Kỳ tích vì một Hà Nội xanh (1)

Những tuyến phố "thay da đổi thịt"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lời Tòa soạn: Nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận nhân dân và lãnh đạo thành phố, công tác trồng mới và duy tu hệ thống cây xanh tại Hà Nội trong hơn 4 năm qua đã có sự biến đổi có thể nói là kỳ tích với con số kỷ lục - gần 1,6 triệu cây xanh được trồng mới.

Hệ thống cây xanh trên địa bàn Thủ đô không chỉ giúp cho không khí trong lành hơn, mà còn giảm nhiệt trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm vừa qua

Tâm sự về trồng mới cây xanh, đại diện các đơn vị chuyên ngành đều than “trồng được một cây bóng mát cỡ lớn ở nội thành Hà Nội rất khó vì hàng loạt khó khăn, chưa kể tới sau này còn phải chăm bẵm nhiều năm mới thu được thành quả”. Thế mới biết, để trồng mới được gần 1,6 triệu cây trong hơn 4 năm, biết bao thời gian, công sức, tâm huyết đã phải đổ ra…

Biến chuyển không ngờ

Giữa những ngày hè nắng nóng đỉnh điểm, tại nhiều tuyến phố Hà Nội, người dân vẫn cảm nhận được sự tươi mát từ hệ thống cây xanh hai bên đường hay trên dải phân cách. Không những vậy, cây xanh Hà Nội trong 4-5 năm trở lại đây đa dạng hơn rất nhiều về màu sắc, giúp cho các tuyến phố sáng hơn, đẹp hơn trong mắt người dân và du khách. Nhiều tuyến phố đã trở thành hình mẫu về phát triển cây xanh như trục đường Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công, Đại lộ Thăng Long, Láng, Giảng Võ…

Ông Đặng Quốc Trung (Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ: “Trước đây, tuyến đường Giảng Võ cũng có khá nhiều cây xanh, nhưng đơn điệu, không tạo được nhiều ấn tượng. Vài năm trở lại đây, bộ mặt tuyến phố được thay đổi rõ rệt, phố xanh hơn, cây nhiều màu sắc, nhiều tầng, đa dạng hơn như kiểu vườn trong phố. Chúng tôi rất ấn tượng và ủng hộ việc này”.

Vốn có nhiều cây xà cừ lớn rất đẹp, nhưng hai bên đường Láng ít năm trước khá nhếch nhác. Con sông Tô Lịch chạy song song tuyến đường này lúc nào đôi bờ cũng chất đầy phế thải bốc mùi hôi thối. Lòng đường khá hẹp lại thường xuyên bị lấn chiếm bởi các gánh hàng rong nên ùn tắc triền miên. Được sự đầu tư chăm chút của thành phố, đường Láng giờ đã “thay da đổi thịt”, trở thành một trong những con đường đẹp nhất Hà Nội.

“Bây giờ qua lại đường Láng mỗi ngày hay ngắm chùm ảnh đăng trên các báo thấy con đường lung linh quá. Đường được mở rộng, ùn tắc giảm, vỉa hè, đường dạo cho người đi bộ sạch bóng hàng rong. Đặc biệt là hệ thống cây xanh bóng mát, cây, hoa, thảm cỏ ở các dải phân cách càng thêm mát mắt. Nhìn con đường đẹp đẽ, xanh rợp bây giờ, không ai có thể hình dung trước đây nó nhếch nhác, lộn xộn như thế nào…” - chị Nguyễn Thị Hằng ở Trường Chinh, quận Đống Đa chia sẻ.

Toàn bộ bê tông dải phân cách nhiều tuyến đường được thay bằng hàng cây xanh cùng nhiều loại hoa đẹp mắt 

Đột phá cả về lượng và chất

Số liệu tổng hợp mới nhất từ Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, thời gian qua việc trồng và phát triển hệ thống cây xanh đô thị đã được quan tâm đầu tư đồng bộ, tạo cảnh quan, không gian xanh trên 200 tuyến phố, tuyến đường của Thủ đô. Đặc biệt, lũy kế kết quả thực hiện từ năm 2016 đến ngày 30-6-2020, toàn thành phố đã trồng được hơn 1.581.000 cây đô thị, bóng mát, cây lấy gỗ; đạt 98,82% kế hoạch thành phố giao (chưa bao gồm 709.791 cây ăn quả; 136.653 cây bụi, đơn lẻ, khóm và 435.240m2 cây mảng, thảm cỏ). 

Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn thành phố trồng được được hơn 134.700 cây đô thị, bóng mát, cây lấy gỗ (chưa bao gồm 22.874 cây ăn quả, 33.051 cây bụi, đơn lẻ, khóm và 24.571m2 cây mảng, thảm cỏ) và tiếp nhận cây từ các tổ chức tham gia xã hội hóa (tặng cây) cho thành phố.

Giai đoạn 2016-2020, thành phố đã kêu gọi xã hội hóa phát triển hệ thống cây xanh, trồng 26.351 cây đô thị (chưa bao gồm hàng chục nghìn cây bụi, cây mảng, thảm cỏ…). Rất nhiều tổ chức, cá nhân đã cùng chung tay với Hà Nội phát triển hệ thống cây xanh, góp phần lan tỏa thông điệp vì một Hà Nội mãi xanh như: Đại sứ quán Phần Lan, UBND tỉnh Sơn La, UBND tỉnh Điện Biên, Hiệp hội Hoa anh đào Nhật Bản - Đại sứ quán Nhật Bản...

Các loại cây bóng mát được trồng trên các tuyến phố của Hà Nội cũng đa dạng hơn như cây Sang, Lộc vừng, Bàng lá nhỏ, Ban, Cọ dầu, Chà là, Sấu, Giáng hương, Chuông vàng, Phượng, Bằng lăng, Muồng hoa vàng, Muồng Osaka… Đặc biệt, cây cảnh khóm, cây cảnh mảng cũng được đầu tư trồng diện rộng trên các tuyến phố với đa dạng về chủng loại, màu sắc tạo nên những điểm nhấn khác lạ, hấp dẫn trên nhiều tuyến phố Thủ đô...

Nhìn lại giai đoạn hơn 4 năm “tăng tốc” vừa qua, ông Nguyễn Đức Mạnh - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội đưa ra con số, từ năm 2016 đến nay, riêng đơn vị đã trồng mới 65.000 cây bóng mát có đường kính lớn, 85.000 cây khóm và 130.000m2 thảm hoa và cây lá mỏng. “Số liệu thống kê của chúng tôi vào giai đoạn 2008-2009 cho thấy, trên các tuyến phố tại 12 quận của Hà Nội chỉ có khoảng 44.000 cây xanh bóng mát, nhưng từ 2016-2020, chúng tôi đã trồng mới thêm 65.000 cây, gấp gần 1,5 lần so với số cây hiện hữu trong giai đoạn trước đây” - ông Nguyễn Đức Mạnh cho biết.

Ứng dụng mạnh công nghệ hiện đại

Thay đổi lớn nữa trong công tác trồng mới, duy tu cây xanh ở Hà Nội là việc ứng dụng công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại và đổi mới về tư duy. Nhận được sự quan tâm đặc biệt từ lãnh đạo thành phố, nhiều máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới đã được đưa về ứng dụng tại Hà Nội khiến công tác cắt tỉa cây nhanh hơn, đẹp hơn, an toàn hơn gấp hàng chục lần.

Trước kia, mỗi năm, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội (đơn vị chủ lực trong việc cắt tỉa, duy tu cây bóng mát đô thị của thành phố) chỉ cắt tỉa được khoảng 3.000 - 4.000 cây và phần lớn chỉ là đảm bảo an toàn mùa mưa bão, giảm gãy đổ. Hiện nay, mỗi năm, trung bình công ty cắt tỉa được khoảng 30.000 - 40.000 cây xanh bóng mát đô thị. Từ 2016 đến nay, đơn vị đã cắt tỉa được khoảng 120.000 cây. Nhờ hệ thống máy móc tiên tiến, hiện đại, việc cắt tỉa cây không chỉ nhanh hơn mà còn tiến tới yếu tố thẩm mỹ, tạo cảnh quan bằng cây xanh. Cũng trong 4 năm qua, độ cao hàng xà cừ trên các tuyến phố tại 12 quận đã giảm được từ 5-7m, giảm mạnh tỷ lệ cây gãy đổ về mùa mưa bão.

