Nước sạch hè 2018: Căng thẳng ở cuối nguồn

ANTD.VN - Do số khách hàng đấu nối tăng thêm hơn 6% nên trong những tháng cao điểm mùa Hè 2018, một số khu vực ở cuối nguồn hoặc nơi có cốt địa hình cao vẫn có thể xảy ra mất nước cục bộ.

Vẫn chờ tuyến ống sông Đà số 2

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, mùa hè năm 2018, hệ thống cấp nước đô thị của thành phố Hà Nội đã được bổ sung thêm khoảng 100.000m3/ngày đêm (đạt trung bình khoảng 942.145m3/ngày đêm). Tuy nhiên, do tốc độ phát triển đô thị (số khách hàng đấu nối tăng thêm trên 6%) nên dự báo, mùa hè năm nay, một số khu vực cuối nguồn hoặc nơi có cốt địa hình cao vẫn sẽ gặp khó khăn về nước sinh hoạt trong thời gian cao điểm mùa hè (tháng 5,6) khi nhu cầu dùng nước tăng mạnh (thêm khoảng 5 đến 10% so với bình thường).

Cụ thể, một số khu vực do Công ty CP Viwaco quản lý - sử dụng nguồn nước sạch sông Đà - sẽ thiếu khoảng 20.000-24.000m3/ngày đêm như: khu vực Đại Kim, Định Công - quận Hoàng Mai; Khương Trung, Khương Đình, Khương Mai, Phương Liệt, Thịnh Liệt - quận Thanh Xuân; khu đô thị Đại Thanh - huyện Thanh Trì; khu vực đường Bưởi - quận Ba Đình; Thụy Khuê - quận Tây Hồ; Hàng Buồm, Trần Nhật Duật, Hàng Tre, Hàng Gai, Hai Bà Trưng Hà - quận Hoàn Kiếm; Đê La Thành, đường Láng, ngõ Thái Thịnh 2 - quận Đống Đa…

Thành phố Hà Nội đã tích cực phát triển nguồn nước sạch sinh hoạt để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh qua từng năm

Đặc biệt, theo Sở Xây dựng Hà Nội, do lo ngại sự cố vỡ ống gây ảnh hưởng đến cấp nước cho nhân dân, tuyến cấp nước số 1 từ nhà máy nước sông Đà về Hà Nội hiện chỉ vận hành ở mức rất dè dặt, với áp lực thấp hơn so với thời gian trước đây nên càng hạn chế khả năng cung cấp nước cho khu vực trung tâm thành phố.

Về tuyến truyền dẫn nước sạch sông Đà số 2, vốn được người dân Hà Nội chờ đợi từ vài năm nay, theo Sở Xây dựng Hà Nội, tới nay, nhà đầu chỉ mới thi công được đoạn ống qua sông Đáy, sông Tích và sông Đào Nguyên. Nhà đầu tư đang điều chỉnh hồ sơ dự án trình Bộ Xây dựng thẩm định. Ngoài ra, nhà đầu tư đang triển khai thực hiện xây dựng bể chứa, trạm bơm tăng áp và tuyến ống truyền dẫn từ bể chứa đến vành đai 3 (khoảng 6,4km) khi hoàn thành sẽ bổ sung nguồn cấp cho nội thành Hà Nội khoảng 80.000m3/ ngày đêm (theo nhà đầu tư là sẽ hoàn thành trong tháng 7-2018).

Nên sử dụng nước tiết kiệm, giảm thất thoát

Từ phân tích tình hình như trên, Sở Xây dựng cho biết, thành phố đã yêu cầu các Công ty nước sạch phải rà soát kỹ và xây dựng các giải pháp, biện pháp cụ thể, chi tiết nhằm khắc phục tình trạng khó khăn về nước sạch mùa hè 2018, đặc biệt đối với tình huống sự cố vỡ tuyến ống số 1 sông Đà.

Dù vậy, đại diện Sở Xây dựng cũng cho biết, nhờ công tác phát triển nguồn nước sạch được thành phố Hà Nội triển khai khá mạnh mẽ trong thời gian gần đây cộng thêm thời tiết năm nay tương đối thuận lợi nên cân đối tổng nguồn cung cấp nước sạch của thành phố trong mùa hè 2018 khả quan hơn các năm trước.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nước sạch, dù năm nay tổng nguồn cung cấp nước sạch của thành phố có xu hướng tăng hơn các năm trước nhưng cũng không thể chủ quan. Để đảm bảo có đủ nguồn phục vụ người dân trong giai đoạn cao điểm mùa Hè, thành phố vẫn phải tập trung giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch; kêu gọi người dân sử dụng nước tiết kiệm và về lâu dài, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển nguồn nước sinh hoạt đang triển khai như các nhà máy nước mặt sông Hồng, sông Đuống, sông Đà giai đoạn II...

Đặc biệt, cũng theo chuyên gia nước sạch, Hà Nội vẫn phải chú trọng duy trì, khai thác hiệu quả nguồn nước ngầm song song với xây dựng các nhà máy nước mặt. “Nguồn nước ngầm của Hà Nội vô cùng quý. Dù chúng ta đã xây dựng thêm một số nhà máy nước mặt nhưng các giếng nước ngầm vẫn là nguồn dự trữ đặc biệt quan trọng, không thể thay thế.

Điều quan trọng là về dài hạn, để đảm bảo an ninh nguồn nước, thành phố cần xây dựng kế hoạch và phương án duy trì và khai thác một cách khoa học, hiệu quả nguồn nước ngầm này, chứ không nên phụ thuộc hết vào các nhà máy nước mặt” - vị chuyên gia nói.

Tổng nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay trung bình khoảng 942.145m3/ngày đêm; cung cấp tới hơn 1 triệu khách hàng, tương đương 1,3 triệu hộ gia đình với hơn 5,2 triệu người dân…