Những nguyên nhân hàng đầu gây lây nhiễm HIV

ANTD.VN - Nếu như trước đây ở Việt Nam, tiêm chích ma túy là nguyên nhân chính dẫn đến sự lây nhiễm HIV/AIDS thì đến nay, quan hệ tình dục không an toàn mới chính là con đường truyền bệnh nhanh và nguy hiểm nhất.

Theo Báo Người lao động, PGS-TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, cho biết thống kê 9 tháng năm 2018, cả nước xét nghiệm phát hiện mới gần 7.500 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS là hơn 2.500, số bệnh nhân tử vong 1.436 trường hợp.

Số người nhiễm mới HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16-29 (38%) và 30-39 (36%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (63%) và qua đường máu (23%). Trong số nhiễm mới HIV, có 36% là phụ nữ lây từ chồng, bạn tình bị nhiễm HIV, 24% là người quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới nữ, 23% là người nghiện chích ma túy, 10% là người mua dâm, 5% là nam giới lây từ vợ, bạn tình bị nhiễm HIV, 2% là phụ nữ bán dâm.

Theo PGS Long, dịch HIV/AIDS chủ yếu tập trung ở 2 TP lớn là TP HCM và Hà Nội, chiếm 35% số người nhiễm HIV của cả nước; tiếp đến là các tỉnh, thành Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng, Quảng Ninh, An Giang, Thái Nguyên, Đồng Nai, mỗi tỉnh chiếm khoảng 3% số người nhiễm HIV cả nước.

Lây nhiễm HIV qua đường quan hệ tình dục

Không chỉ ở Việt Nam, quan hệ tình dục cũng là phương thức lây truyền HIV phổ biến nhất trên thế giới. Tỷ lệ lây nhiễm HIV cho mỗi lần quan hệ không bảo vệ ước tính 0,1% đến 1%. Tỷ lệ này sẽ gia tăng theo tần suất quan hệ.

Quan hệ tình dục không an toàn dễ dẫn đến lây nhiễm HIV

Trong giao hợp thông thường, dương vật của người nam và âm đạo người nữ tiếp xúc với các dịch sinh dục của nhau. Nếu người nam mang HIV thì HIV có thể đi qua lớp niêm mạc âm đạo người nữ (da mỏng ở bên trong che phủ bề mặt âm đạo) vào những mạch máu nhỏ li ti có rất nhiều dưới lớp niêm mạc, khiến người nữ bị nhiễm virus HIV.

Nếu người nữ mang HIV thì HIV có thể truyền sang người nam qua niêm mạc ở lỗ dương vật hoặc qua lớp da bao phủ đầu dương vật ở phía ngoài. Lớp da này mỏng nên trong khi giao hợp dễ bị vết xước rất nhỏ không nhận thấy, tạo điều kiện cho HIV xâm nhập. 

Khi giao hợp bằng miệng (như dương vật - miệng, hay miệng - âm hộ), khả nǎng lây truyền HIV thấp hơn so với giao hợp thông thường. Nhưng nếu trong miệng có lở xước, hay có chảy máu răng thì HIV có khả năng lan truyền.

Giao hợp dương vật - hậu môn là hình thức giao hợp dễ làm lây HIV nhất. Đó là do hậu môn và trực tràng (ống trong hậu môn) rất dễ xước bởi không có chất dịch làm trơn như âm đạo nên tạo điều kiện rất tốt cho HIV chuyển từ người này sang người kia.

Lây nhiễm HIV qua đường máu

HIV có thể lây truyền qua sử dụng chung bơm kim tiêm bị nhiễm virus

Truyền máu trực tiếp từ người bị bệnh HIV sang người bình thường chính là đường lây lan HIV nhanh nhất. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm gặp bởi trước khi lấy máu phải qua quá trình xét nghiệm xem có đủ điều kiện truyền hay không. 

Thông thường, HIV lây truyền qua sử dụng chung bơm kim tiêm bị nhiễm virus không được diệt trùng đúng cách, đặc biệt ở người nghiện chích ma túy.

