Những quyền được hưởng của người hiến tạng

ANTD.VN - Mới đây, một người đàn ông 40 tuổi đã hiến tặng tim, gan, phổi, thận, gan của mình để cứu sống 5 người. Và lần đầu tiên ở Việt Nam, ca ghép 5 tạng cùng một lúc, một thời điểm cho 4 bệnh nhân và kết hợp điều phối “xuyên Việt” 1 thận cho bệnh nhi ở TPHCM từ người cho chết não hiến tạng. Hiến tạng là một nghĩa cử nhân văn giúp hàng chục nghìn người bệnh được cứu sống và những câu chuyện cảm động về người hiến tạng trong thời gian qua đã tạo nên sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Vậy những người đăng ký hiến tạng sẽ được hưởng những quyền lợi nào.

Những quyền lợi mà người hiến tạng được hưởng

Theo thông tư 104/2017/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành về quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác cụ thể như sau:

Thông tư quy định rõ chế độ khám sức khỏe định kỳ đối với người đã hiến bộ phận cơ thể khi còn sống. Theo đó, người đã hiến bộ phận cơ thể người khi còn sống được hưởng chế độ khám sức khỏe định kỳ bao gồm các nội dung hỗ trợ sau: Được miễn chi phí khám sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn về chuyên môn y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định theo giá dịch vụ khám sức khỏe cho người đã hiến bộ phận cơ thể do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Những quyền được hưởng của người hiến tạng ảnh 1 

Câu chuyện bé Hải An hiến giác mạc đã tạo nên sức lan tỏa lớn trong cộng đồng

Người đã hiến bộ phận cơ thể khi còn sống được hỗ trợ tiền thuê phòng ngủ trong trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thể đi về trong ngày (không bao gồm trường hợp người đã hiến bộ phận cơ thể người phải nhập viện để khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế): 450.000 đồng/ngày/người, tối đa không quá 02 ngày. Được hỗ trợ tiền ăn trong những ngày thực tế đi khám sức khỏe định kỳ, tối đa không quá 03 ngày/lần khám định kỳ: 200.000 đồng/ngày.

Đồng thời được hỗ trợ chi phí đi lại từ nhà đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện khám sức khỏe định kỳ và ngược lại theo mức giá phương tiện vận tải công cộng. Trường hợp sử dụng phương tiện đi lại của cá nhân thì căn cứ xác định mức hỗ trợ chi phí đi lại là khoảng cách từ nhà đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và ngược lại, với mức tiêu hao nhiên liệu bằng 0,2 lít xăng/km và giá xăng tại địa phương nơi thực hiện vận chuyển.

Người đã hiến bộ phận cơ thể người được cơ sở khám sức khỏe định kỳ xác nhận thời gian thực hiện khám sức khỏe định kỳ để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn (nếu có).

Người đã hiến bộ phận cơ thể người khi đi khám sức khỏe định kỳ phải xuất trình giấy ra viện (trong đó ghi rõ “đã hiến bộ phận cơ thể") hoặc một loại giấy tờ chứng minh về việc đã hiến bộ phận cơ thể và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân.

Chế độ tổ chức tang lễ, mai táng di hài

Thông tư cũng nêu rõ, trường hợp thân nhân của người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác có nhu cầu tổ chức tang lễ và mai táng di hài cho người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác được hỗ trợ mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở. Thân nhân của người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác phải xuất trình với cơ sở y tế, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến giấy tờ chứng minh là thân nhân của người đã hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác để nhận chế độ tổ chức tang lễ và mai táng di hài theo quy định.

Trường hợp cơ sở y tế, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến tổ chức tang lễ và mai táng được thanh toán chi phí theo thực tế phát sinh nhưng tối đa không quá 10 tháng lương cơ sở.

Khuyến khích nguồn tạng từ những người chết não

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Bộ Y tế, ngành y tế chủ yếu khuyến khích việc hiến tạng ở bệnh nhân chết não - trừ một số trường hợp đặc biệt của người hiến tặng vô danh, vô vụ lợi mới tiếp nhận tạng từ người cho còn sống.

Những quyền được hưởng của người hiến tạng ảnh 2 

Hiến tạng là một nghĩa cử cao đẹp mang đến cơ hội sống cho hàng nghìn bệnh nhân mỗi năm

"Nếu miễn phí việc xét nghiệm, có thể xuất hiện những người có động cơ không trong sáng, như đăng ký hiến để kiểm tra sức khỏe miễn phí xong rồi không hiến nữa. Như vậy ngân sách sẽ đội lên khủng khiếp. Bởi chi phí có thể lên đến 15-20 triệu đồng cho các xét nghiệm nhóm máu, kháng nguyên bạch cầu người (HLA), chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp…). Người hiến thận khi còn sống thì phải chụp cắt lớp, dựng hình 2 quả thận để giữ lại quả thận nào tốt hơn cho người hiến... Nhưng BHYT chưa thanh toán danh mục này, còn các bệnh viện không đủ tài chính để chi trả", ông Phúc phân tích những bất cập.

Sau 12 năm đi vào hoạt động, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý quan trọng cũng tồn tại những bất cập cần sửa đổi, bổ sung, trong đó liên quan đến chế độ BHYT.

Hiện Luật chưa quy định thanh toán các loại xét nghiệm liên quan đến người hiến tạng khi còn sống cũng như người ghép mô, tạng có thẻ BHYT được thanh toán toàn bộ chi phí sàng lọc trước khi ghép tạng, nên bệnh nhân có thẻ BHYT không được thanh toán đồng bộ.

"Trong các cuộc thảo luận trước đây, chúng tôi cũng đã cho rằng, để tránh việc trục lợi chính sách, BHYT cần hoàn lại tiền xét nghiệm cho người hiến tạng khi còn sống sau khi đã có chứng nhận hiến tạng hoặc xác nhận của cơ sở y tế rằng người đó không đủ điều kiện để hiến tạng khi còn sống.

Tuy nhiên, ý kiến này cũng có người cho rằng như vậy sẽ là thiếu “tế nhị” đối với người thực sự có tâm nguyện muốn hiến tặng vô danh, vô vụ lợi cho bất kỳ ai, bởi như vậy vẫn bắt họ phải chi một khoản tiền rồi sau khi hiến mới nhận lại được. Đây đang là vấn đề chúng tôi thực sự thấy “vướng”. Chúng tôi cũng mong chờ những ý kiến đa chiều để chính thức đề xuất với BHYT và các đơn vị hữu quan".