Những vụ "đánh ghen", trấn áp tình địch kinh hoàng

ANTD.VN - "Đánh ghen" hay thậm chí là "đánh ghen" hộ đã không còn là chuyện hiếm hoi trong xã hội hiện đại. Hàng loạt các vụ đánh ghen kinh hoàng liên tiếp xảy ra, thu hút sự chú ý nhiều người trực tiếp và gián tiếp quan sát vụ việc. Đây cũng là chủ đề "nóng hổi" để các cư dân mạng đưa ra "mổ xẻ", người đồng tình, người phản đối với những lập luận khác nhau. Nhưng, cuộc sống muôn màu vạn trạng, sự phản bội có thể đến với bất cứ ai, vào bất cứ thời điểm nào, và  "đánh ghen" cũng không phải là cách giải quyết tốt nhất. Vậy, chúng ta sẽ phải ứng xử như thế nào trong trường hợp này?

Liên tiếp xảy ra các vụ "đánh ghen" kinh hoàng

Những ngày gần đây, clip “đánh ghen” trên xe ô tô tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc đang được cư dân mạng chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Theo dõi hình ảnh trong đoạn clip cho thấy, một người phụ nữ đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang kín mít (vợ) phát hiện chồng mình chở một cô gái trẻ (được cho là bồ nhí) trên xe nên lao tới bắt quả tang và “đánh ghen”. Người đàn ông đã nhanh chóng rời khỏi “hiện trường”, để lại cô “nhân tình” một mình “chịu trận”.

Người phụ nữ "đánh ghen" bằng cách lột sạch đồ và túm tóc cô gái

Trong cơn giận dữ, người phụ nữ tìm mọi cách để tiếp cận cô gái, liên tục chửi bới, túm tóc, dùng chân đạp, đá. Thậm chí người này còn xé và lột sạch đồ của cô gái trên xe. Mặc dù bị hành hung đến dã man nhưng cô gái vẫn im lặng, cúi gằm mặt, dùng tay che chắn cơ thể và “cố thủ” trên xe không xuống. Cũng theo nội dung đoạn clip ghi lại, dù đã được người vợ đến tận nhà cảnh báo nhưng cô bồ nhí và chồng vẫn tiếp tục qua lại, dẫn đến sự việc “đánh ghen” như trên.

Mô tip “đánh ghen” này dường như không còn mới lạ nữa khi đã có quá nhiều vụ việc tương tự xảy ra. Hẳn độc giả vẫn chưa quên đoạn clip một nhóm người lao vào “đánh hội đồng” một cô gái tên L.T tại khu vực Trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vào khoảng tháng 3-2019.

Người trực tiếp chứng kiến vụ việc lại chính là những "người đưa tin" và truyền tin

Trong clip, L.T bị túm tóc, giật đầu, lột đồ và bị tấn công vào phần mặt khiến mũi và miệng tổn thương khá nặng do chầy xước và chảy nhiều máu. Nguyên nhân vụ “đánh ghen” liên quan đến việc L.T được nghi có quan hệ bồ bịch với một trong số những người phụ nữ trong nhóm.

Vụ chặn xe ô tô đánh ghen tại Hải Dương cũng đã từng là chủ đề bàn luận của cư dân mạng

“Đánh ghen” bằng cách gây gổ, hành hung là chuyện thường thấy, nhưng cũng có những vụ “đánh ghen” gây ra án mạng nghiêm trọng. Có thể nhắc đến vụ đánh bạn của người yêu bị chấn thương sọ não tại Mỹ Tho hồi đầu tháng 2, hay vụ thiếu nữ “đánh ghen” tại phòng trọ của người yêu và đâm chết tình địch xảy ra vào tháng 7 vừa qua tại Tuyên Quang. Mới đây, báo Tiền phong cũng đưa tin về việc 3 người thương vong trong vụ “đánh ghen” tại phòng trọ ở phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM. Nguyên nhân vụ việc bắt nguồn từ việc người chồng bất ngờ bắt quả tang vợ đang “quan hệ ngoài luồng” với một người đàn ông khác tại chính căn nhà trọ của mình.

“Đánh ghen” – liệu có đáng?

Theo luật sư Quách Thành Lực - thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: Hành động “đánh ghen” có thể cấu thành hành vi vi phạm vi phạm hành chính về an ninh trật tự, an toàn xã hội và bị xử lý theo quy định tại Điều 5 Mục 1 Chương 2 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tối thiểu là 100.000 đồng và tối đa là 5.000.000 đồng. Một số hành vi cụ thể như:

- Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

- Gây mất trật tự ở nơi công cộng khác;

- Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng...

Hành động xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác trong hoạt động "đánh ghen" là ở mức độ nguy hiểm cho xã hội thì người thực hiện hành động đánh ghen có thể bị xem xét xử lý về "Tội làm nhục người khác" theo Điều 155 Bộ luật hình sự với mức phạt tù cao nhất lên tới năm năm. Trường hợp “đánh ghen” gây ra án mạng sẽ có khung hình phạt thích đáng.

Không thể phủ nhận rằng, sự phản bội luôn khiến chúng ta cảm thấy đau lòng, nhất là trong tình yêu, hôn nhân. Nhưng chỉ vì một phút nóng giận nhất thời, rất có thể bạn sẽ phải vướng vào vòng pháp luật, liệu có đáng không? Vậy, khi phát hiện bị phản bội, bạn nên hành xử thế nào?

Những vụ "đánh ghen", trấn áp tình địch kinh hoàng ảnh 4

Tiến sĩ Tâm lý Phan Thị Huyền Trân đưa ra lời khuyên cho những người bị phản bội

Trong một buổi chia sẻ về sự phản bội, Tiến sĩ Tâm lý Phan Thị Huyền Trân (Dr Pepper) khuyên rằng: “Tại sao mình không đơn giản hóa mọi việc, đừng nghĩ đó là sự phản bội mà là một sự lựa chọn của người ấy vào chính lúc ấy. Anh ấy là con người, anh ấy không phải là cái máy, trước đây ảnh chọn mình, 10 năm sau ảnh có thể chọn người khác. Bởi ngôi nhà 10 năm cũng cũ đi mà, vậy thì con người mình ở với họ 10 năm họ cũ đi cũng hiểu được phải không? Vậy thì việc của mình là xem lại cuộc sống của mình, xem mình có cần phải chọn cái gì khác không?”

Ngoài ra, vị Tiến sĩ này cũng đưa ra lời khuyên dành cho những người đã và đang đau khổ vì sự phản bội: “Đau khổ thì sẽ không biết đến hạnh phúc. Hãy nghĩ tích cực, những người đã làm mình đau khổ cũng chính là người giúp mình nhận ra và trân trọng hơn hạnh phúc sau này. Vậy thì khi bạn bị phản bội hoặc tổn thương hãy nghĩ đơn giản đó là một trong những điều giúp bạn hiểu hơn về hạnh phúc”.