Nỗi lo hỏa hoạn dịp cuối năm tại chợ Đồng Xuân

ANTD.VN - Vào dịp cuối năm, chợ Đồng Xuân, Hà Nội trở thành kho hàng khổng lồ, với hàng nghìn mặt hàng dễ cháy như vải vóc… Trước những nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ, Phòng Cảnh sát PCCC số 1 - Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội đã chủ động rà soát, kiểm tra, tăng cường phối hợp, xử lý, tuyên truyền nâng cao ý thức với tiểu thương và người dân.

Chợ Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, hiện có trên 2.000 sạp hàng kinh doanh chủ yếu là vải vóc, len sợi đều là mặt hàng dễ cháy, bén lửa. Cùng với đó, mỗi ngày có hàng nghìn lượt người qua lại trao đổi, mua bán càng tăng nguy cơ hỏa hoạn.

Nghiêm ngặt các biện pháp cách ly lửa

Mặc dù vụ cháy nhà dân xảy ra tại phố Hàng Giấy, phường Đồng Xuân vào sáng 5-11-2017, chưa ảnh hưởng đến tiểu thương kinh doanh trong chợ Đồng Xuân, bởi còn khoảng cách khá xa, song lực lượng chữa cháy cơ sở của chợ Đồng Xuân và Phòng Cảnh sát PCCC số 1 đã lấy làm bài học sâu sắc.

Bởi chợ Đồng Xuân ngoài việc có số hàng hóa lớn thì xung quanh là nhịp sống sinh hoạt, kinh doanh ăn uống ngày đêm. Thực trạng cho thấy nỗi lo tiềm ẩn nguy cơ cháy tại chợ là rất lớn, nếu sơ sểnh hoặc thiếu vắng bóng dáng tuần tra của lực lượng chữa cháy cơ sở, của lực lượng CAP Đồng Xuân là rất khôn lường.  

Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp diễn tập phương án cứu nạn, cứu hộ (CNCH), chữa cháy để kịp thời ứng cứu khi có sự cố hỏa hoạn

Trung tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 1  cho biết: “Trước những nguy cơ có thể xảy ra hỏa hoạn, đơn vị đã có chuyên đề phòng cháy mùa hanh khô, và cao điểm phòng cháy dịp Tết Nguyên Đán 2018. Cụ thể, ngoài việc cử cán bộ địa bàn phối hợp với Ban Quản lý chợ rà soát kiểm tra tại các gian hàng ở chợ, ký cam kết với các tiểu thương và người dân nâng cao ý thức PCCC. Đồng thời tổ chức tuyên truyền vào ngày thứ 7, buổi tối để nâng cao kỹ năng, xử lý tình huống khi không may có cháy xảy ra”.

Ông Nguyễn Minh Đức, cán bộ phụ trách an toàn PCCC, ANTT thuộc Ban Quản lý chợ Đồng Xuân cho biết: “Chợ Đồng Xuân có hàng có muôn vàn nguy cơ hỏa hoạn. Nhất là những ngày áp Tết, nơi này có lượng người tại các tỉnh lân cận đổ dồn về mua sắm, lấy hàng hóa rất đông đúc. Điều lo lắng nhất là những người nghiện thuốc lá, họ không để ý đến các biển cấm hút và xả rác tự do chứ lại không phải là các tiểu thương, bởi họ cũng rất cảnh giác vì tài sản lớn trong chợ”.

Lực lượng dân phòng tham gia diễn tập ứng cứu buổi diễn tập CNCH tại chợ Đồng Xuân

Cũng theo ông Đức, để giám sát và theo dõi mọi hoạt động diễn ra trong và ngoài khu vực, đơn vị đã cắt cử đội ngũ chuyên đi có mặt nhắc nhở người dân dập tắt thuốc lá trước khi vào chợ, tuyệt đối cách ly lửa trần tại đây. Cùng với đó Ban quản lý chợ đã treo biển cấm lửa, cấm hút thuốc lá ở nơi dễ quan sát. Ngoài ra, tại phòng trung tâm chỉ huy, lực lượng trực chủ chốt giám sát 24/24 mọi hoạt động để kịp thời phát hiện các sự cố. Với trên 200 màn hình camera giám sát quanh chợ, các gian hàng, các lối thoát nạn, lực lượng ứng trực đã chủ động được tình huống.

