Những thói quen “phản chủ”

ANTĐ - Nhiều người thắc mắc: Ngồi bắt chéo chân, đứng thẳng hồi lâu, vươn vai ngay khi ngủ dậy… sao có thể gây hại cho sức khỏe? Hãy tìm hiểu những thói quen đã được chứng minh là bất lợi này.

Ảnh: Internet

Đứng căng đầu gối. Mọi người sẽ cảm thấy dễ dàng hơn nếu đứng nghiêm, đầu gối thẳng đứng nhưng nếu giữ tư thế này lâu, vô tình gây căng thẳng cho các khớp gối. Theo các chuyên gia chỉnh hình, tất cả các khớp của chúng ta được ổn định bằng cách kích hoạt các cơ bắp xung quanh, khi đứng nghiêm, bạn không còn sử dụng hiệu quả phần cơ bắp xung quanh khớp, do đó, khớp sẽ chịu áp lực lớn hơn. Nếu phải đứng lâu, tốt hơn là hơi chùng đầu gối.

Ngủ sấp. Nằm ngủ ở tư thế sấp bụng khiến cổ phải đặt ở một vị trí nghiêng, có thể dẫn đến đau hoặc tê chi trên, lý do là dây thần kinh ở khu vực này bị nén lại. Cách thay đổi đơn giản là chọn tư thế nào mà cổ không bị quay ngược về đằng sau. 

Ngồi bắt chéo chân. Tư thế này có thể làm tăng huyết áp, đó là kết quả một nghiên cứu đăng trên tạp chí Giám sát Huyết áp của Mỹ. Theo đó, ngồi bắt chéo chân có thể gây tăng huyết áp tâm thu gần 7% và huyết áp tâm trương 2%, đồng thời cũng gây sức ép lên các khớp xương hông hoặc có thể gây ra ứ đọng máu ở chân khi các tĩnh mạch bị nén, từ đó dễ dẫn đến viêm tĩnh mạch chi dưới hoặc bị cục máu đông. Vì thế, tránh để bắt chéo chân quá 15 phút và chừng 1 tiếng nên đứng dậy hoặc đi bộ xung quanh.

Lái xe đường dài mà không nghỉ ngơi. Tương tự như ngồi bắt chéo chân, ngồi lái xe quá lâu có thể gây ứ đọng máu ở chân dẫn đến đông máu. Do vậy, kể cả khi lái xe hay ngồi trên máy bay trong chuyến bay đường dài, thỉnh thoảng đứng dậy hoặc đi vệ sinh để giúp cải thiện lưu thông máu và giảm viêm.

Đeo thắt lưng chặt. Chiếc đai lưng có thể giúp vòng eo trông gọn gàng hơn nhưng được về hình thức thì lại gây bất lợi cho các cơ quan tiêu hóa. Chính vành đai này tạo thêm áp lực cho ổ bụng, có thể dẫn đến chứng trào ngược axit (GERD) mà triệu chứng của nó là cảm thấy vị đắng trong miệng, nóng rát ở phần ngực hoặc vùng thượng vị, ho mãn tính, hoặc thậm chí khó nuốt. Bác sỹ chuyên khoa khuyến cáo chỉ nên dùng đai lưng có độ rộng vừa phải để khi sử dụng, bạn vẫn có thể hít vào, thở ra thoải mái.

Kéo căng người ngay khi tỉnh giấc. Mở mắt ra, điều đầu tiên bạn làm là kéo căng người, nhất là vùng lưng vô tình đẩy phần đĩa đệm vào thế nguy hiểm. Theo các bác sỹ chuyên trị liệu đau cổ và đau lưng mãn tính, đĩa đệm cột sống suốt đêm có thể bị chứa căng nước, động tác kéo duỗi thẳng người có thể làm tăng thêm áp lực cho phần này. Đầu tiên, hãy làm ấm cơ thể trong 10 phút sau khi dậy bằng việc vệ sinh, đánh răng hay pha cà phê trước khi tập thể dục.

Trì hoãn “tiếng gọi tự nhiên”. Hậu quả của việc trì hoãn đi vệ sinh sẽ là nguy cơ phát triển bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhất là với phụ nữ, do niệu đạo gần với âm đạo nên vi khuẩn trong nước tiểu có thể nhân lên và lây lan rất nhanh chóng.

Chỉ một tư thế đeo túi. Dù thể hiện vẻ “sành điệu” nhưng đeo một túi nặng trên vai ngày này qua ngày khác có thể dẫn đến sự mất cân bằng cho cơ bắp và đau vai. Đó là hội chứng đau do những hoạt động không đối xứng lặp đi lặp lại, mà mỗi mô hình chuyển động đều cần đến cơ bắp để hỗ trợ nên về lâu dài nó sẽ gây tổn thương cho cơ bắp hoặc đau mãn tính. Cũng chiếc túi đó, thỉnh thoảng chuyển sang đeo ở vai bên kia hoặc tối giản hành lý mang theo.