chất, sinh hoạt, ăn uống và không khí nói chung không khác ở gia đình. Chúng tôi rất được quan tâm và cảm thấy ấm cúng như đón Tết ở nhà”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có tâm trạng vui vẻ, hòa đồng cùng mọi người. Tết đến, xuân về mỗi người một nỗi niềm. Bởi lẽ mỗi phạm nhân mang một bản án khác nhau, song cùng chung một nghịch cảnh là đếm ngược thời gian cho đến ngày được mãn hạn tù. Gương mặt phạm nhân Phạm Thị Hiền như chùng xuống khi chúng tôi nhắc đến từ Tết. “Thời điểm này, tôi nhớ nhất là bố mẹ tôi và con gái vì bố mẹ cũng tuổi già sức yếu rồi bệnh tật mà còn phải nuôi con cho tôi. Vì thế, tôi rất hối hận vì không thể chăm lo cho bố mẹ và con gái vào những ngày Tết này”, phạm nhân Phạm Thị Hiền xúc động nói. 

Khác với phạm nhân Phạm Thị Hiền, năm nay là Tết thứ hai phạm nhân Hoàng Thị Trà không được bên gia đình. Khi thấy các phạm nhân chuẩn bị đồ đón Tết thì Trà bật khóc nức nở: “Mỗi lần đến Tết, tôi cảm thấy rất nhớ nhà và ân hận về những tội lỗi của mình. Hiện tại, bố mẹ tôi còn đang nuôi 2 con của tôi nên tôi mong cải tạo tốt nhận được sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước để sớm về phụng dưỡng cha mẹ, nuôi các con tôi”. 

Dùng tình người để cảm hóa phạm nhân

Hỏi về chuyện tổ chức cho phạm nhân đón Tết Nguyên đán, Thượng tá Nguyễn Xuân Nam, Phó Giám thị cho biết: Tết Nguyên đán, trại sẽ tổ chức cho phạm nhân vui chơi thể thao, đánh cờ và chương trình ca nhạc tự biên tự diễn. Riêng Tết Nguyên đán năm nay, trại quyết định trích quỹ để thăm hỏi, động viên những phạm nhân ốm đau, có hoàn cảnh khó khăn, không gia đình... Đặc biệt riêng về suất ăn dành cho phạm nhân ngày Tết cũng được gấp 5 lần ngày thường. Mỗi phạm nhân sẽ có đầy đủ hương vị ngày Tết như: bánh chưng, giò lụa, thịt lợn, bánh quy…”. 

Để chuẩn bị đón Tết cổ truyền, các cán bộ quản giáo và phạm nhân tất bật dọn dẹp vệ sinh, cắt tỉa cây cảnh, chuẩn bị lương thực, thực phẩm như một đại gia đình. Bên cạnh đó, các cán bộ, chiến sỹ trại giam còn tham gia gói bánh chưng cùng với phạm nhân, tạo không khí ấm cúng, giúp họ vơi bớt nỗi nhớ nhà, những mặc cảm tội lỗi của mình. Vào thời khắc Giao thừa, trại chuẩn bị cho mỗi phạm nhân 1 túi quà, các phân trại đều tổ chức cho phạm nhân xem tivi, nghe thư chúc Tết của Chủ tịch nước. Ban Giám thị trại giam còn đi đến từng buồng để chúc Tết, động viên tạo tâm lý được quan tâm cho phạm nhân. 

Chăm lo một cái Tết ấm áp ở những nơi đặc biệt này cũng là một trong những cách thức cảm hóa, giáo dục phạm nhân thuyết phục nhất. Nhờ cảm nhận được sự quan tâm chăm lo từ Nhà nước, cùng tất cả cán bộ, chiến sĩ Trại Tạm giam số 2 khiến các phạm nhân yên tâm, phấn đấu cải tạo tốt.

Chia sẻ với chúng tôi về công tác cảm hóa giáo dục phạm nhân, Thượng tá Phạm Văn Hân cho biết, thường những ngày cận Tết, tâm lý của các phạm nhân rất nôn nao, mong ngóng được gia đình đến thăm gặp, muốn được sum vầy với gia đình. Do vậy, càng những ngày gần Tết, các chiến sỹ càng vất vả hơn, bởi phải vừa phải đảm bảo an ninh trật tự cho trại, vừa phải trấn an tư tưởng cho phạm nhân, định hướng cho họ, nhất là đối với phạm nhân bị gia đình bỏ mặc không lên thăm. Khi họ gọi về, gia đình cũng không nghe, không muốn lên thăm nữa.

“Đặc thù ngành quản lý giáo dục phạm nhân là khó khăn, nhưng xuất phát từ tình cảm, tình yêu nghề chúng tôi luôn cố gắng giáo dục những con người lầm lỗi cải tạo để trở thành người có ích cho xã hội”, Thượng tá Phạm Văn Hân chia sẻ.

Nhìn phạm nhân đang tất bật chuẩn bị thực phẩm, dọn vệ sinh hay tập văn nghệ... để đón xuân với gương mặt rạng rỡ, chúng tôi biết trong lòng họ đang cảm thấy ấm áp hơn. Năm mới, ai cũng nghĩ đến những điều tốt đẹp, sự an lành và hạnh phúc. Và những người “áo sọc” cũng đang hy vọng một năm mới với những sự khởi đầu mới, tốt lành hơn.