Nỗi đau trầm cảm sau sinh

ANTD.VN - Một người mẹ 25 tuổi ôm con nhỏ 7 tháng tuổi nhảy xuống sông Hồng tự vẫn mới đây, như thêm lời cảnh báo về chứng bệnh nguy hiểm của các bà mẹ sau sinh.

Những câu chuyện buồn

Ngày 24-9, anh Lê Ngọc S, trú tại đường Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng trình báo việc vợ và con gái mình mất tích bí ẩn. Theo trình báo của anh S, vào lúc 10h sáng 23-9, chị Trần Phương T. (SN 1993) là vợ anh S đã bế con gái 7 tháng tuổi rời khỏi nhà. Khi đi, chị T mặc áo màu hồng, quần màu xanh và không mang theo giấy tờ tùy thân, phương tiện liên lạc. Được biết, sau khi sinh con được 4 tháng, người mẹ trẻ có nhiều dấu hiệu trầm cảm. Chị thay đổi tính cách và không nói chuyện với mọi người trong gia đình.

Hình ảnh mẹ con chị T trước khi rời khỏi nhà

Cùng thời điểm anh S gửi đơn trình báo, nhiều người đi trên cầu Vĩnh Tuy đã chứng kiến bà mẹ trẻ bế theo con nhỏ đi ra giữa cầu, bỏ ô lại và nhảy xuống dưới sông. Dù có thuyền ở dưới sông đi qua nhưng vẫn không thể cứu được họ.

Chiều 25-9, qua xác minh, cơ quan chức năng xác định người mẹ trẻ ôm con nhảy cầu Vĩnh Tuy chính là mẹ con chị T. Lực lượng chức năng tìm thấy thi thể chị này tại khu vực cầu Thanh Trì, còn cháu bé vẫn mất tích. Gia đình và các lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm bé gái 7 tháng tuổi.

Trước đó, vào tháng 4-2018, tại tỉnh Hải Dương cũng xảy ra một vụ án làm đau lòng những người trong gia đình, rúng động cả vùng quê yên ả. Khoảng 13h ngày 28-4, Phòng CSHS Công an tỉnh Hải Dương nhận tin báo của CATP Hải Dương về việc cháu Nguyễn Thị Ánh T (9 tuổi) trú tại khu 5, phường Thanh Bình, TP Hải Dương chết do bị mẹ đẻ là chị Nguyễn Thị N ép uống thuốc diệt chuột.

Khi sinh cậu con trai út cách đây vài tháng, chị N phát hiện bị ung thư trực tràng nên buồn chán và có biểu hiện trầm cảm, bày tỏ muốn được chết… Chị N nói lại việc đã giết cháu T bằng cách cho cháu uống thuốc diệt chuột. Sau đó, chị N đập đầu vào tường đòi được chết.

Gia đình tiếp tục tìm kiếm thì phát hiện tại giường ngủ tầng 1 của gia đình, cháu T nằm bất tỉnh, người tím tái. Mọi người đưa chị N, cháu T và con trai thứ hai đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cấp cứu.

Khi đến bệnh viện, bác sỹ thông báo cháu T đã tử vong trên đường đến bệnh viện cấp cứu. Chị N được đưa đi cấp cứu trong tình trạng hoảng loạn, đòi tự cắn lưỡi và đập đầu vào tường.

Đừng "bỏ rơi" bà đẻ

Tìm hiểu của PV, những người phụ nữ đã trải qua sinh đẻ tâm sự, họ đã vượt qua được những tháng ngày "kinh khủng" của tháng đầu sau sinh.

Theo TS Tô Thanh Phương, chuyên gia về trầm cảm của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, chứng trầm cảm sau sinh ở phụ nữ ngày càng phổ biến hơn.

 Người đời nói "hổ dữ không ăn thịt con" nhưng với những bà mẹ trầm cảm sau sinh, họ bị chứng loạn thần nếu có ảo giác, hoang tưởng thì nguy hiểm cho chính họ cũng như đứa trẻ.

TS Phương cho biết bình thường một tuần sau sinh, phụ nữ hay có cảm giác buồn rầu, lo âu, mệt mỏi, mất ngủ, dễ tủi thân. Cảm xúc này thoáng qua và sẽ hết nếu được sự hỗ trợ tích cực của gia đình, đặc biệt là người chồng.

Tuy nhiên, khi các triệu chứng ngày càng nặng (được gọi là hội chứng ngày thứ ba sau sinh), chị em rất căng thẳng, bi quan, buồn chán, không ngủ được, lo âu nhiều.

Người bị trầm cảm sau sinh có ý nghĩ hay hành vi tự tử lên đến 41.2%. Chính vì vậy, khi phát hiện người phụ nữ có những biểu hiện bồn chồn, lo lắng, mất ngủ hay cáu gắt hoặc thờ ơ lãnh đạm bất cần thì nên đưa họ đến bác sỹ để khám và tìm hiểu nguyên nhân điều trị càng sớm càng tốt. Vì lúc này chỉ có bác sỹ mới có thể giúp họ và gia đình biết cách để giải quyết triệt để vấn đề.

Nếu gia đình tinh ý, có thể nhận thấy những biểu hiện này trong một tuần họ điều chỉnh ngay cho sản phụ thì sẽ hết. Tuy nhiên, nhiều người bệnh sẽ tiến triển nặng gọi là loạn thần sau sinh. Đỉnh cao phát bệnh này là sau khi đẻ 10-15 ngày, có thể kéo dài trong vòng 3 tháng.

TS Phương cho biết, không phải ai sau sinh cũng bị trầm cảm nhưng tỷ lệ này chiếm khoảng 0,15 % phụ nữ sau sinh. Bệnh hay gặp ở những người đã từng bị bệnh trầm cảm, những người có mối quan hệ trong gia đình căng thẳng, chồng đi vắng, bà mẹ đơn thân.

Để hạn chế tối đa chứng trầm cảm sau sinh, TS Phương cho rằng gia đình là yếu tốt quyết định. Từ khi mang bầu nên tránh những sang chấn tâm lý, căng thẳng, áp lực đối với phụ nữ sau sinh. TS Phương nhấn mạnh, sau sinh sự quan tâm của người chồng, gia đình chính là yếu tố giúp phụ nữ vượt qua được những triệu chứng của trầm cảm sau sinh.