Nới trần làm thêm trong tháng lên không quá 40 giờ/tháng

ANTD.VN - Từ năm 2021, chính sách về giờ làm thêm sẽ được nới lỏng hơn đối với doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp được quyền huy động làm thêm tối đa 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng như hiện nay.

 

Doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản được phép làm thêm tối đa 300 giờ/năm

Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được thông qua với nhiều điểm mới được cho là tiệm cận hơn với các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế cũng như dung hòa quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động. 

Một trong những nội dung đó là chính sách tăng giờ làm thêm tối đa. Trước khi Bộ luật Lao động sửa đổi được Quốc hội thông qua, phía doanh nghiệp cho rằng quy định hiện hành (tối đa 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt 300 giờ/năm) là không phù hợp với tính chất thời vụ của những ngành, nghề đặc thù.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn tăng tổng giờ làm thêm trong năm từ 200 giờ lên 400 giờ nhằm đảm bảo tính cạnh tranh về lao động so với Bangladesh, Trung Quốc là hơn 400 giờ/năm... 

Trong khi đó phía bảo vệ người lao động muốn giữ nguyên số giờ làm thêm và giảm số giờ làm việc bình thường tiêu chuẩn hằng tuần từ 48 giờ xuống 44 giờ nhằm đảm bảo tính nhân văn của pháp luật, để người lao động vừa có đủ thu nhập vừa có thời gian dành cho gia đình, tái tạo sức lao động...

Để cân bằng quyền lợi giữa người sử dụng lao động và người lao động, Bộ luật Lao động (sửa đổi) cho phép doanh nghiệp được quyền huy động làm thêm tối đa 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng như hiện nay.

Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động sửa đổi cũng quy định rõ các trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng lao động làm thêm không quá 300 giờ/năm trong một số ngành, nghề, công việc. Bao gồm:

Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản;

Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;

Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời;

Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn, do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước do hậu quả thời tiết, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất; Trường hợp khác do Chính phủ quy định.