Những “sự thật” về bệnh Alzheimer

ANTĐ - Alzheimer là một dạng bệnh thoái hóa của các tế bào thần kinh thuộc não bộ, gây hiện tượng suy giảm trí nhớ, khả năng phán đoán, nhận thức... Tuy nhiên, hiện nhiều người vẫn hiểu sai về bản chất loại bệnh này. 

Chỉ người già mới mắc Alzheimer? 

Chúng ta thường cho rằng suy giảm trí nhớ là biểu hiện bình thường của tuổi tác, tuy nhiên, thực tế Alzheimer không chỉ xuất hiện ở người già mà còn có cả trong độ tuổi 30-50, mắc bệnh ở giai đoạn này được gọi là khởi phát sớm. 

Chưa rõ nguyên nhân 

Theo các chuyên gia y tế, Alzheimer ở người có độ tuổi 65 chiếm khoảng 5%, tăng lên đến trên 20% ở người hơn 80 tuổi. Bệnh dao động theo giới (nữ mắc nhiều hơn nam) và sắc tộc. Có nhiều khả năng bệnh không xuất phát từ một nguyên nhân duy nhất mà do nhiều yếu tố kết hợp: tuổi, tiền sử gia đình, chế độ dinh dưỡng, môi trường, sự bất thường của hệ miễn dịch...

Những “sự thật” về bệnh Alzheimer ảnh 1

Căn bệnh này cũng được xem là nguyên nhân thứ 5 gây tử vong ở phụ nữ lớn tuổi. Các nhà khoa học cho biết, trong quá trình mắc bệnh Alzheimer, tế bào não bị phá hủy và gây ra thay đổi trí nhớ, lệch lạc hành vi và mất chức năng hoạt động của cơ thể. Đó là các triệu chứng chậm chạp và rất khó nhận ra người thân, khả năng tiếp xúc, suy nghĩ, ăn uống, nói chuyện, đi lại và tìm đường về nơi ở của mình. 

Nhôm là thủ phạm? 

Trong những năm 1960-1970 xuất hiện tin đồn nhôm có thể gây bệnh Alzheimer. Sự nghi ngờ này dẫn đến mối lo ngại về tác hại của các đồ vật sử dụng hàng ngày như nồi nhôm, bình nhôm… Tuy nhiên, đến nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh được rằng nhôm gây ra bệnh Alzheimer.

Chưa chữa khỏi được 

Cho đến nay, chưa có phác đồ điều trị nào có thể chữa khỏi, làm chậm hoặc làm ngừng tiến triển của bệnh Alzheimer. Có hay chăng chỉ là một số trị liệu có tác dụng làm chậm tiến triển xấu của các triệu chứng ở bệnh nhân Alzheimer trong thời gian trung bình từ 6-12 tháng. 

Nguy cơ từ thuốc an thần 

Một nhóm thuốc an thần được gọi là benzodiazepines bao gồm: alprazolam (Xanax) và clonazepam (Klonopin) được đánh giá an toàn, hiệu quả nếu sử dụng trong khoảng 3 tháng. Tuy nhiên, nếu sử dụng trong thời gian dài hơn, chúng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Anh chỉ ra rằng, những người uống thuốc benzodiazepin quá 3 tháng liên tục có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn những người khác 51%. 

Những “sự thật” về bệnh Alzheimer ảnh 2

Do nhiều lần chấn thương đầu 

Bác sĩ Brian Giunta, Khoa Tâm thần và thần kinh học tại Đại học Nam Florida, Mỹ cho biết, chấn thương đầu thường gây ra nhiều tổn thương cho não, thậm chí sau khi hồi phục còn để lại di chứng có thể trở thành những căn bệnh mãn tính. Đây chính là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến bệnh Alzheimer. 

Cảnh báo thiếu ngủ thường xuyên

 

Theo nhà dược học và miễn dịch học Domenico Praticò tại Đại học Temple ở bang Philadelphia, Mỹ, tình trạng thiếu ngủ thường gặp ở những người mắc bệnh Alzheimer. Một nghiên cứu thực nghiệm trên chuột chỉ ngủ 4 giờ/đêm cho thấy, khả năng ghi nhớ cũng như khả năng giao tiếp của chúng thay đổi. Praticò giải thích, mất ngủ làm tăng tốc độ các quá trình có hại dẫn đến bệnh Alzheimer vì nó làm mất đi thời gian để não thải những chất dư thừa như amyloid beta (chất ức chế thần kinh). 

Do sống cô đơn 

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Thần kinh học đã chỉ ra mối liên hệ giữa sự cô đơn và sự phát triển của chứng mất trí. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cảm giác cô đơn ở người cao tuổi làm tăng 1,63 lần khả năng mất trí nhớ so với tình trạng phát triển bệnh ở mức bình thường. Vì vậy, giữ các mối quan hệ với bạn bè thường xuyên không chỉ có lợi cho sức khỏe tinh thần mà còn là liều thuốc tuyệt vời về thể chất.