Nông dân vẫn "tự bơi"

ANTD.VN - Câu chuyện “giải cứu” các mặt hàng nông sản Việt xuất khẩu sang Trung Quốc bị dồn ứ, ách tắc ở cửa khẩu biên giới, giá rẻ như bèo ngay trên đồng ruộng đã không còn là chuyện lạ trong những năm gần đây, thậm chí đã trở thành một “căn bệnh” nan y tái diễn kinh niên ở nhiều vùng nông sản trên cả nước mà ngành nông nghiệp chưa tìm được ra liệu pháp điều trị tận gốc.

Gần đây nhất là chuyện tiêu thụ ở Đồng Nai khiến người trồng điêu đứng, ngành nông nghiệp đau đầu. Chuối tiêu thụ trong nước và xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Khi giá chuối trên thị trường tăng cao, nhiều nông dân đổ xô trồng chuối đẩy diện tích tăng chóng mặt, không kiểm soát nổi. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc cũng vào mùa thu hoạch dẫn đến nhu cầu nhập khẩu giảm  mạnh.

Hàng chục tấn chuối cho gia súc ăn không hết phải đổ bỏ. Không chỉ chuối, nhiều mặt hàng nông sản khác như dưa hấu, cam... cũng chịu chung số phận. “Điệp khúc” buồn này đã lặp đi lặp lại hầu như quanh năm, mùa nào trái cây đó. Chính quyền địa phương thì đổ lỗi cho nông dân, nào là chạy theo phong trào, hám lợi, trồng tự phát theo nông hộ; nào là vấp nhiều nhưng vẫn không rút được bài học, vẫn làm ăn nhỏ lẻ với thương lái Trung Quốc.

Tất nhiên mọi hậu quả thì người nuôi trồng đều hứng chịu, mất mát, đến mức trắng tay. Nhưng sau những tổn thất như vậy, câu hỏi đã, đang và sẽ đặt ra là: phải chăng, nông dân Việt Nam đang bị “bỏ rơi”, tự xoay xở trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm? Việc trồng cây gì, nuôi con gì đã từng được đặt ra, không ít bài học kinh nghiệm đau xót đã được rút ra, nhưng vì sao vẫn tái diễn?

Việc trồng chuối, dưa hấu theo hình thức sản xuất lớn, nhất thiết phải có sự chỉ đạo, thậm chí “cầm tay chỉ việc” của chính quyền địa phương, nhất là ngành nông nghiệp. Để có một quy hoạch vùng trồng cây, đủ tiêu chuẩn xuất, nhất là đầu ra cho nông sản là điều vượt xa khả năng và tầm nhìn của nông dân.

Mặc dù, một số nơi nông dân đã liên kết với doanh nghiệp lớn sản xuất theo quy trình và yêu cầu của nhà nhập khẩu, song hầu hết vẫn “tự bơi” trong những con sóng thị trường mà không nắm bắt được thông tin, dự báo của các cơ quan có trách nhiệm.

Việc “giải cứu” nông sản Việt lâu nay chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài người nông dân Việt Nam vẫn trông chờ và hy vọng vào một chiến lược bài bản, căn cơ để có thể yên tâm đủ sống, vươn lên có của ăn của để ngay trên mảnh ruộng, chuồng trại của mình.