HIV truyền từ mẹ sang con

Mẹ nhiễm virus HIV sinh ra con có 30% khả nǎng lây nhiễm

Mẹ nhiễm virus HIV sinh con có 30% khả nǎng lây nhiễm do nhận dinh dưỡng qua nhau thai, qua máu... Nên thực hiện xét nghiệm khi trẻ 6-12 tháng tuổi sau sinh, lúc này trong máu của bé không còn giữ những kháng thể của mẹ.

Những con đường không lây nhiễm HIV

Theo Báo Lao động, các chuyên gia cho biết, virus HIV tồn tại nhiều nhất trong máu, tinh dịch, dịch âm đạo, sữa của người nhiễm HIV. Khi đạt đủ số lượng sẽ dẫn đến lây truyền HIV từ người nọ sang người kia.

Ngoài ra, HIV còn có thể có trong nước bọt, nước tiểu, nước mắt hay mồ hôi. Tuy nhiên, HIV tồn tại trong những thể trên thường rất ít không đạt đủ ngưỡng để có khả năng lây nhiễm khi tiếp xúc từ người bệnh sang người lành bệnh. Đây được xem là cơ sở để khảng định HIV không dễ lây truyền qua các con đường tiếp xúc bình thường. 

Không phải cứ đứng gần hay tiếp xúc thông thường như bắt tay, ôm, hôn… là có thể lây nhiễm HIV. Khi ở ngoài cơ thể con người, HIV rất dễ bị tiêu diệt dưới môi trường nhiệt độ thông thường cùng các hóa chất khác.

Trong môi trường nước, mức nhiệt >56 độ C sẽ tiêu diệt HIV trong vòng 30 phút. HIV dễ dàng bị tiêu diệt trong các dung dịch: Oxy già 6%, dung dịch tẩy rửa Javel 0.1-0.5%, cloramin 25%, các chất sát trùng như cồn 70 độ hoặc trong axit (độ pH<6) và bazơ (pH>10).

Cách phòng chống

- Chung thủy một vợ một chồng. Không quan hệ với nhiều người, nhất là gái mại dâm khi chưa biết rõ sức khỏe của họ. Luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn và đường miệng. Khi phát hiện mắc bệnh HIV/AIDS cần báo cho bạn tình biết và cùng đi khám và chữa trị kịp thời, tránh lây bệnh cho người khác.

- Không dùng chung bơm kim tiêm, dụng cụ tiêm chích.

- Phải xét nghiệm, kiểm tra kỹ trước khi truyền máu cho người bệnh. Nhân viên y tế cần thực hiện tốt quy trình kỹ thuật trong khi thực hiện các thủ thuật tiêm chích trên người bệnh, đeo găng tay bảo vệ khi truyền máu và khi tiếp xúc với các dịch nôn, máu... của người mắc bệnh.

- Nếu có kế hoạch phẫu thuật thì bạn có thể yêu cầu bệnh viện trích máu của mình trước đó vài tháng để dự trữ nếu điều kiện sức khỏe cho phép để không phải dùng máu của bệnh viện.

- Không dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu... với người mắc bệnh. 

- Không phải bất kỳ người mẹ nào nhiễm HIV cũng đều lây truyền sang con, vì vậy khi biết mẹ bị nhiễm HIV cần đến ngay cơ sở y tế để có chế độ chăm sóc tốt nhất phòng tránh nguy cơ nhiễm bệnh cho em bé của bạn.

Nếu mẹ nhiễm HIV/AIDS có đủ khả năng kinh tế thì nên cho con ăn sữa bột ngoài hoàn toàn. Nếu mẹ không đủ khả năng kinh tế thì nên cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, nghiêm cấm không cho trẻ ăn thêm thức ăn ngoài hoặc sử dụng núm vú cao su cho trẻ, vì làm vậy sẽ khiến dạ dày trẻ non nớt bị tổn thương khiến HIV dễ dàng xâm nhập vào trẻ hơn. 

- Ngoài ra, khi đi cạo râu hoặc sửa móng tay, xăm mình… ở hiệu, bạn có thể yêu cầu người làm rửa sạch dụng cụ và lau bằng cồn để tiệt trùng.