Nỗi lo khi phụ huynh "cứng", mạng xã hội… mềm

ANTD.VN - Câu chuyện vị phụ huynh “cứng” ở Trường Tiểu học Hà Nội phản đối khoản thu bảo hiểm học sinh đã có thể khép lại, sau khi Báo ANTĐ vào cuộc tích cực và làm rõ nhữngthông tin bản chất của vấn đề. Nhưng đằng sau câu chuyện này vẫn còn đó một nỗi lo, là nỗi lo mạng xã hội quá “mềm” khi tiếp nhận đủ mọi thông tin đúng – sai – phải – trái…

Ngày 7-9, vị phụ huynh ở Trường Tiểu học Hà Nội được cư dân mạng “phong” là “cứng” đã viết ý kiến phản đối việc nhà trường thu tiền Bảo hiểm Y tế và Bảo hiểm Thân thể của học sinh, với lời lẽ thẳng thắn.

Vị này đã chụp ảnh lại nội dung phản đối đó, rồi chia sẻ lên mạng xã hội (MXH) Facebook. Chỉ một ngày sau đó, hình ảnh được lan truyền chóng mặt trên nhiều diễn đàn của MXH, thu hút lượng quan tâm đông đảo.

Cô Nguyễn Thu Hương (Hiệu phó Trường Tiểu học Hà Nội) giải thích cho vị phụ huynh "cứng" Phan Văn Phong

Có lẽ hành động “bút phê” thẳng thắn của một vị phụ huynh gửi cho nhà trường là yếu tố hấp dẫn cư dân mạng, vì đây vốn là điều xưa nay hiếm. Chưa kể, nó lại xuất hiện đúng vào thời điểm vừa khai giảng trên cả nước, và những khoản thu đầu năm khiến không ít phụ huynh “xót ruột”…

Những ý kiến ban đầu trên MXH phần đông đều ủng hộ hành động của vị phụ huynh “cứng”, quay ra chỉ trích trường học “làm không đúng nhiệm vụ”, thậm chí suy đoán ra chuyện “ăn hoa hồng”, hay lo ngại con của vị phụ huynh trên có thể bị trù úm…

Tuy nhiên, khi PV của Báo ANTĐ làm việc với các bên liên quan (gồm cả vị phụ huynh “cứng” và đại diện Trường Tiểu học Hà Nội) thì sự thật mới vỡ lẽ!

Đó là khoản thu mà nhà trường gửi cho phụ huynh là khoản thu bảo hiểm “xưa nay vẫn thế”, ở mọi trường học trên cả nước, và mọi thứ đều công khai trên giấy tờ! Còn việc phụ huynh kiên quyết không đóng khoản đó thì cũng… chẳng sao, đó là do quan điểm của họ. Hơn nữa, sự bức xúc của vị phụ huynh “cứng” cũng chỉ là hiểu lầm, khi nghĩ riêng mình ông phải nhận thông báo “ép” đóng, dù trên thực tế, mọi phụ huynh ở trường đều nhận được thông báo này. Ngoài ra, cũng sẽ không có chuyện "trù úm" học sinh như một số ý kiến lo ngại, vì Trường Tiểu học Hà Nội là một trường dân lập, trong đó họ luôn phải đề cao tiêu chí "hài lòng khách hàng" để tồn tại và phát triển...

Sự việc đã rõ, nhưng qua đó, người ta mới thấy tính 2 mặt ngày càng bộc lộ của MXH, cũng như vai trò của báo chí trong việc “đi tìm sự thật khách quan”.

MXH – như nhiều người vẫn ca tụng, là tạo điều kiện cho bất kỳ ai cũng có thể chia sẻ thông tin, từ đó mang tới những góc nhìn đa chiều, những quan điểm thẳng thắn… - song cũng từ đó, các thông tin thiếu khách quan, một chiều, thậm chí dàn dựng (tin giả - “fake news”, một vấn nạn của cả thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam) có đất sống để phát triển.

Không ít người tự cho rằng mình đã nắm trong tay “quyền lực MXH” khi chỉ cần chụp ảnh, quay phim rồi tung lên là đã tạo ra được “luồng dư luận”…

Còn những người dùng MXH thiếu tỉnh táo, ngại đọc, ngại tìm hiểu rõ ràng vấn đề mà đã lập tức phán xét, a dua ủng hộ theo đám đông, thì xuất hiện ngày càng nhiều.

Tất cả những điều trên khiến cho MXH trở nên “mềm” đáng sợ, dễ dãi đáng sợ trong việc tiếp nhận thông tin, bất kể đúng – sai, phải – trái.

MXH với tính 2 mặt đang ngày càng gây lo ngại, do sự phát triển bùng nổ quá nhanh chóng

Nhưng thật may, báo chí – với sứ mệnh đi tìm sự thật khách quan – vẫn đang tồn tại song song với MXH, và chưa bao giờ quên sứ mệnh, nhiệm vụ của mình.

Có những người từng cho rằng, đã tới lúc MXH thay thế hoàn toàn báo chí trong việc truyền tải thông tin cho xã hội, nhờ độ cởi mở và sức lan tỏa mạnh, thì nay hẳn họ sẽ phải nghĩ lại!

Nếu không có báo chí với những kỹ năng chuyên môn khai thác thông tin, tìm ra sự thật khách quan, thì làm sao dư luận có cái nhìn thực sự đa chiều để nhận định về sự việc?

Không thể phủ nhận vai trò và sức mạnh của MXH trong thời kỳ công nghệ bùng nổ hiện nay, nhưng qua đó, lại càng không thể phủ nhận vai trò của báo chí trong việc “điều hòa” thông tin, tìm ra sự thật, bản chất vấn đề.

Và vấn đề duy nhất lúc này, có lẽ nằm ở… người dùng internet, người dùng MXH. Họ đã có một “bầu trời” thông tin trên MXH để biết, để tham khảo, và có một loạt nguồn thông tin xác minh, phản ánh khách quan từ báo chí. Nhưng nếu vẫn cứ giữ thói quen ngại đọc, ngại tìm hiểu, chỉ lướt sơ sơ và… phán xét, thì một câu chuyện rất bình thường, rất nhỏ bé cũng có thể bị “xé” ra thành bất thường, to tát.

Như vậy, chính người dùng tự khiến bản thân phải bơi trong một “biển” thông tin giả, mà đến một ngày, họ hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân trong đó.

Cho nên, ở câu chuyện phụ huynh “cứng” vừa qua, nếu MXH cũng… “cứng”, thì tốt biết mấy!