Những nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết và sốt virus thông thường

ANTD.VN - Thời gian gần đây, dịch sốt xuất huyết bùng phát trở lại ở một số tỉnh miền Trung và miền Nam. Theo ghi nhận tại Quảng Nam số ca mắc sốt xuất huyết của tỉnh này đã lên đến 2.480 ca. Mặc dù, sốt xuất huyết là một trong những căn bệnh phổ biến, nhưng hậu quả mà nó để lại vô cùng nguy hiểm. Khi mắc bệnh sốt xuất huyết rất nhiều người nghĩ đó chỉ là sốt virus thông thường nên chủ quan không đi thăm khám, dẫn đến những nguy cơ lớn hơn. Vậy làm thế nào để phân biệt được sốt virus thông thường và sốt xuất huyết?
Những nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết và sốt virus thông thường ảnh 1 

Muỗi vằn là nguyên nhân chính gây bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây nên. Virus này truyền từ người sang người chủ yếu do muỗi đốt.

Sốt virus là bệnh do virus hoặc nhiễm trùng gây ra. Sốt virus là một trong những bệnh dễ xảy ra nhất, không chỉ với trẻ em mà còn cả ở người lớn nhất là những người có sức đề kháng yếu. Sốt siêu vi hay còn gọi là sốt virus thường xảy ra vào thời điểm giao mùa nhất là trong thời tiết nóng ẩm hay nóng lạnh như hiện nay.

Triệu chứng, dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết thường kéo dài từ 7-10 ngày với những biểu hiện như: cơ thể bị mêt mỏi, uể oải và chán ăn, chảy máu, sốt cao trên 39 độ trong nhiều ngày… Sốt xuất huyết có những dấu hiệu rất giống so với sốt thông thường mà không nhận ra được, chỉ đến khi đi xét nghiệm máu mới có thể biết chính xác mình có bị sốt xuất huyết hay không.

Sốt cao

Biểu hiện đầu tiên của bệnh sốt xuất huyết là tình trạng sốt cao. Sốt (nóng) cao 39-40 độ C, đột ngột, liên tục trong 3-4 ngày liền, mệt mỏi, phát ban, buồn nôn.

Xuất huyết (chảy máu)

Khi bị sốt xuất huyết, trên bề mặt da sẽ xuất hiện những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm

Xuất huyết dưới da: Làm lộ trên mặt da những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm. Phân biệt với vết muỗi cắn bằng cách căng da chung quanh chấm đỏ, nếu chúng vẫn còn là do xuất huyết, ngược lại nếu biến mất thì đó là vết muỗi cắn.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bị xuất huyết ở niêm mạc. Với phụ nữ, khi bị sốt xuất huyết mà tới kỳ kinh nguyệt thì chu kỳ này có thể kéo dài hơn. Kinh nguyệt cũng có thể tới sớm hơn bình thường khi nhiễm bệnh. Với trẻ em, bên cạnh những nốt xuất huyết trên cơ thể thì thường kèm theo bị chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi tiểu ra máu...

Nhiều người bị nặng có thể dẫn tới xuất huyết tiêu hóa với các biểu hiện là đi đại tiện ra máu, nôn ra máu kèm theo các biểu hiện liên quan đến thần kinh nhức đầu, đau cơ, đau khớp.

Đau bụng

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có thể có cảm giác khó chịu, đau bụng, nôn ói…

Tình trạng sốc

Triệu chứng cuối cùng nguy hiểm nhất khi nhiễm sốt xuất huyết thể nặng là tình trạng sốc. Tình trạng sốc của cơ thể thường xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của chu kỳ bệnh. Tình trạng sốc có thể thường xuất hiện khi người bệnh đang sốt cao đột ngột chuyển sang hết sốt, nhưng lại mệt mỏi li bì, chân tay lạnh, đi tiểu ít, có thể kèm theo nôn hoặc đi đại tiện ra máu. Khi bị sốc sẽ rất nguy hiểm tới tính mạng nếu không tới bệnh viện kịp thời.

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vacxin và thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị theo triệu chứng. Khi sốt cao, chỉ dùng paracetamol, tổng liều không quá 60mg/kg cân nặng/ngày với người lớn. Trong giai đoạn 7-10 ngày mắc sốt xuất huyết, người bệnh tốt nhất nên uống oresol; uống nhiều nước hoa quả, nước dừa, nước rau và nước lọc.

Dấu hiệu, triệu chứng của sốt virus

Theo thông tin trên Trí thức trẻ, ThS.BS. Nguyễn Trung Cấp (Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, sốt virus có những dấu hiệu khác nhau ở người lớn và trẻ em. Cụ thể như sau:

- Sốt virus ở trẻ nhỏ: Trẻ bị sốt cao đột ngột lên đến 39-40 độ C, đau cơ bắp, đau nhức khắp mình mẩy khiến trẻ quấy khóc. Tuy nhiên cũng có những trường hợp trẻ bị đau đầu nhưng vẫn chơi nghịch được, hoàn toàn tỉnh táo. Sau 2-3 ngày bị sốt, trẻ nổi ban.

Ngoài ra còn có một số dấu hiệu khác như chảy nước mắt, kết mạc mắt có thể đỏ, có dỉ mắt… ảnh hưởng đến thị lực. Ở một số trẻ bị sốt cao có thể bị khó thở, co giật liên hồi.

- Sốt virus ở người lớn: Mệt mỏi, đau người, sốt, ho và chảy nước mũi, nghẹt mũi, nhức đầu (thường đến sau sốt và sau đau mỏi cơ thể), phát ban da (xuất phát từ nguyên nhân sốt virus gây ra bởi virus nên tình trạng phát ban da sẽ rất phổ biến).

Những nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết và sốt virus thông thường ảnh 3 

Trẻ bị sốt thường có dấu hiệu như nhiệt độ cơ thể tăng cao, ngủ mê, nhức đầu, chán ăn, đau họng, ho, đau tai, ói mửa và tiêu chảy

Sốt thường: Theo thông tin từ Webmd, trẻ bị sốt thường có dấu hiệu như nhiệt độ cơ thể tăng cao, ngủ mê, nhức đầu, chán ăn, đau họng, ho, đau tai, ói mửa và tiêu chảy.

Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi có thể bị co giật do sốt. Trong khi đó, người lớn bị sốt thường có dấu hiệu vã mồ hôi, cơ thể ớn lạnh và run, đau đầu, đau cơ, ăn không thấy ngon, hay cáu gắt, khô miệng vì mất nước…

Theo các chuyên gia, dựa vào những dấu hiệu cơ bản trên, bạn có thể định hình mình bị sốt xuất huyết, sốt virus hay đơn giản là sốt thường. Nếu không chắc chắn hoặc nghi ngờ những dấu hiệu của bệnh, bạn cần đến bệnh viện để bác sĩ khám, tiến hành xét nghiệm máu và điều trị kịp thời, tránh những rủi ro đáng tiếc.