Những thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ cao nhiễm giun, sán và cách phòng tránh

ANTD.VN - Sán, ấu trùng gây bệnh thường xuyên xuất hiện và phân bố ở tất cả mọi nơi. Người bệnh có thể mắc ấu trùng sán ở ruột nếu ăn hay nuốt phải trứng, nang mang ấu trùng. Đặc biệt là khi ăn những món ăn như thịt sống, tiết canh, ốc, nem chua...không đảm bảo ăn chín uống sôi.

Một vụ việc điển hình 

Vào khoảng 10 giờ 30 sáng 13-6-2019, 3 công nhân Công ty Điện tử TNHH Việt Hoa (đ/c tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) trong lúc ăn trưa thì phát hiện suất bún cá cam của mình có sán chết, đã lập tức phản ánh sự việc. Những suất bún này do Công ty TNHH An Thạnh (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cung cấp. 

Sau đó, công ty An Thạnh đã kiểm tra toàn bộ 900 suất bún đã chia suất và phát hiện khoảng 10 lát cá trong 10 tô bún có sán.

Văn bản của Công ty TNHH An Thạnh xuất hiện trên mạng

Đến chiều 17-6, ông Nguyễn Tấn Hải - Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Đà Nẵng, cho biết đã thành lập đoàn kiểm tra thông tin có sán chết trong tô bún cá phục vụ công nhân.

Sán chết trong lát cá cam được phát hiện

Sáng 18-6, tổ kiểm tra thuộc Ban Quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng đã có buổi làm việc trực tiếp với Công ty TNHH An Thạnh để làm rõ thông tin và trách nhiệm của công ty cung cấp suất ăn.

Khi đoàn kiểm tra hỏi về việc lưu mẫu thức ăn phát hiện sán, ông Châu Quang Anh, Giám đốc Công ty An Thạnh cho biết thức ăn trên chỉ lưu được trong 24 giờ nên không còn. Còn lô cá cam đơn vị này nhập từ một công ty tại Hải Phòng lấy nguồn cá ở Hàn Quốc đã ăn hết nên không còn mẫu để kiểm tra.

Những món ăn có nguy cơ nhiễm sán cao

Tiết canh

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, tiết canh về bản chất là máu sống chế biến cùng các loại thịt, xương nên không thể tiêu diệt các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, nhất là máu của lợn, gà, vịt... đang nhiễm bệnh.

Tiết canh là món ngon, song tiềm ẩn nhiều dịch bệnh do chưa được nấu chín 

Do đó, nên bỏ thói quen ăn tiết canh để hạn chế lây nhiễm bệnh từ thịt bẩn. Khi tiếp xúc và chế biến thịt lợn phải sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết, vệ sinh cá nhân và rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc.

Nem chua

Nem chua sống được làm từ da lợn, thịt lợn, đường, gia vị... rồi cho lên men lactic. Trong quá trình chế biến và bảo quản, nếu không bảo đảm được vô trùng, món này rất dễ bị nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn do nhiều dụng cụ, nơi sản xuất, người chế biến... Thính và thịt nếu để quá hạn và gặp môi trường ẩm cũng rất dễ tạo ra nấm mốc và vi khuẩn độc hại.

Nem chua được làm từ da lợn, thịt lợn, gia vị rồi cho lên men. 

Ngoài ra, nem chua chỉ là món thịt tái, không được đun nấu kỹ càng nên người ăn rất dễ nhiễm sán dây lợn khi ăn phải nem được làm từ thịt lợn gạo. Lợn mà trong cơ có chứa các nang ấu trùng sán, sùi lên  những nốt màu trắng cứng, nhỏ, nên thường được gọi là "lợn gạo".

Rau sống

Đây là loại thực phẩm chứa rất nhiều ký sinh gây hại. Bởi những loại rau này thường là nơi trú ẩn của các loại ký sinh gây hại.

Rau thường được tưới bằng nước bẩn, bón phân tươi. Đây chính là mầm mống khiến cho ký sinh trùng sinh sôi và lây lan. Trong phân tưới rau có thể có ấu trùng sán. Khi người ăn rau sống, ấu trùng vào cơ thể và phát triển thành con sán. Ngoài ra, ăn rau sống còn có nguy cơ mắc bệnh tiêu hóa khác như tiêu chảy, nhiễm giun hay kiết lị.

Cẩn trọng khi ăn rau sống - Ảnh: T.T.

Khi mua rau về cần rửa với nhiều lần nước và nước muối. Vì vậy, nên  hạn chế ăn rau sống tại các hàng quán bởi chúng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ốc

Theo các chuyên gia, mỗi con ốc có thể chứa 3.000-6.000 ký sinh trùng giun ống. Do đó, nên ăn ốc chín, tuyệt đối không ăn ốc chín tái. Loại bỏ ruột ốc và não ốc khi ăn. Ruột ốc nằm ở đuôi ốc chứa nhiều chất bẩn, không nên ăn. Não ốc nằm ở đầu có chứa các chất độc, dễ gây chóng mặt, ngộ độc thực phẩm nếu ăn số lượng nhiều.