Tuyên truyền cùng với tăng cường xử lý vi phạm

Theo đại diện Ban quản lý chợ Đồng Xuân, an toàn PCCC là vấn đề sống còn đối với bà con tiểu thương, tuy nhiên với số lượng hoạt động kinh doanh lên đến trên 2.000 gian hàng thì đôi khi cũng còn chệch choạc. Theo quan sát của phóng viên, nhiều gian hàng choán hết lối đi, xếp hàng che khuất các họng cứu hỏa, tiêu lệnh cứu hỏa. Khi được hỏi, nhiều tiểu thương vẫn còn bao biện, do hàng hóa về nhiều, chưa kịp sắp xếp gọn gàng.

Vấn đề an toàn PCCC tại phố cổ là tuyệt đối, đặc biệt là ở chợ Đồng Xuân cũng vậy. Bài học đắt giá từng xảy ra đối với nơi này vào năm 1994, đến nay vẫn là nỗi ám ảnh của bà con tiểu thương. Và càng là bài học đối với lực lượng quản lý, cũng như lực lượng Cảnh sát PCCC.

Đội chữa cháy cơ sở tại chợ Đồng Xuân có trên 144 người luôn thay phiên ứng trực PCCC

Chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC số 1 khẳng định: “Từ việc kiên quyết xử lý của Ban quản lý, của lực lượng Cảnh sát PCCC đối với các tiểu thương vi phạm hiện tình trạng đã được cải thiện rất nhiều. Cũng cần phải khẳng định, hiện nay mặc dù chợ được cải tạo nhiều lần nhưng hệ thống chữa cháy và thiết kế gian hàng vẫn lỗi thời, nên các tiểu thương và Ban quản lý chợ gặp khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ an toàn PCCC. Nhiều gian hàng bố trí ngay cạnh họng nước cứu hỏa, trong khi đó không gian chật hẹp, diện tích mỗi sạp hàng chỉ khoảng 1,5 - 1,8m2, dẫn đến việc hàng hóa che khuất họng nước, lối đi bị thu hẹp…”

Một cán bộ theo dõi địa bàn, Phòng Cảnh sát PCCC số 1 - Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cho biết: “Để hạn chế việc thiệt hại về người và tài sản do cháy xảy ra,  đơn vị đã thường xuyên tuyên truyền, tập huấn, nâng cao kỹ năng chữa cháy thoát nạn cho người dân và tiểu thương. Qua đó, phần lớn nhận thấy bà con đều nhận thức được tầm quan trọng của việc PCCC, một phần nhằm bảo vệ tài sản của họ. Tuy nhiên ở thời điểm cuối năm, số lượng hàng hóa tập kết về nhiều hơn, do đó một số bà con tiểu thương lơ là công tác PCCC”.

Lực lượng Cảnh sát PCCC TP Hà Nội phối hợp lực lượng chữa cháy cơ sở Ban quản lý chợ Đồng Xuân thực tập phương án 

Chủ động, duy trì thực hiện phương châm “4 tại chỗ” tổ bảo vệ ứng trực hỏa hoạn của chợ Đồng Xuân có trên 144 người. Trong đó, một tổ thường trực có nhiệm vụ theo dõi, quan sát thông qua trên 200 camera và 16 màn hình trung tâm báo cháy.

Đại diện Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cảnh báo: “Nước xa không cứu được lửa gần”, người chữa cháy hiệu quả nhất phải là người phát hiện đám lửa đầu tiên. Như vậy, đối với các tiểu thương, cách bảo vệ tài sản của họ tốt nhất là luôn có ý thức và trách nhiệm về an toàn PCCC, song song với đó là nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản như Ban quản lý chợ”.