Cùng với đó, an toàn lao động được đảm bảo, tuyệt đối không xảy ra sự cố nào. “Với những cây xà cừ cổ thụ, trước đây, chúng tôi phải mất cả tuần để cắt tỉa thì nay 1 ngày làm được 3 cây. Những tuyến phố lớn, đông đúc phương tiện như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo… trước kia phải mất cả tháng cho việc cắt tỉa cây thì nay chỉ từ 2-3 ngày đã xong” - ông Nguyễn Đức Mạnh nói. 

Là đơn vị có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực phát triển cây xanh ở Hà Nội, ông Hoàng Cao Linh - Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành đánh giá, hơn 4 năm trở lại đây, thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm đến việc trồng cây phủ xanh thành phố. Không chỉ đầu tư mạnh về số lượng so với giai đoạn trước đây, xu hướng phát triển trồng mới cây xanh và yêu cầu về chất lượng của thành phố cũng có thay đổi rất lớn, tạo ra sự đột phá ấn tượng.

Chỉ trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, đơn vị này đã trồng mới gần 35.000 cây cảnh, gần 970.000 cây mảng. “Chúng tôi được giao trồng, chăm sóc cây xanh ở các dải phân cách giữa trên nhiều tuyến phố chính tại các quận nội thành. Yêu cầu của thành phố là phải tìm tòi, nghiên cứu để làm sao đa dạng về chủng loại. Cây được trồng thành nhiều tầng lớp theo hướng cộng sinh với nhau để vừa giảm được thời gian chăm sóc vừa tiết kiệm chi phí duy tu, cắt sửa. Chính nhờ sự điều chỉnh đó, bộ mặt nhiều tuyến phố lớn của Hà Nội bây giờ mới luôn xanh mát với nhiều sắc màu chấm phá cuốn hút đến vậy” - ông Hoàng Cao Linh nói.

(Còn tiếp)

Bài 2: Trồng đã khó, giữ bền vững còn khó hơn

Tự hào và có tình yêu lớn với cây xanh ở Hà Nội

Những tuyến phố "thay da đổi thịt" ảnh 3

“Sinh ra và lớn lên ở Thủ đô Hà Nội, mỗi dịp đi công tác hay trò chuyện với bạn bè ở nơi khác về, tôi thường hay “khoe” với mọi người về những đặc trưng cây xanh ở Hà Nội. Đó là sấu Phan Đình Phùng; là hoa sữa Nguyễn Du; cơm nguội mạn Hàng Chuối, Tăng Bạt Hổ, hay phố cây sao - phố Lò Đúc ngày nào, dù đến nay không còn nhiều nữa.

Cùng với hệ thống những tuyến “phố cây” được trồng từ thời Pháp và xa hơn nữa, các trục đường phố mới của Hà Nội nhiều năm trở lại đây, đã và đang tạo cảm giác thật dễ chịu với người tham gia giao thông, người dân Thủ đô hay du khách từ nơi khác đến. Tình yêu với hệ thống cây xanh ở Hà Nội, đối với tôi đơn giản, bởi tôi luôn gần gũi thiên nhiên. Còn tự hào, vì tôi luôn suy nghĩ, thấy được những tâm huyết, suy nghĩ trách nhiệm, có tầm, của lãnh đạo thành phố. Chọn, làm và để lại “di sản” cho thế hệ mai sau, thì cây xanh là thứ nên, cần làm và ý nghĩa nhất. Phát triển từng ngày, xanh mát từng ngày, cây xanh sẽ giúp chính mỗi người dân sinh sống ở vùng đất Thủ đô, thấy rõ hơn trách nhiệm công dân với Hà Nội, với đất nước”.

Ông Nguyễn Đăng Hải (Số 426 phố Minh Khai, Hà Nội)