Ảnh minh họa 

Trước khi nấu, cần sơ chế sạch bằng cách ngâm ốc trong nước sạch nhiều lần. Hoặc ngâm ốc với nước gạo và ớt để chúng nhả hết bùn rồi chế biến thật kỹ để đảm bảo an toàn.

Thịt lợn, trâu, bò

Bệnh sán bò bắt nguồn từ món thịt bò nhúng. Loài sán này rất nguy hiểm, có thể sống trong cơ thể người 50 - 60 năm ở trong ruột, trong cơ, não, mắt...

Tỷ lệ trâu, bò nhiễm sán lá gan lớn từ 31 đến 98%. Bệnh có diễn biến cấp tính, gây đau bụng vùng gan, tổn thương gan, nguy hiểm đến tính mạng.

Người nhiễm sán dây, ấu trùng sán lợn có tính chất tản phát tại các vùng miền khác nhau. Tỷ lệ nhiễm thường cao hơn ở miền núi và trung du. Bệnh được phát hiện ở 50 tỉnh, thành, có tỷ lệ nhiễm dao động từ 0,5-12%.

Con người dễ nhiễm sán dây lợn khi ăn phải thịt lợn, gan lợn không được nấu chín, tiết canh. Trong số các loại giun sán, sán dây lợn là nguy hiểm nhất bởi khi xâm nhập vào cơ thể con người thì vị trí hay gặp nhất là mắt và não người và có thể dẫn đến tử vong.

Thịt lợn nổi hạch nghi nhiễm sán

Biểu hiện và cách nhận biết bệnh khi nhiễm sán

Theo PGS. TS Bùi Vũ Huy, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, giun sán là bệnh không nguy hiểm, nguyên nhân chủ yếu do thói quen vệ sinh, ăn uống không khoa học.

Nhiễm ký sinh trùng thường không có biểu hiện rõ ràng như các bệnh cấp tính cần đến ngay bệnh viện cấp cứu. Hậu quả là bệnh có thể dẫn đến suy sinh dưỡng, chậm lớn, lười ăn, suy dinh dưỡng thường mắc ở trẻ em.

Lấy mẫu máu em bé để xét nghiệm tìm giun sán (Ảnh minh họa).

Nếu bị nhiễm giun sán thường có các biểu hiện như đau bụng, ngứa hậu môn, tiêu chảy, buồn nôn hoặc có thể gây biến chứng nặng nề ảnh hưởng đến não, thậm chí có thể gây tử vong nếu không phát hiện kịp thời.

Thai phụ có thể suy dinh dưỡng, thiếu sắt, các bệnh lý về gan, phổi... Những  người cao tuổi sức khỏe yếu, nếu nhiễm giun còn có thể gây nên tình trạng suy nhược nghiêm trọng. 

Hiện có 2 loại xét nghiệm để xác định nhiễm sán lợn là tìm kháng thể và kháng nguyên. Tuy nhiên, cả hai loại xét nghiệm này không xác định được thời điểm nhiễm sán.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hiện phác đồ điều trị sán có thể diệt sán trưởng thành sau một ngày uống thuốc. Điều trị ấu trùng sán cần dài ngày hơn, thường hai tuần, cũng có thể kéo dài 4-5 đợt, mỗi đợt 21 ngày. Người nhiễm ấu trùng sán lợn phải chụp CT, chụp cộng hưởng từ để phát hiện tổn thương.

Cách phòng tránh nhiễm giun sán

Theo bác sĩ, sử dụng thuốc điều trị chỉ tiêu diệt giun sán chứ không có tác dụng phòng tránh nhiễm. Mỗi người cần tự trang bị kiến thức cho bản thân trong việc thực hiện chế độ vệ sinh, ăn uống cũng như các thói quen sinh hoạt.

Đối với trẻ nhỏ, cần cắt ngắn móng tay, hạn chế ngậm mút và nghịch đất cát. Nên tập thói quen rửa tay sau khi đê vệ sinh và trước khi ăn để giảm bớt vi khuẩn, kí sinh trùng lây bệnh truyền nhiễm. Hơn nữa, phải thường xuyên lau quét sàn nhà, vệ sinh nhà ở, môi trường công cộng đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn.

Cần tẩy xổ giun định kỳ 6 tháng một lần đối với cả người lớn và trẻ nhỏ. Nếu có kế hoạch mang thai, bạn càng nên tẩy giun an toàn trước đó.

Ngoài ra, nên tự trang bị kiến thức và chọn lọc thông tin khoa học, không hoang mang gây rối loạn tâm lý. Nếu sức khỏe có vấn đề bất thường cần đến bệnh viện để điều trị.