Nợ bảo hiểm, khó đòi

ANTD.VN - Nợ xấu được coi như “cục máu đông” nguy hiểm gây tắc nghẽn huyết mạch của nền kinh tế nên Nhà nước đã có những giải pháp nhằm phá tan. 

Riêng món nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp đối với hàng vạn người lao động vẫn là nợ khó đòi, ngày càng chồng chất nhưng chưa tìm được giải pháp khả thi để đảm bảo quyền lợi cũng như cuộc sống của người lao động trên cả nước.

Tình trạng nợ đọng 3 loại bảo hiểm ngày càng gia tăng đến mức nhức nhối, gây bức xúc dư luận xã hội. Tổng số nợ đã lên tới mức kỷ lục là 7.795 tỷ đồng, chiếm tới 3,3% so với số phải thu. Đặc biệt, các doanh nghiệp giải thể, phá sản, bỏ trốn nợ tới hàng trăm tỷ đồng, đẩy 220.000 người lao động vào cảnh lao đao, khốn đốn. Không lẽ bó tay, bất lực ngồi nhìn cuộc sống bấp bênh của hàng trăm nghìn người lao động?

Dự thảo nghị định về thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được dư luận và công luận đón nhận bởi nó mở ra một hướng giải quyết căn cơ, lâu dài, “trói buộc” trách nhiệm của người sử dụng lao động. Theo đó, doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, chấm dứt hợp đồng thì nguồn kinh phí đảm bảo khoản tiền nợ 3 loại bảo hiểm được lấy từ số tiền lãi mà chủ lao động phải nộp do vi phạm quy định về trốn đóng, chậm đóng BHXH.

Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn: khả năng tiền lãi có nhiều, có lâu dài không? Theo đại diện BHXH, ngoài phần tiền lấy từ nguồn trên, cần có nguồn từ ngân sách địa phương, bởi địa phương cũng phải có trách nhiệm vì không quản lý, giám sát tốt doanh nghiệp. Một trong những “nút thắt” lớn nhất tồn tại lâu nay khiến các vụ khởi kiện doanh nghiệp thu hồi nợ, trốn đóng BHXH vẫn bế tắc, chính là vai trò của tổ chức Công đoàn.

Đây được coi là công cụ hữu hiệu nhất của người lao động để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình. Tiếc thay, sau một năm Luật Bảo hiểm xã hội đi vào cuộc sống, tổ chức Công đoàn chưa khởi kiện thành công một vụ nào. Nguyên nhân là do vướng mắc về pháp lý, không đồng bộ trong Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn và Bộ luật Tố tụng dân sự. Mặt khác, năng lực và trình độ cán bộ công đoàn cơ sở vừa yếu, vừa thiếu, khó có thể khởi kiện, tham gia tố tụng.

Rõ ràng, sự chồng chéo và khoảng trống về pháp luật thực hiện BHXH là nguyên nhân chủ yếu khiến việc khởi kiện của công đoàn vẫn bế tắc. Điều này có nghĩa là người lao động vẫn khó có hy vọng đòi nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.