Những tranh cãi trái chiều xung quanh đề án cấm xe máy vào nội đô

ANTD.VN - Những thông tin liên quan đến đề án cấm xe máy vào nội đô hiện đang thu hút được sự quan tâm lớn của người dân cả nước, đặc biệt là dân cư sống ở những khu vực này. Tuy chưa đi vào hoạt động, nhưng đề án này đã vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều.

Theo VNE, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông TP Hà Nội cho hay, Sở đang nghiên cứu để trình UBND, HĐND hai đề án. Đề án thứ nhất là thu phí của một số loại phương tiện giao thông vào trung tâm dễ gây ùn tắc và ô nhiễm môi trường.

Đề án thứ hai là xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030, "cấm được xe máy càng sớm càng tốt", ông Viện nói và cho biết đang phối hợp cùng Viện chiến lược Giao thông nghiên cứu xây dựng đề án, trong đó có tính tới việc dừng đăng ký mới xe máy.

Cùng quan điểm, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho rằng ôtô có tiêu chuẩn khí thải nhưng xe máy không có tiêu chuẩn nên thành phố "hạn chế và cấm xe máy sớm ngày nào hay ngày đấy" để cải thiện chất lượng không khí.

Ủng hộ các giải pháp trên, Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, số lượng phương tiện lưu thông trên địa bàn thành phố đang rất lớn và ngày càng gia tăng. Từ thực tế đó, ông cho rằng, kiểm soát phương tiện cá nhân chính là vì lợi ích chung của xã hội và các đơn vị liên quan mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất giải pháp để giảm ùn tắc, ô nhiễm.

Sở Giao thông Hà Nội đang xây dựng đề án cấm xe máy vào nội đô. Ảnh: Ngọc Thành

Tại kỳ họp giữa năm 2017, HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết quản lý phương tiện giao thông, trong đó, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030. Kết quả khảo sát của cơ quan soạn thảo đề án công bố cho thấy, trong hơn 15.000 phiếu khảo sát thu về ở 30 quận, huyện có hơn 90% người được hỏi ủng hộ đề án và lộ trình cấm xe máy.

Tương tự Thủ đô Hà Nội, Đề án cấm xe máy vào nội đô cũng đang được nghiên cứu và xem xét đưa vào hoạt động tại TP HCM. Tuy nhiên, còn rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.

36 giải pháp tập trung ở 3 nhóm

Theo VTV, Đề án đề xuất hạn chế và tiến hành cấm xe máy vào trung tâm TP.HCM, tăng cường phát triển vận tải công cộng đã đưa ra 36 giải pháp tập trung ở 3 nhóm. Trong đó có nhóm giải pháp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân vào trung tâm thành phố giai đoạn 2025 - 2030.

Việc hạn chế xe máy sẽ được thay thế bằng hệ thống vận tải hành khách công cộng như: xe bus, các tuyến metro, vận tải hành khách công cộng đường thủy, bãi giữ xe máy, dịch vụ cung cấp xe đạp, hoặc xe máy điện công cộng… Việc này nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại trong khu vực hạn chế với cự ly tiếp cận trung bình của hành khách đến hệ thống vận tải hành khách công cộng đạt dưới 500m.

Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, thị phần vận tải hành khách công cộng toàn thành phố đảm nhận 15 - 20% nhu cầu đi lại của người dân, đến năm 2025 đạt 20,5 - 26,6% và đến năm 2030, tỉ lệ này sẽ tăng lên 29,3 - 36,8%.

Những ý kiến trái chiều

Phản biện về đề án, đa phần các ý kiến chủ yếu xoay quanh câu chuyện cấm xe máy vào giai đoạn 2025– 2030.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia TP.HCM nghi ngại về tính khả thi, về tính pháp lý của việc “cấm xe máy vào nội đô”. Luật sư Hậu cho rằng toàn TP hiện có hơn 8 triệu xe máy. Với hiện trạng giao thông như hiện nay thì chắc chắn đến 2025, giao thông công cộng không thể đáp ứng được nhu cầu di chuyển, trong khi kết cấu đô thị của TP với số lượng ngõ hẻm chằng chịt, các khu vực sinh sống lâu đời mà chỉ có xe máy mới hoạt động được. Vì vậy, việc cấm xe máy sẽ gây ra phiền toái cho người dân sống ở đó và đặt ra nhu cầu bãi giữ xe ở những khu vực vành đai...

Luật sư Hậu cũng cho rằng: “Ở góc độ pháp lý và cả quản lý, việc cấm không nên áp dụng nhất là khi nguyên nhân là do sự yếu kém trong việc kiểm soát, quản lý. Vì vậy thay vì cấm người dân sử dụng xe máy, chính quyền phải làm các biện pháp khác để người dân có thể tự nguyện bỏ xe máy khi nhận thấy xe máy là không phù hợp, là kém lợi thế. Có như vậy mọi vấn đề mới được giải quyết triệt để”.

Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng, trong bối cảnh mà TP mỗi năm đón nhận thêm 220– 225 ngàn người di dân tự do, mang theo một số lượng xe máy khổng lồ thì phải giải bài toán quy hoạch không gian, kéo dân số ra chứ không chỉ đơn thuần là về giao thông. Người dân đều biết rõ những tác hại, nguy hiểm với bản thân cũng như môi trường khi đi xe máy, nhưng rõ ràng không có lựa chọn khác.

Tiến sỹ Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright cho rằng, nếu sử dụng thông điệp cấm xe máy thì kiểu gì cũng thất bại và TP sẽ nhanh chóng biến thành bãi xe khổng lồ, giao thông sẽ chuyển biến tệ hơn.        

Theo ông Huỳnh Thế Du, muốn giải quyết bài toán này phải dùng đồng thời giải pháp “kéo và đẩy”. Kéo tức là lôi kéo người dân vào sử dụng phương tiện công cộng bằng phát triển loại hình này, còn đẩy là đẩy người dân ra khỏi phương tiện cá nhân bằng cách tiếp cận kinh tế: “Đẩy và kéo phải là biện pháp đồng bộ và biện pháp kéo phải cẩn thận bởi vì kéo không khéo, đưa ra thông điệp kéo xe máy sẽ đưa ra thông điệp khủng khiếp hơn đó là ô tô tăng hơn thì lúc đó lợi bất cập hại”.

Lãnh đạo TP.HCM nói về đề án cấm xe máy. Nguồn: Zing

Tiếp nhận các ý kiến của các chuyên gia, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GT-VT TP.HCM cho biết tất cả vấn đề đều phải trên cơ sở pháp luật quy định, có tính khả thi, đảm bảo khoa học và tạo sự đồng thuận của người dân, phù hợp với thực tiễn của TP.HCM. Ngoài ra, theo ông Trần Quang Lâm đề án phải đảm bảo vấn đề nguồn lực, hệ thống metro phát triển theo quy hoạch, mạng lưới xe buýt phủ khắp, có phương thức thay thế như xe đạp điện…