Nồng nàn hương của làng xôi

ANTD.VN - Ở Hà Nội, khó có làng nào có xôi ngon sánh được xôi Phú Thượng bởi hương vị thơm ngon, đậm đà riêng biệt. Cứ thế, tiếng rao của người bán xôi làng Phú Thượng ở các vỉa hè, ngõ phố đã đi vào tâm khảm của nhiều thế hệ người Hà Nội.

Xôi đồ hai lần để thêm dẻo và ngon

Cuối năm 2016, làng nghề xôi Phú Thượng đã được chính thức công nhận “Làng nghề truyền thống Hà Nội”. Đến nay, số hộ gia đình còn giữ nghề có tới 297 hộ, thu hút  609 lao động.          

Đồ xôi thành cơ nghiệp

Nằm ven sông Hồng, làng Phú Thượng xưa còn được gọi là Phú Gia, có tên nôm là làng Gạ. Triều Nguyễn, làng Phú Gia thuộc tổng Phú Gia, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức. Ngày nay, địa giới hành chính nằm gọn trong phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) được hợp bởi ba ngôi làng cổ: Thượng Thụy - Phú Gia - Phú Xá.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, nước mát của dòng Nhị Hà và phù sa màu mỡ đã cho thôn Phú Gia bãi bồi xanh biếc nương dâu và một cánh đồng mênh mông lúa chín. Nền nông nghiệp chủ yếu là cây lúa đã tạo ra những hạt nếp cái hoa vàng bóng bẩy. Với bàn tay khéo léo, người dân nơi đây đã chế biến thành những món quà, bánh và đặc biệt là những hạt xôi thơm dẻo trở thành đặc sản, nức tiếng Hà thành trong câu ca dao:

“Làng Gạ có gốc cây đề

Có sông tắm mát có nghề bán xôi”

Nghề đồ xôi không một nắng hai sương như trồng lúa, nhưng cũng nhọc nhằn sớm hôm. Phần lớn những người phụ nữ Phú Thượng theo nghề đồ xôi bởi đó là gia truyền. Yêu làng nên giữ nghề, họ cởi mở, chẳng giấu nghề, sẵn sàng truyền nghề cho những người con gái trong làng muốn theo. Cứ từ 3-4 giờ chiều, các nhà lại rục rịch sửa soạn đồ xôi. Thương hiệu “Xôi Phú Thượng” đã tạo thành nét duyên dáng, góp phần tạo nên sự phong phú, đặc sắc cho ẩm thực Việt Nam. Nhờ bán xôi mà đời sống người dân nơi đây đầm ấm, đủ đầy: dựng cửa, xây nhà, cho con cái ăn học thành đạt... 

Xôi Phú Thượng từ lâu đã trở thành một đặc sản Hà Nội

Tinh hoa đời sống

Phú Thượng bây giờ không còn nhiều dáng dấp, vết tích cổ kính thuở xưa, nhưng nét đậm đà và hồn cốt vẫn còn nguyên vẹn trong cách nói, cách làm và cách sống của dân làng. Khách du lịch tới Phú Thượng tới vào giờ nấu xôi của các nhà trong làng coi như một may mắn. Họ đi qua những con ngõ nhỏ, nồng nàn gió phả hơi mùa hạ; thấp thỏm, háo hức mong mình sẽ được thưởng thức mùi nồi xôi lên hơi.

Tới một nhà người làng xin ghé lại chơi, ngồi trong sân được chủ nhà mời cốc nước mát; nào rổ - rá, xô, chậu; nào gạo, đỗ, gấc, lạc... xếp bày ngay ngắn; ngước lên nhìn những miếng cói dùng để đựng gạo cho róc nước phơi vắt ngang nền trời xanh mây trắng. Người già, người trẻ, người truyền nghề, người muốn học quây quần lại bên nhau cùng trao đổi những điều bình dị chân chất. Tất cả toát lên một bầu không khí lao động hứng khởi, đợi mong những trù phú, bình yên.

Cô Nguyễn Thị Phương (tổ 22 cụm 4, phường Phú Thượng), một người phụ nữ tảo tần, tay vừa bưng một rá gạo vừa tự hào: “Tôi đi chợ từ năm 1991 đến nay, mỗi ngày bán được khoảng 30 cân gạo. Một buổi chợ, trừ đi tiền thuê chỗ ngồi, trừ đi tiền điện, cũng được tầm 500.000 đồng”.

Nghe thì tưởng dễ dàng, nhưng chạy chợ mưu sinh quanh năm suốt tháng, hôm nắng hôm mưa, chợ khi đông, khi vãn. Đồ xôi lần thứ nhất từ chiều hôm trước, dỡ ra, xôi nào trộn đỗ nên cất tủ lạnh, các xôi khác cho rá để sân cho nguội, rồi đậy điệm cẩn thận. Tờ mờ 3 giờ sáng hôm sau, cô Phương dậy đồ lần thứ hai cho xôi thêm dẻo, 4 giờ bắt đầu trên đường ra chợ.

Đồ xôi không quá khó, nhưng cần người cẩn thận, nhanh nhẹn. Khi đã làm quen tay, mỗi người lại có những bí quyết riêng. Chị Nguyễn Thị Loan được cô Phương truyền nghề nói: “Trong các công đoạn làm xôi, xóc gạo là vất vả nhất, gạo xóc kỹ xôi mới ngon. Trộn gạo không được quên cho muối, trộn đều tay. Một bí quyết khi nấu xôi gấc, lúc trộn gạo với gấc nên trộn bằng chậu, trộn vào rá hay lem nhem, dằm dễ cắm vào tay. Trong các loại xôi xéo, lạc, ngô, đỗ, vừng dừa... người Phú Thượng thành thạo, họ thường chọn chia sẻ với du khách về xôi ngô, bởi nấu được xôi ngô phải nhiều công đoạn. Chỉ cần thiếu chăm chút một chút là chõ xôi hôm đó hỏng.

Xôi Phú Thượng bây giờ đã đàng hoàng có mặt tại những khách sạn nổi tiếng ở Hà Nội như: Sofitel, Hilton, Daewoo... theo các đơn đặt hàng. Du khách tới thăm làng nghề xôi Phú Thượng chưa nhiều, nhưng ai đến đều có những trải nghiệm khó quên. Có người luẩn quẩn trong nỗi nhớ, nghĩ ngợi xa xăm: Liệu có phải vô tình giọt mồ hôi  rơi xuống rá trộn gạo mà xôi Phú Thượng có hương vị riêng chăng?